Người cứu sống và chữa lành hơn 1.000 trái tim trẻ thơ 'lỡ nhịp'

Bác sỹ Lê Anh Minh, Phó Trưởng khoa Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, đã cứu sống và chữa lành cho hơn 1.000 bệnh nhi có tổn thương tim bẩm sinh, đem lại cho các em cuộc sống tốt đẹp hơn.
Người cứu sống và chữa lành hơn 1.000 trái tim trẻ thơ 'lỡ nhịp' ảnh 1Bác sỹ Lê Anh Minh, Phó Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trao đổi với phóng viên về phương pháp can thiệp điều trị tim mạch cho bệnh nhân nhi không cần mổ. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Là bác sỹ đầu tiên ở Thanh Hóa triển khai can thiệp điều trị tim mạch cho bệnh nhân nhi, 10 năm qua bác sỹ Lê Anh Minh, Phó Trưởng khoa Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, đã cứu sống và chữa lành cho hơn 1.000 bệnh nhi có tổn thương tim bẩm sinh, đem lại cho các em một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Như vậy, ngoài 4 trung tâm lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Đà Nẵng, tỉnh Thanh Hóa đang được đánh giá là một trong số ít địa phương có bệnh viện tuyến tỉnh triển khai thành công can thiệp điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh.

Cứu chữa bệnh nhi bằng nhiệt huyết trong tim

Có mặt tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, chúng tôi được biết trong buổi sáng 24/2, bác sỹ Lê Anh Minh sẽ trực tiếp thực hiện ca can thiệp tim bẩm sinh cho cháu Lê Thị Hải Yến (18 tháng tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa). Ca can thiệp diễn ra thuận lợi chỉ trong vòng 30 phút. Ra khỏi khu vực điều trị, bác sỹ Minh nở nụ cười với các đồng nghiệp như một lời khẳng định cho ca can thiệp thành công.

Cách đây ba tháng, cháu Lê Thị Hải Yến (18 tháng tuổi) có triệu chứng khó thở, môi tím, quấy khóc thường xuyên nên gia đình đã đưa cháu lên khám tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Tại đây, bác sỹ Lê Anh Minh đã trực tiếp thăm khám và chẩn đoán cháu bé mắc bệnh còn ống động mạch, một tổn thương chỉ chiếm từ 5-10% các dị tật tim bẩm sinh. Khi còn ống động mạch, trẻ có thể bị suy tim, không dung nạp thức ăn, chậm lớn.

Bác sỹ đã tư vấn cho gia đình xử lý tổn thương cho cháu Lê Thị Hải Yến bằng phương pháp can thiệp điều trị với các ưu điểm nhanh chóng, kịp thời, không đau, không chảy máu, thời gian hậu phẫu ngắn mà hiệu quả lại cao, ít ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như thẩm mỹ...

Chị Lê Thị Phương (xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương), mẹ của cháu Lê Thị Hải Yến cho biết: “Lúc biết con bị bệnh về tim, gia đình rất hoang mang, lo lắng vì nghĩ ai bị tim đều phải phẫu thuật. Nhưng khi được các bác sỹ tư vấn có thể điều trị cho bé bằng can thiệp, không phải phẫu thuật nên gia đình tôi rất yên tâm. Con gái tôi đã được bác sỹ Lê Anh Minh và ê-kíp can thiệp đặt dụng cụ bít lỗ thông lại theo đường từ đùi lên. Các bác sỹ dự kiến sau hai ngày nữa con tôi có thể xuất viện về nhà. Tôi vô cùng biết ơn các bác sỹ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa và bác sỹ Lê Anh Minh đã điều trị cho con gái tôi."

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 2007, bác sỹ trẻ Lê Anh Minh về công tác tại Khoa Tim, Thận, Khớp-Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Trăn trở với việc bệnh nhi đến bệnh viện điều trị các bệnh lý về tim hoàn toàn phụ thuộc vào việc phẫu thuật tim hở với thời gian hậu phẫu kéo dài, để lại sẹo lớn, ảnh hưởng tâm lý của trẻ, cùng với những gánh nặng về kinh tế cho các gia đình khi có con, cháu phải điều trị lâu dài.... bác sỹ Lê Anh Minh đã tìm hiểu các phương pháp điều trị khác ở Việt Nam và thế giới.

Trong đó, can thiệp tim mạch là phương pháp mới với nhiều ưu điểm nổi trội cho các vấn đề về tim bẩm sinh ở trẻ. So với mổ hở, phương pháp này có nhiều ưu điểm, đó là tỷ lệ thành công có thể đạt 100%, không để lại sẹo, sau mổ 1, 2 ngày bệnh nhân có thể xuất viện, giảm được chi phí cho gia đình bệnh nhân và áp lực cho bệnh viện tuyến trên, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao cho bệnh nhi.

[Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Người thầy thuốc sáng y đức, giỏi y thuật]

Trong các năm từ 2008 đến 2013, bác sỹ Lê Anh Minh đã tham gia nhiều khóa đào tạo điều trị nội khoa, siêu âm, hồi sức và chuyên sâu về can thiệp tim mạch tại các bệnh viện, trung tâm tim mạch trong và ngoài nước, trong đó có hơn 100 chương trình tại Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và một số nước châu Âu để học riêng về kỹ thuật can thiệp tim mạch.

Năm 2010, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thành lập Khoa Tim mạch lồng ngực để điều trị chuyên sâu các bệnh lý về tim cho trẻ. Đến năm 2011, bác sỹ Lê Anh Minh và ê-kíp của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã lần đầu tiên thực hiện can thiệp cho 4 bệnh nhi nong van động mạch phổi dưới sự hướng dẫn, giám sát của các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương.

Người cứu sống và chữa lành hơn 1.000 trái tim trẻ thơ 'lỡ nhịp' ảnh 2Bác sỹ Lê Anh Minh, Phó Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trao đổi với phóng viên về phương pháp can thiệp điều trị tim mạch cho bệnh nhân nhi không cần mổ. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Bốn ca bệnh đã được can thiệp thành công tạo sự khích lệ lớn cho bác sỹ Lê Anh Minh nói riêng, cũng như cho Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong việc điều trị can thiệp cho bệnh nhi mắc các bệnh về tim.

Từ đó đến nay, bác sỹ Minh đã trực tiếp triển khai thường quy kỹ thuật can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Số bệnh nhi được can thiệp điều trị chiếm 50-70% tổng lượng bệnh nhân mắc tim bẩm sinh được điều trị tại bệnh viện. Đến đầu năm 2021, số trẻ được cứu sống và chữa lành các bệnh về tim bằng phương pháp can thiệp đã lên tới hơn 1.000 ca.

Mong sẽ không còn những trái tim "lỡ nhịp"

Bác sỹ Lê Anh Minh cho biết: "Khi làm can thiệp, bác sỹ sẽ xử lý tất cả các vấn đề từ đầu vào đến đầu ra một cách tốt nhất có thể cho bệnh nhân, từ khâu khám, siêu âm chẩn đoán, can thiệp điều trị đến hồi sức trong và sau can thiệp. Mỗi ca can thiệp bệnh lý về tim vẫn luôn là một bài học mới, không ca nào hoàn toàn giống ca nào và luôn mang đến cho tôi những điều mới mẻ cần học hỏi. Nên với tôi, dù là ca mổ đầu tiên, ca mổ thứ 1.000 hay ca mổ thứ bao nhiêu đi nữa thì niềm vui sau mỗi lần chữa lành trái tim cho bệnh nhi vẫn luôn vẹn nguyên như ngày đầu."

Điều trăn trở lớn nhất của bác sỹ Lê Anh Minh và đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa là với một tỉnh có dân số lớn trong cả nước, gần 4 triệu dân, nếu tính theo tỷ lệ mắc ngẫu nhiên thì số người mắc tim bẩm sinh của tỉnh Thanh Hóa sẽ tương ứng khoảng 30.000 người, kèm theo đó là tỷ lệ mắc mới hằng năm tương ứng khoảng 300 trẻ mới sinh.

Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ bệnh nhi mắc tim bẩm sinh được điều trị bằng phương can thiệp và phẫu thuật ở Thanh Hóa mới chỉ đạt khoảng 3.000 trẻ; cộng với số bệnh nhân đã được phẫu thuật từ trước hoặc chuyển tuyến thì số lượng trẻ mắc tim bẩm sinh chưa được điều trị còn rất lớn.

Nhằm thúc đẩy việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã phối hợp với Viettel Thanh Hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương và Chương trình “Trái tim cho em” tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em tại các địa phương trong tỉnh.

Riêng trong giai đoạn từ 2017 đến nay, Bệnh viện đã khám sàng lọc cho hơn 2.000 trẻ, phát hiện 250 trường hợp mắc các bệnh lý về tim, hiện Bệnh viện Nhi Thanh Hóa và bác sỹ Lê Anh Minh đã điều trị can thiệp cho 150 trường hợp.

Người cứu sống và chữa lành hơn 1.000 trái tim trẻ thơ 'lỡ nhịp' ảnh 3Bác sỹ Lê Anh Minh, Phó Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thăm khám cho các bệnh nhi. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa Lê Đăng Khoa cho biết: "Bác sỹ Lê Anh Minh là một trong những bác sỹ được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn và kỹ năng tốt. Sau nhiều lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn, đến nay bác sỹ Lê Anh Minh đã làm được gần như tất cả các dịch vụ kỹ thuật về can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Trong nhiều năm qua, Bác sỹ Minh cùng đội ngũ bác sỹ của Bệnh viện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, trong đó có kỹ thuật can thiệp tim mạch. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn, giải quyết tốt những ca bệnh tim bẩm sinh và những bệnh về tim khác liên quan đến câu hỏi mổ hay không mổ?"

"Với phương châm không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển kỹ thuật cao, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã trang bị hệ thống DSA (kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền 2 bình diện) để làm rõ hệ thống mạch máu, giúp các bác sỹ nhận diện, can thiệp điều trị tim mạch hiệu quả hơn. Nhờ đó, Bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật ít xâm lấn, giúp giảm chi phí, giảm thời gian nằm viện cho bệnh nhân."

Hiện nay, Khoa Tim mạch lồng ngực của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã thực hiện can thiệp thành công và từng bước nâng cấp các kỹ thuật như: Hoàn thiện thông tim chẩn đoán, đặt stent ống đông mạch, stent đường ra thất phải, nong eo động mạch chủ, nong van động mạch phổi cấp cứu, bít dù thông liên thất cho trẻ em, phá vách liên nhĩ...

Thời gian tới, Bệnh viện phấn đấu triển khai các kỹ thuật khó như đặt dù thông liên nhĩ, ống động mạch, thông tim chẩn đoán... hướng tới mục tiêu chữa lành nhiều hơn nữa những trái tim "lỡ nhịp"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục