Làm gì để hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản?

08:02' - 02/03/2021
BNEWS Năm 2021, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu giá trị gia tăng lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản tăng khoảng 9%; có 65% các cơ sở chế biến xây dựng mới và cơ sở đã xây dựng từ trước được cải tạo.

Trong quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, cùng với sự phát triển mạnh về hợp tác xã, các doanh nghiệp thành lập mới, sự đầu tư của các doanh nghiệp cũng tăng lên mạnh mẽ. Điều này đang và tiếp tục tạo bước đột phá về chế biến với áp dụng công nghệ số, ứng dụng công nghệ cao, giúp nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, từng bước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để những chuỗi giá trị ấy vận hành hoàn hảo thì vẫn cần những “cú hích” để doanh nghiệp đầu tư hoàn thiện.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, chưa bao giờ nông nghiệp có được sự quan tâm, đầu tư lớn của các doanh nghiệp như giai đoạn vừa qua. Năm 2015 chỉ có khoảng 3.100 doanh nghiệp trực tiếp trong nông nghiệp thì đến nay có khoảng gần 14.000 doanh nghiệp; cùng với đó số hợp tác xã cũng tăng gần gấp đôi, từ hơn 9.000 hợp tác xã lên 17.500 hợp tác xã.
Cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực, một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản, số lượng nhà máy/cơ sở chế biến lớn khởi công mới, đi vào hoạt động 5 năm qua là 67 nhà máy/cơ sở với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD, tạo ra năng lực mới thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu.

Đặc biệt năm 2020, có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, tăng 4 dự án và khoảng 6.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Với sự đầu tư mạnh của doanh nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng. Điển hình như dự án Dự án chuỗi khép kín xuất khẩu thịt gà ở Bình Phước với công suất 100 triệu con gà/năm hướng tới thị trường xuất khẩu đi vào hoạt động vào cuối năm 2020.
Chia sẻ về dự án này, ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, chỉ sau đúng 2 năm nhận được Giấy chứng nhận đầu tư Dự án chuỗi khép kín xuất khẩu thịt gà, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã đưa vào hoạt động dự án với tổ hợp các nhà máy và trang trại chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín hoàn chỉnh gồm: nhà máy thức ăn chăn nuôi, trang trại gà giống bố mẹ, nhà máy ấp trứng, trang trại gà thịt, nhà máy giết mổ và chế biến cùng hệ thống xử lý phế phẩm, với số vốn đầu tư lên đến 250 triệu USD và công suất 50 triệu con/năm trong giai đoạn 1 và 100 triệu con/năm trong giai đoạn 2 vào năm 2023.
Theo ông Montri Suwanposri, dự án áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới đặc biệt có những công nghệ chưa từng được áp dụng tại các nước khác trong hệ thống của Tập đoàn C.P. trên toàn cầu, nay lần đầu tiên áp dụng tại tỉnh Bình Phước, Việt Nam.
Việc ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)... trong quản lý điều hành và sản xuất chăn nuôi được công ty xác định là khâu then chốt, tạo sự đột phá, nhằm nâng cao nâng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh với giá thành hợp lý, hướng đến xuất khẩu và chăn nuôi phát triển bền vững.
Một mô hình chuỗi khép kín xuất khẩu thịt gà với công nghệ vượt trội, đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu ra tất cả các nước trên thế giới, ngay cả những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe nhất như châu Âu và Nhật Bản về chất lượng, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường sẽ tạo tiền đề vững mạnh cho thực phẩm chăn nuôi Việt Nam vươn ra thế giới.
Nhìn lại giai đoạn vừa qua, PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, Chính phủ rất “năng động” khi ban hành hàng loạt chính sách cởi mở nhằm phát huy năng lực của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân… Trong bối cảnh năm 2020, trước bối cảnh dịch COVID-19, tính năng động của lực lượng doanh nghiệp, hợp tác xã được thể hiện ngày càng rõ hơn.
Điển hình như một số doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu ở Hải Dương, mọi năm vẫn xuất khẩu rau củ sang Trung Quốc, nhưng năm 2020, đã xoay sở tìm kiếm nhiều thị trường khác. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có những giúp đỡ doanh nghiệp, hợp tác xã ở Hải Dương xây dựng nhà máy chế biến, đầu tư sau thu hoạch theo tiêu chuẩn để xuất khẩu được sản phẩm sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo ông Đào Thế Anh, nhà nước cần tiếp tục có những thay đổi về chính sách để các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể tiếp cận vốn, đất đai… Bởi, hiện nhiều đơn vị muốn đầu tư xây dựng nhà sơ chế, kho bãi hay phát triển chăn nuôi nhưng không có đất... Đầu tư chế biến, khâu sau thu hoạch cần có bước đột phá hơn nữa, đặc biệt là thu hút nhiều hơn doanh nghiệp tham gia gắn với vùng nguyên liệu.
Còn ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ. Có những chính sách rất nhân văn, nhưng do không có nguồn lực để thực hiện dẫn đến việc thực thi gặp nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp phải xem xét lại điều kiện thực hiện chính sách để khi ban hành chính sách đó thực sự có hiệu quả.  Cùng với đó là ngành phải cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa.
“Với nông nghiệp, sức sản xuất lớn nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Chúng ta cần tiếp tục tạo mọi điều kiện để mở rộng ngành nông nghiệp trong nước. Đặc biệt, đối với khối tư nhân sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp nhưng chúng ta vẫn thiếu những  "cú huých" để nông nghiệp có thể phát triển bền vững.”, ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay.
Với vai trò quản lý của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, cũng như cải cách thủ tục hành chính. Bộ sẽ phối hợp với các địa phương kêu gọi đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến đối với những ngành hàng chưa có, hoặc còn thiếu công suất chế biến.
Năm 2021, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu giá trị gia tăng lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản tăng khoảng 9%; có 65% các cơ sở chế biến xây dựng mới và cơ sở đã xây dựng từ trước được cải tạo, nâng cấp đạt các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Để đạt mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ triển khai các chính sách đồng bộ khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến công nghệ cao.
Cùng với sự chăm lo phát triển doanh nghiệp, ngành còn xúc tiến người nông dân đẩy nhanh hơn quá trình hình thành các hợp tác xã. Bởi phải thông qua từng tổ chức kinh tế - đó là hợp tác xã kiểu mới và ở đó có nông dân để doanh nghiệp hợp tác liên kết. Cùng với đó là hướng dẫn địa phương tổ chức sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm có lợi thế thị trường và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục