Giới thiệu vẻ đẹp của hoa ban trong chuỗi hoạt động “Mùa Xuân nho nhỏ”

Thông tin từ Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày 1/3 cho biết các hoạt động mang chủ đề “Mùa Xuân nho nhỏ” sẽ diễn ra tại Làng trong suốt tháng Ba tới.
Giới thiệu vẻ đẹp của hoa ban trong chuỗi hoạt động “Mùa Xuân nho nhỏ” ảnh 1Có nhiều loại hoa ban, với nhiều màu sắc, nhưng phổ biến và nhiều nhất vẫn là hoa ban trắng. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Thông tin từ Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày 1/3 cho biết các hoạt động mang chủ đề “Mùa Xuân nho nhỏ” sẽ diễn ra tại Làng trong suốt tháng Ba tới.

Đặc biệt, trong tháng Ba tới, hình ảnh hoa ban sẽ được tôn vinh thông qua nhiều hoạt động cụ thể. Đó là chương trình “Tiếng hát mùa ban” - chương trình nghệ thuật tổng hợp của các nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái gồm âm nhạc, diễn xướng kể về câu chuyện của hoa ban, vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc khi mùa hoa ban nở.

Hoa ban trong tiếng Thái có nghĩa là loài hoa ngọt, mang ý nghĩa ngọt ngào, nhẹ nhàng. Hoa ban từ lâu đã trở thành loài hoa tượng trưng của đất trời Tây Bắc. Người con gái Thái là hình ảnh đại diện cho linh hồn của loài hoa ban. Cũng chỉ có đồng bào Thái mới có thể chế biến những món ẩm thực chế biến từ hoa ban. Hình ảnh của hoa ban cùng người con gái Thái sẽ được thể hiện chân thực nhất trong không gian của tình đất và người Sơn La; thông qua đó giới thiệu văn hóa, du lịch của vùng đất này…

Trong tháng Ba tới, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng diễn ra nhóm các hoạt động hướng về biển đảo quê hương. Trong đó có không gian tổng hợp, trưng bày ảnh giới thiệu biển đảo quê hương đến khách du lịch, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ban tổ chức cũng củng cố, hoàn thiện 21 phiến đá chủ quyền quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa tại Làng; vận động các tổ chức, cá nhân hiến tặng tư liệu, hiện vật chứng cứ về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

[Hoa ban nở rộ ở Thủ đô, người dân nô nức rủ nhau đi chụp ảnh]

Bên cạnh đó là chương trình ca múa nhạc “Tình ca từ biển” - câu chuyện kể về biển đảo quê hương của những con người nơi đầu sóng ngọn gió. Các tiết mục trong chương trình là sự quyện hòa của tinh thần hướng về biển đảo, Tổ quốc; thể hiện tình yêu biển đảo quê hương của tuổi trẻ và đồng bào các dân tộc anh em.

Tháng Ba cũng diễn ra chương trình “Tháng Ba Tây Nguyên-Em là hoa Pơlang” với các tiết mục ca, múa về mùa xuân dân tộc; ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Tây Nguyên. Tháng Ba ở Tây Nguyên còn có sắc hoa càphê trắng muốt; do đó, đồng bào các dân tộc Êđê, Raglai, Xơ Đăng, Cơ Tu, Tà Ôi, Ba Na sẽ cùng giới thiệu về cây, hoa càphê, kỹ thuật rang xay và cùng du khách thưởng thức những ly càphê thơm ngon trong âm thanh rộn rã của cồng chiêng và vòng xoang Tây Nguyên…

Để phòng, chống dịch COVID-19, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đề ra 2 phương án cho các hoạt động để phù hợp với tình hình dịch trong tháng Ba tới.

Cụ thể, nếu dịch chưa được kiểm soát, Làng sẽ tăng cường các hoạt động của nhóm đồng bào hàng ngày, hạn chế tập trung đông người. Nếu dịch COVID-19 được khống chế, đảm bảo an toàn, các hoạt động đông người được cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức hoạt động bình thường thì triển khai đầy đủ các nội dung theo kế hoạch, đồng thời tăng cường các hoạt động điểm nhấn thu hút khách du lịch…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục