Sự đoàn kết của thế giới trong phân phối vắcxin ngừa COVID-19

Sự xuất hiện của các loại vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên vào cuối năm 2020 đã mang lại hy vọng mới về khả năng chấm dứt đại dịch trong tầm tay.
Sự đoàn kết của thế giới trong phân phối vắcxin ngừa COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNtech. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng project-syndicate.org đưa tin sự xuất hiện của các loại vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên vào cuối năm 2020 đã mang lại hy vọng mới về khả năng chấm dứt đại dịch trong tầm tay.

Khi các nhà lãnh đạo nhóm các nước G7, từ Bắc Mỹ và châu Âu tới Nhật Bản, tham dự một cuộc họp trực tuyến vào ngày 19/1, ưu tiên hàng đầu của họ xoay quanh việc thảo thuận một cách chi tiết về việc làm thế nào để đạt được mục tiêu này.

Mặc dù đây không phải lần đầu tiên các nhà lãnh đạo toàn cầu bàn về việc xử lý đại dịch, nhưng việc Thủ tướng Anh Boris Johnson, chủ tịch hiện tại của nhóm G7, tiến hành hội nghị thượng đỉnh này với trọng tâm là vấn đề tiêm chủng là điều đáng hoan nghênh.

[Pfizer/BioNTech nghiên cứu tiêm bổ sung để chống lại biến thể mới]

Động thái này có thể khích lệ cho một phong trào lớn hơn để tìm ra giải pháp. Với việc tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang khôi phục tinh thần chủ nghĩa đa phương tại Mỹ, cuộc họp các nước G7 lần này mang lại hy vọng về việc trở thành một bước đột phá thực sự trong việc vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.

Hơn nữa, giải pháp đã được đưa ra, và vắcxin đã sẵn sàng được triển khai tới các nước nghèo nhất trên thế giới.

Rõ ràng, hiện tại vắcxin ngừa COVID-19 có ảnh hưởng lớn hơn bất kỳ gói kích thích tài chính hay tiền tệ nào trong đại dịch, không chỉ về việc cứu sống và bảo vệ mọi người mà còn về việc đặt ra một con đường dẫn tới phục hồi kinh tế.

Điều này là bởi chừng nào virus SARS-CoV-2 còn lan truyền, sự tái nhiễm vẫn sẽ tiếp tục và các nỗ lực phục hồi thương mại, du lịch vẫn bị trì hoãn.

Tuy nhiên, tác động tiềm tàng của vắcxin lại hoàn toàn không chắc chắn trong việc đảm bảo sự tiếp cận nhanh chóng và công bằng đối với người dân trên khắp thế giới.

Bởi vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần sự đoàn kết toàn cầu để ủng hộ kế hoạch Cơ sở Tiếp cận Toàn cầu vắcxin COVID-19 (COVAX), một sáng kiến quốc tế nhằm đưa vắcxin tới khắp mọi nơi trên toàn cầu.

Kế hoạch COVAX là cách duy nhất để có thể phục hồi nền kinh tế thế giới và tránh được chia rẽ về vắcxin toàn cầu.

Với hơn 190 chính phủ tham dự, sáng kiến này đã đảm bảo 2,3 tỉ liều vắcxin COVID-19 ban đầu cho năm 2021. Tuần tới, 1,3 tỉ liều vắcxin đầu tiên sẽ được phân phát tới người dân ở 90 quốc gia có thu nhập thấp.

Với sự hạn chế nguồn cung toàn cầu hiện tại, kế hoạch COVAX hy vọng sẽ phân phát khoảng 120 triệu liều vắcxin cho tới cuối tháng 3, và 340 triệu liều cho tới giữa năm 2021.

Điều này có nghĩa là kể cả trong một thế giới bị hạn chế nguồn cung, kế hoạch COVAX vẫn sẽ đi đúng hướng để đáp ứng lịch trình phân phối vắcxin ban đầu.

Tuy nhiên, mặc dù đây là một tin tốt, nhưng tốc độ tiếp cận vắcxin lại là điểm mấu chốt và thế giới có thể hành động nhanh hơn nữa. Đặc biệt, các nước có thu nhập cao hơn có thể giúp thúc đẩy việc phân phối vắcxin công bằng bằng cách ủng hộ các liều vắcxin dư thừa cho COVAX.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ Tướng Canada Justin Trudeau đã cam kết thực hiện biện pháp này. Sự hào phóng của các nhà hảo tâm G7, từ Anh, và Mỹ tới Nhật Bản cũng rất được hoan nghênh.

Và Đức, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Angela Merkel, cũng thể hiện khả năng lãnh đạo thực sự trong cuộc đấu tranh này cả trong Liên minh châu Âu (EU) và ở phạm vi toàn cầu.

Bằng cách làm việc cùng nhau thay vì tìm kiếm các thỏa thuận song phương với các công ty dược phẩm, chính phủ có thể giảm thiểu áp lực trực tiếp lên nguồn cung cấp vắcxin toàn cầu mới.

Điều này sẽ cho phép các quốc gia cần vắcxin nhất được ưu tiên sao cho phù hợp, và ngăn chặn lịch sử lặp lại giống như trận đại dịch cúm heo (H1N1) vào năm 2009, khi vắcxin về tay người trả giá cao nhất.

Chủ nghĩa dân tộc về vắcxin cũng cần phải chấm dứt dưới mọi hình thức. Việc hạn chế nguồn cung toàn cầu vốn chỉ có giới hạn sẽ khiến những nước cần vắcxin nhất càng khó có được nó, và do đó đặt mọi người vào tình thế nguy hiểm bằng cách cho phép virus tiếp tục lan rộng và biến đổi. Sự đoàn kết toàn cầu trong phân phối vắcxin là giải pháp duy nhất.

EU là ví dụ điển hình cho thấy tại sao đây là hành động quan trọng. Giống như tất cả các khách hàng trong một thị trường hạn chế nguồn cung, EU từng chứng kiến việc trì hoãn trong việc thu mua vắcxin, và từng bị chỉ trích về việc phân phối chậm vắcxin tới các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, mô hình dựa trên sự đoàn kết của EU đã có hiệu quả, bởi các quốc gia sẽ cạnh tranh để trả giá cao hơn cho các liều vắcxin nếu như không có mô hình này. Điều này sẽ dẫn đến sự hỗn loạn, gần như chắc chắn sẽ làm kéo dài đại dịch và tạo ra tình trạng chia rẽ căng thẳng ở châu Âu và xa hơn thế.

Điều tương tự cũng xảy ra trên toàn cầu, đó là lý do vì sao chúng ta cần sự đoàn kết quốc tế để làm việc thông qua kế hoạch COVAX.

Tuần này, nhóm các nước G7 có một cơ hội để chứng tỏ khả năng lãnh đạo toàn cầu bằng cách đặt kế hoạch cơ sở tiếp cận vắcxin quốc tế COVAX lên ưu tiên hàng đầu của họ. Và nhóm các nền kinh tế lớn G20, dưới sự chủ trì của Italy nên tiếp tục nỗ lực này.

Trong bối cảnh các chính phủ đang phải chịu áp lực nặng nề nhằm đảm bảo vắcxin COVID-19 cho tất cả công dân của nước mình, việc đưa ra một lập trường toàn cầu có lẽ không phải sự lựa chọn dễ dàng nhất hoặc phổ biến nhất.

Tuy nhiên, việc đảm bảo rằng tất cả người dân trên khắp thế giới được tiếp cận nhanh chóng và công bằng với vắcxin không chỉ đúng về mặt đạo đức mà còn là cách nhanh nhất để kết thúc cuộc khủng hoảng và giúp phục hồi nền kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục