'Bấm chân qua tuổi dại khờ': Thơ đang cần loại nến 'tự thắp'

22/02/2021 19:08 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau giải Bạc, giải thưởng sách hay năm 2011 của Cục Xuất bản Việt Nam dành cho tập thơ Con chuồn chuồn đẹp nhất, tác giả Cao Xuân Sơn lại mới nhận giải thưởng thường niên, năm 2020 (được trao ngày 19/2/2021) của Hội Nhà văn TP.HCM dành cho tập thơ Bấm chân qua tuổi dại khờ (NXB Hội Nhà Văn 2019).

 Nhà thơ Cao Xuân Sơn - Muốn thêm kiếp nữa để nhọc nhằn với thơ

Nhà thơ Cao Xuân Sơn - Muốn thêm kiếp nữa để nhọc nhằn với thơ

Trong sách "Tiếng Việt 1" (tập 2), thuộc bộ sách giáo khoa Cánh diều của NXB Đại học Sư phạm TP.HCM - bắt đầu được sử dụng từ năm học 2020-2021 - nhà thơ Cao Xuân Sơn có bài thơ "Cả nhà đi học". Nhưng bài thơ này khá quen thuộc với học sinh tiểu học từ hơn 20 năm qua, khi từ lâu nó đã được đưa sách "Tiếng Việt 3" (tập 2) của NXB Giáo dục.

1. Trong thị trường sách Việt 2020 tập thơ Bấm chân qua tuổi dại khờ có thể coi là một khác lạ. Không phải sách bán chạy, tất nhiên rồi, thơ mà, nhưng lại được quan tâm đặc biệt, có tới hơn 30 bài viết về nó trên báo giấy và báo mạng. Viết từ khi tập thơ vừa ra mắt, và sau hơn 1 năm, khi nó đã được đóng dấu chất lượng bằng một giải thưởng, vẫn còn chuyện để viết. Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM có chương trình giới thiệu và 2 bài trong tập (bài Phép lạ và bài Lời của lá) được 2 nhạc sĩ phổ nhạc…

Bấm chân qua tuổi dại khờ được đồng nghiệp văn bút bàn bạc kỹ tới mức, nhà nghiên cứu văn học - dịch giả Vũ Nho cho biết: “Chúng tôi đã thống kê 101 bài thơ trong tập để tìm xem việc nhà thơ đi qua tuổi dại khờ một cách rón rén, cẩn thận, chậm rãi như thế nào” và ông đếm bài: “Như vậy, có 5 năm không công bố bài thơ nào, có 7 năm công bố mỗi năm 1 bài, có 3 năm công bố mỗi năm 2 bài. Tính ra có thời gian 15 năm ròng, tác giả chỉ công bố vỏn vẹn 13 bài thơ”. Vũ Nho muốn lưu ý đây là tập thơ được viết chậm, để kỹ lưỡng.

Kỹ lưỡng nên, theo nhà văn Hoàng Đình Quang tác giả kỳ công tìm kiếm để “… vận dụng cái kho báu ngôn ngữ dân gian vào thơ hiện đại. Những thành ngữ, tục ngữ, phương ngữ, dân ca của nhiều đời người để lại được Cao Xuân Sơn tỉa tót, “đính” vào thơ mình một cách đắc dụng. Anh làm tôi nhớ bà mẹ mình, trong công việc, trong bữa ăn, giấc ngủ, có điều gì muốn truyền cho con cháu, thảy đều “nảy ra” những câu ca, câu hát, câu ca dao rất chuẩn, rất đắc địa”.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Bấm chân qua tuổi dại khờ, Cao Xuân Sơn
Nhà thơ Cao Xuân  Sơn và nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, trích thơ Cao Xuân Sơn “Lũ chúng con loi nhoi đạp lên nhau mỗi ngày/ mà thường khi cao giọng/ biết bao giờ mới ra khỏi được thua?” rồi bình: “Lại một câu hỏi nữa vang lên trong thơ. Lần này nhà thơ hỏi tất cả chúng ta, không chỉ hỏi mình. Và Bấm chân qua tuổi dại khờ là cách anh đi tìm câu trả lời. Những bước chân đi khó nhọc, thận trọng, lặng thầm và thanh thản như thơ”.

Cũng dõi theo bước thơ ấy, nhà thơ Hoàng Việt Hằng đưa ra cách tiếp cận tập thơ được giải: “Bấm chân qua tuổi dại khờ là thơ của một người luôn thủy chung, đắm đuối nhưng “chầm chậm” với thơ để đi tới mình”.

2. Nói rõ hơn ý Hoàng Việt Hằng thì, Bấm chân qua tuổi dại khờ là tập thơ hướng nội, tác giả như cây nến “tự thắp” (tr.17) để soi vào chính mình - nhân vật trữ tình của tác phẩm, một người “vừa hồn nhiên trẻ thơ, vừa thâm trầm già dặn. Nghiêm trang ẩn giấu nét hài hước. Tỉnh táo mà vẫn dại khờ. Yêu đắm đuối không tránh khỏi buồn tê dại. Và thấp thoáng sau những câu thơ là cái bóng ngất ngưởng của một thi sĩ ngang tàng” (trích lời tựa, Trần Đức Tiến).

Thi sĩ ấy mải miết nhận chân đời chung, nó, khi thì đẹp gần gũi, giản dị như người cùng chăn gối một nhà: “Mùa xuân nhắc quên/ những gì héo úa/ mùa xuân nhắc nhớ/ những gì tươi xanh// Và em của anh/ nói cười chim chóc/ nhắc anh hạnh phúc/ đừng tìm trong mơ” (tr.104). Có khi những câu thơ đẹp hoành tráng, khoáng đạt, như thiên nhiên, hiện ra trong một khung tranh: “Mừng nỗi vàng thu vẫn vẹn nguyên/ gì không đáng nhớ cố cho quên/ muộn phiền tự bứt nghìn cơn lá/ ta chắc nhìn ta, cây phát ghen” (tr.65).

Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Bấm chân qua tuổi dại khờ, Cao Xuân Sơn
Tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ” của Cao Xuân Sơn

Đời chung ấy khi buồn thì buồn như mưa đang khóc truyện bể dâu: “Ếch kêu nào biết từ đâu/ trông ra lã chã đèn màu trong mưa/ Ngày xưa thì đã ngày xưa/ chỉ thưởng tiếng ếch là chưa biết gì” buồn “… như bi kịch/ chớp mắt thằng ra ông” (tr.87) với những mâu thuẫn căng tới đổ máu: “Lá mặt đâu ngờ lá trái/ thình lình ai đâm sau lưng”. Trong đời chung ấy nhà thơ an nhiên giữ sạch, giữ sáng phân riêng để được là chính mình, được “Nói ít nói nhiều tùy thích/ miễn sao nói ra tiếng người” (tr.139) được cùng nhau “Trộm phép Chúa trời sáng thế/ Nào, mình làm lại trần gian” (tr.70).

“Tự thắp” nhưng ánh sáng phận riêng phải biết phải hòa vào hào quang đời chung. Có tới hai lần nhà thơ “ngang tàng” từng “bấm chân qua tuổi dại khờ” nói ra, rất thuyết phục lẽ sống ấy của mình! Một lần tỉnh ngộ “ngỡ mình ngoài vô tận/ thôi không là nhân dân" (tr. 108) một lần cam kết "ai thăng rồi ai giáng/ mình vẫn là nhân dân" (tr. 140).

Tập thơ được giải kết bằng câu: “Ví còn mộng mị gió giăng/ Thề cho kiếp nữa nhọc nhằn với thơ”. Rất vui, trong lễ nhận giải, người đưa ra lời thề đã nói với tôi chuyện tái bản Bấm chân qua tuổi dại khờ.

Vài nét về Cao Xuân Sơn

Cao Xuân Sơn sinh năm 1961, quê gốc xóm Phúc Thọ, thôn Vạn Thọ, xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông vốn là giáo viên văn, dạy học ở Đồng Nai. Từ 1991 ông về TP.HCM làm báo rồi làm sách. Là Trưởng Ban đại diện phía Nam Tạp chí Thanh niên, chủ biên nguyệt san chuyên đề Tuổi trẻ sống đẹp. Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc phụ trách chi nhánh phía Nam Nhà xuất bản Kim Đồng và là tác giả của 12 đầu sách văn học, phần lớn viết cho lứa tuổi thiếu nhi.

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm