Gỡ 'điểm nghẽn' trong tự chủ đại học - Bài cuối: Tự chủ đại học rất cần vai trò của tổ chức Đảng

Đánh giá cao tầm quan trọng của tổ chức Đảng trong triển khai chủ trương tự chủ đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin tức xung quanh vấn đề này.

Video Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức về tự chủ đại học:

Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về vai trò của tổ chức Đảng trong quá trình triển khai chủ trương tự chủ đại học? 

Trong triển khai tự chủ đại học, các trường đại học cần phát huy hệ thống chính trị trong nhà trường. Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, tự chủ đại học không chỉ tăng quyền cho hiệu trưởng, Hội đồng trường, khi trường đại học thực hiện tự chủ thì trách nhiệm rất nhiều. Quản trị nhà trường ở đây là sự chia sẻ quyền lực giữa Ban Giám hiệu, Hội đồng trường và các đơn vị trong nhà trường như thế nào. Nhà trường sẽ phải thực hiện công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm giải trình. Việc lãnh đạo cả hệ thống chính trị trong nhà trường rất quan trọng. Vì thế vai trò của Đảng ủy cần phải được tăng cường hơn khi lãnh đạo thực hiện tự chủ.

Bên cạnh đó, tự chủ trong trường đại học phải thiết lập được chiến lược, hệ thống văn bản quy định nội bộ trong trường đại học. Trong đó, trách nhiệm chia sẻ quyền lực giữa các thiết chế trong trường như thế nào đòi hỏi sự lãnh đạo của tổ chức Đảng. Đó là thực hiện các quy trình làm nhân sự các cấp, nhân sự Hội đồng trường, Ban giám hiệu, các tổ chức, cấp khác trong trường. Đối với đơn vị thực hiện tự chủ thì vai trò của Đảng ủy quan trọng hơn trong thời gian trước đây.

Khi tự chủ, nhà trường được trao thẩm quyền cao hơn, quyết định những vấn đề không chỉ Nhà nước giao mà tự chịu trách nhiệm với những quyết sách của mình về chiến lược, quản trị nhà trường, tiêu chuẩn học thuật, định hướng đầu tư, dự án đầu tư. Ở đây làm thế nào có thể chia sẻ, kiểm soát quyền lực các bên liên quan, kiểm soát trách nhiệm các bên liên quan tham gia? Làm thế nào để giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu tránh bị xung đột quyền lực, bỏ trống những chức năng, trách nhiệm thì vai trò Đảng ủy rất quan trọng.  

Có ý kiến cho rằng, Nghị quyết 19-NQ/T ngày 15/10/2017 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 về tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như chỉ đạo cần “nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học” và quy định cụ thể “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường". Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì Hội đồng trường dường như chỉ là minh họa, hoặc không có thực quyền. Nội dung “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường” sẽ làm mất dân chủ. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?  

Đối với 23 trường thí điểm tự chủ, các trường hiểu rất rõ cơ chế hoạt động của Hội đồng trường, sự phân định chức năng Hội đồng trường với Ban Giám hiệu, với Đảng ủy thế nào. Khi nhìn thấy rõ chức năng nhiệm vụ thì thấy tầm quan trọng của Hội đồng trường thế nào.

Khi Đảng ủy lãnh đạo thì chúng ta càng hiểu rõ hơn giữa vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, vai trò quản trị của Hội đồng trường và vai trò quản lý điều hành của Ban Giám hiệu. Hiểu rõ các vai này, khi Đảng ủy thông qua chủ chương, định hướng lớn, người làm bí thư kiêm chủ tịch Hội đồng trường rất thuận tiện trong việc phối hợp công tác. Như vậy, những chủ trương lớn Đảng ủy thông qua được trao đổi trong Hội đồng trường, cũng như ngược lại những gì mà Hội đồng trường quyết định theo quy định Nhà nước sẽ được báo cáo trong Đảng ủy. Tôi đánh giá đây là điểm tốt. Đối với những trường có kinh nghiệm trong thực hiện cơ chế tự chủ thì việc thực hiện việc này tạo thêm thuận lợi cho trường nhiều so với những trường chưa nhìn thấy rõ điểm đó. 

Với chủ trương “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường” mới triển khai một thời gian, chúng ta đã thấy được sự cần thiết của chủ trương này. Ba cơ quan (Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu) dù độc lập nhưng chung sứ mệnh thúc đẩy phát triển của nhà trường. Khi triển khai, cần tìm ra những điểm cần thiết để điều chỉnh quy chế tổ chức hoạt động của từng trường. Ở thời điểm này, nói “Bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch Hội đồng trường” không dân chủ là chưa hợp lý, chưa có minh chứng hoặc chỉ là đơn lẻ thôi chứ không phải ý kiến chung các trường đang thực hiện thí điểm tự chủ. 

Có thể giai đoạn đầu khi triển khai mô hình “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường” có khó khăn, bởi tìm được nhân sự vừa đảm nhiệm tốt vai trò Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng trường thực sự khó.

Như tôi đã chia sẻ, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng trường theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 tăng thêm nhiều. Do đó, khó khăn là từ phía các trường nhiều hơn vấn đề ta đặt ra là bất cập. Nếu tìm đúng người, mô hình “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường” là rất đúng đắn. 

Được biết, Thứ trưởng từng ở cương vị kiêm nhiệm khi còn công tác tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Thứ trưởng có thể chia sẻ về kinh nghiệm này? 

Từng là kiêm nhiệm, tôi nhận thấy những điểm mạnh của cả hai mô hình này. Tuy nhiên trong bối cảnh mới, mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường là rất phù hợp. Cụ thể, trong thời gian không dài đảm nhận vị trí “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường” việc lãnh đạo chỉ đạo Đảng ủy, Hội đồng trường khá thuận lợi. Trong thời gian ngắn, chúng tôi hoàn thiện hệ thống văn bản rất quan trọng. Xây dựng tổ chức bộ máy Hội đồng trường, Ban Giám hiệu nhiệm kỳ mới.  Tuy nhiên, để tìm được nhân sự kiêm nhiệm cần phải có năng lực nhất định, có quá trình công tác. Bí thư Đảng ủy có kinh nghiệm công tác, tiêu chuẩn cao. Chủ tịch Hội đồng trường có tiêu chuẩn khác như cần hiểu biết quản trị Hội đồng trường, hoạch định đầu tư, chiến lược phát triển...  Bên cạnh đáp ứng được tiêu chí năng lực thì nhân sự đó phải có được sự tín nhiệm của cán bộ giảng viên, uy tín với ngành giáo dục. Như vậy, Đảng ủy, Hội đồng trường sẽ hoạt động hiệu quả hơn. 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!   

 

Bài: Lê Vân; Ảnh, clip: Lê Phú
Gỡ 'điểm nghẽn' trong tự chủ đại học - Bài 2: Đổi mới tư duy quản trị đại học
Gỡ 'điểm nghẽn' trong tự chủ đại học - Bài 2: Đổi mới tư duy quản trị đại học

Với nhận thức: “Tổ chức Đảng ở các trường đại học luôn đóng vai trò quan trọng đặc biệt để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong cơ chế tự chủ đại học mà không một tổ chức Đảng ở bên ngoài nào hay một cơ quan hành chính nào có thể làm thay được”, một số ít trường đại học đã thực hiện tự chủ một cách thành công với sự dẫn đường của Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN