Nhà lãnh đạo Phạm Văn Đồng - tấm gương đạo đức trong sáng, tài năng

Đồng chí Phạm Văn Đồng - học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - là người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhà văn hóa lớn của dân tộc.
Nhà lãnh đạo Phạm Văn Đồng - tấm gương đạo đức trong sáng, tài năng ảnh 1Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng tiếp đại tướng, Tổng tham mưu trưởng lục quân Indonesia Rudini thăm Việt Nam (27/3/1986). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Chiều 1/3, nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Văn Đồng (1/3/1906-1/3/2021), tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Tọa đàm khoa học: “Đồng chí Phạm Văn Đồng - Nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương đạo đức trong sáng.”

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đồng chí Phạm Văn Đồng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí là người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Đồng chí Phạm Văn Đồng, sinh ngày 1/3/1906 trong một gia đình trí thức phong kiến tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Kế thừa truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình, trong những năm 1925-1926, Phạm Văn Đồng đã tham gia phong trào đấu tranh đòi thả nhà chí sỹ Phan Bội Châu và tổ chức lễ truy điệu nhà chí sỹ Phan Châu Trinh.

Đầu năm 1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 3/1929, đồng chí được bầu là Bí thư Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Kỳ.

Tháng 5/1929, tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Tổng bộ. Tháng 7/1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam vào Khám Lớn-Sài Gòn, rồi bị kết án 10 năm tù, đày ra Côn Đảo.

Sau khi ra tù (tháng 7/1936), bị đưa về quản thúc ở quê nhà, đồng chí Phạm Văn Đồng bí mật bắt liên lạc với tổ chức Đảng.

Đầu năm 1937, đồng chí trở ra Hà Nội hoạt động cách mạng. Tháng 5/1940, đồng chí sang Côn Minh (Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, rồi tham gia hoạt động cách mạng ở Tĩnh Tây. Năm 1941, đồng chí được giao nhiệm vụ về nước xây dựng căn cứ cách mạng ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.

Tháng 8/1945, tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, đồng chí được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Bộ trưởng Tài chính, rồi Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội khóa I. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí được cử làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung Bộ.

Tháng 1/1947, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đầu năm 1949 là Ủy viên chính thức. Tháng 7/1949, đồng chí được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ.

Nhà lãnh đạo Phạm Văn Đồng - tấm gương đạo đức trong sáng, tài năng ảnh 2Ngày 18/7/1977, tại thủ đô Vientiane, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Lào Kaysone Phomvihane ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.

Ngày 20/9/1955, tại Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ 5, đồng chí được bầu là Thủ tướng Chính phủ và liên tục đảm nhiệm cương vị này trong 32 năm (1955-1987).

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng các khóa VI, VII, VIII, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII (từ năm 1946-1987).

Do có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác.

Cuộc đời hoạt động cách mạng và đóng góp của đồng chí Phạm Văn Đồng đối với cách mạng Việt Nam rất to lớn, phong phú, liên tục, trải khắp ba miền đất nước và trên nhiều lĩnh vực trọng yếu.

[Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Nhà chính trị, nhà văn hóa lớn của dân tộc]

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi khẳng định 94 năm tuổi đời, 75 năm hoạt động cách mạng liên tục, 41 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc.

Trong không khí cả nước phấn khởi thi đua chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, noi gương đồng chí Phạm Văn Đồng, quyết tâm phấn đấu, nêu cao tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, tình nhân ái, ý chí kiên cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ngăn chặn và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, sớm đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, phấn đấu xây dựng đất nước ta phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nhà lãnh đạo Phạm Văn Đồng - tấm gương đạo đức trong sáng, tài năng ảnh 3Thủ tướng Cuba Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuộc mít tinh của nhân dân Quảng Trị chào mừng Đoàn đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. (Ảnh: TTXVN)

Tại Tọa đàm, các nhà khoa học tập trung thảo luận, đi sâu làm rõ một số vấn đề trọng tâm trong cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Văn Đồng, nhà hoạt động chính trị có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, nhà lãnh đạo kinh tế giàu kinh nghiệm, nhà ngoại giao tài năng, nhà văn hóa lớn.

Đánh giá về những đóng góp của đồng chí Phạm Văn Đồng trong chỉ đạo phát triển kinh tế trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng những năm 1975-1986, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, trong 10 năm ở cương vị này, đồng chí Phạm Văn Đồng đã dành nhiều thời gian và công sức để lãnh đạo đất nước.

Do nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới, đồng chí đã chỉ đạo quy trình hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Những đổi mới từng phần trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp là kinh nghiệm quý để Đảng và Chính phủ từng bước hoạch định đường lối đổi mới, tạo bước phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên cũng cho rằng, trên bất cứ cương vị nào, đồng chí Phạm Văn Đồng cũng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chia sẻ một câu chuyện về tích cách giản dị, khiêm nhường của đồng chí Phạm Văn Đồng, Tiến sỹ Trần Văn Hải (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) kể: “Ghét thói phô trương, hình thức, không bao giờ có ý nghĩ dành riêng cho mình, ngôi nhà hai tầng cạnh khuôn viên Phủ Chủ tịch và Văn phòng Chính phủ - nơi ông sống, làm việc 27 năm liền, ông xin trả cho Nhà nước và nói đây là nhà công vụ. Có ý kiến đề nghị lấy ngôi nhà này là nhà lưu niệm, ông không đồng ý và cười, nói: Thật lãng phí! Nếu được gắn biển ghi mấy chữ: Đồng chí Phạm Văn Đồng đã sống và làm việc tại đây từ… đến … là quý lắm rồi.”

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung về cuộc đời và những cống hiến nổi bật cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam của đồng chí Phạm Văn Đồng như Ảnh hưởng của truyền thống quê hương và gia đình đối với đồng chí Phạm Văn Đồng; Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong công cuộc xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa; Đồng chí Phạm Văn Đồng - người cộng sản kiên trung trong nhà tù thực dân; Đồng chí Phạm Văn Đồng với nhà nước của dân, do dân, vì dân; Phạm Văn Đồng - tấm gương đạo đức mẫu mực…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục