Chú trọng công tác giáo dục và đào tạo là quốc sách trong phát triển kinh tế - xã hội

Bên lề Đại hội XIII của Đảng, chiều 27/1, đại biểu Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trả lời phỏng vấn báo chí các vấn đề liên quan đến công tác phát triển giáo dục và đào tạo, văn hóa và con người trong bối cảnh phát triển kinh tế đất nước hiện nay.

Chú thích ảnh
Đồng chí Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trả lời phỏng vấn của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí. Ảnh: TTXVN

Tiếp nối những kết quả đã đạt được sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII đã chú trọng, quan tâm đến công tác này trong thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá chi tiết những mặt làm được và chưa làm được của công tác đổi mới giáo dục và đào tạo.

Trong 7 năm qua, chúng ta đã đặt nền tảng và có kết quả ban đầu, đưa những quan điểm, khái niệm mới vào giáo dục như hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; cách tiếp cận chuyển từ phương thức truyền đạt kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học; tự chủ đại học được đẩy mạnh, chất lượng đào tạo đại học có nhiều chuyển biến tích cực... Từ đó, ngành Giáo dục đã ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam với 8 bậc để liên thông từ giáo dục phổ thông, giáo dục đại học.

Tuy nhiên, dự thảo Văn kiện có nhắc đến, việc đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong thời gian vừa qua vẫn chưa thực sự trở thành một động lực then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội; từ đó, đặt ra nhiều vấn đề cho ngành Giáo dục cần giải quyết trong thời gian tới.

Để giải quyết vấn đề này, dự thảo Văn kiện đã đặt ra, phải đột phá trong đổi mới giáo dục, đồng thời khẳng định, giáo dục và đào tạo không chỉ là chủ trương mà còn là quốc sách trong phát triển kinh tế - xã hội; gắn giáo dục và đào tạo với khoa học và công nghệ sáng tạo. Mục tiêu đào tạo con người Việt Nam trong giai đoạn mới, khi khoa học và công nghệ phát triển mạnh trên toàn cầu, nhằm phục vụ cho sự phát triển của đất nước, thực hiện khát vọng lớn vào các mốc thời gian năm 2025 vượt qua thu nhập trung bình thấp, sau đó là các mục tiêu phát triển quan trọng hơn trong thời gian tiếp theo.

Xin đồng chí cho biết, những ưu tiên trong việc xây dựng mục tiêu của giáo dục và đào tạo nhằm thực hiện ba chiến lược đột phá phát triển đất nước như dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII đã nêu?

Ba chiến lược đột phá được nêu trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, bao gồm đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, vấn đề giáo dục và đào tạo được đặt ra nhiều hơn để đào tạo con người Việt Nam trong một giai đoạn mới. 

Để làm được vấn đề này, dự thảo đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới trong quản lý nhà nước và quản trị, ban hành hàng loạt các chính sách để “đẩy” giáo dục đi lên. Chính ngành Giáo dục phải đổi mới cách quản trị để đảm bảo chất lượng; đồng thời đặt ra vấn đề tự chủ và trách nhiệm giải trình, trở thành động lực cho phát triển giáo dục và đào tạo. Dự thảo Văn kiện Đại hội đặt ra vấn đề trách nhiệm của tiếp tục đầu tư, thậm chí đầu tư tốt hơn cho giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng văn hóa về con người, khơi dậy khát vọng, ý chí phát triển dân tộc Việt Nam sẽ được đẩy mạnh với giáo dục và đào tạo, nhằm thực hiện mục tiêu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhắc nhiều lần, dự thảo Văn kiện cũng đề cập đến, đó là phát triển, đẩy mạnh văn hóa, con người Việt Nam nổi bật lên. Vấn đề này từ trước đến nay đã được nói đến nhiều lần nhưng trong tình hình hiện nay, đặt ra nhiều vấn đề mới.

Điều thứ nhất, văn hóa và con người sẽ phát triển theo trình độ kinh tế, vì thế, nếu đẩy mạnh phát triển văn hóa, con người thì kinh tế sẽ tiếp tục phát triển tốt. Đây là nền tảng chung, mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa-xã hội.

Điều thứ hai liên quan đến vị trí của con người trong thời đại công nghiệp phát triển. Đứng trước các vấn đề toàn cầu hóa, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề robot phát triển vũ bão..., rõ ràng chúng ta càng ngày càng phụ thuộc hơn vào điện thoại di động, máy móc. Do đó, vấn đề con người, bản sắc văn hóa sẽ đi song song với kinh tế, là điều kiện để chúng ta tồn tại trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Dự thảo văn kiện đã nói rất rõ những điều đó, ngay trong việc xác định các mũi đột phá.

Chú thích ảnh
Giáo viên Trường Tiểu học Nam Tiến, huyện Nam Trực (Nam Định) hướng dẫn học sinh làm bài tập. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật thông qua các luật, nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí? 

Sau Đại hội XIII, cả hệ thống quản lý từ Quốc hội, Chính phủ cần rà soát lại với quan điểm của Trung ương. Các luật đang được điều chỉnh theo Hiến pháp 2013, là tôn trọng quyền con người, quyền công dân, đến nay thêm vấn đề văn hóa và con người Việt Nam. Vì thế, hệ thống luật pháp và chính sách phải rà soát lại. Đây không chỉ là kế hoạch trong vòng 5 năm, còn là chiều dài của sự phát triển đất nước, hướng đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Thực hiện tinh thần "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa song song với kinh tế; đồng thời, làm rõ nhiệm vụ quản lý Nhà nước của hệ thống pháp luật, chính sách; cần sự đầu tư thỏa đáng cho hoạt động văn hóa; cuối cùng, phát huy vai trò chủ động của con người bởi con người trực tiếp tạo ra văn hóa, trở thành nhà quản lý văn hóa và nâng cao nhận thức toàn xã hội về vấn đề này.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Diệp Trương - Phan Phương/TTXVN (thực hiện)
Đại hội XIII của Đảng: Đề xuất các giải pháp phát triển đất nước trong giai đoạn tới 
Đại hội XIII của Đảng: Đề xuất các giải pháp phát triển đất nước trong giai đoạn tới 

Tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 27/1, Đại hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về các dự thảo Văn kiện. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN