Nguồn nước sông ở Bắc Bộ thiếu hụt, Nam Bộ tiếp tục xâm nhập mặn

Từ tháng 3-8/2021, nguồn nước trên lưu vực sông khu vực Bắc Bộ thiếu hụt từ 20-30%; trong khi tại Nam Bộ, do dòng chảy thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm, xâm nhập mặn tăng từ tháng 2-4.
Nguồn nước sông ở Bắc Bộ thiếu hụt, Nam Bộ tiếp tục xâm nhập mặn ảnh 1Công nhân vận hành cống kiểm tra độ mặn tại cống Kênh Lầu, xã Hỏa Tiến. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 3-8/2021, nguồn nước trên lưu vực sông khu vực Bắc Bộ thiếu hụt từ 20-30%, mức thiếu hụt cao hơn 30% xảy ra trên lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô.

Từ tháng 6-8/2021, trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức báo động 1, báo động 2. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết: Tại Trung Bộ và Tây Nguyên, từ nay đến tháng 4/2021, mực nước trên các sông biến đổi chậm và theo xu thế xuống dần.

Lưu lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 15-50%; riêng các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 15-40%.

Từ tháng 5-8/2021, trên các sông ở Bắc Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt dao động và lũ nhỏ; mực nước trên các sông khác cũng xảy ra dao động.

[Xâm nhập mặn tại ĐBSCL đạt mức cao nhất vào ngày 12-15/2]

Lưu lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20-50%, một số sông thấp hơn 60%.

Do vậy, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên vào khoảng thời gian từ tháng 3-4/2021, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở Trung Bộ.

Tại Nam Bộ, do dòng chảy thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế gia tăng, các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 và kéo dài đến đầu tháng 3.

Trong tháng 3 (từ 12-16/3, từ 25-29/3) các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn xâm nhập mặn giảm dần. Từ ngày 9-14/4 và từ 24-28/4, xâm nhập mặn gia tăng sau giảm dần.

Dự báo phạm vi xâm nhập mặn (4g/l) sâu nhất mùa khô năm 2021 tại các cửa sông Cửu Long khoảng 50-75km; trên các sông Vàm Cỏ từ 85-95km; sông Cái Lớn từ 45-55km.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn nhiều biến động trong thời gian tới.

Các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo để có các biện pháp chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng mùa khô năm 2021 biến đổi theo triều và ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Từ tháng 6-8/2021, mực nước sông Mekong lên dần và ở mức tương đương với trung bình nhiều năm; mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế lên dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục