Hơn 1 tháng không ghi nhận ca bệnh, dịch bạch hầu đã được khống chế

Hiện dịch bạch hầu cơ bản được khống chế, đã có 10 triệu liều vaccine phòng bạch hầu được cấp cho Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để chống dịch.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng bệnh tại các khu vực Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia vừa cho biết: “Trong hơn 1 tháng qua, cả nước không ghi nhận ca ca bệnh bạch hầu mới; đến nay cơ bản dịch bạch hầu đã được khống chế”.

Theo đó, trong năm 2020 cả nước đã ghi nhận 212 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 5 ca tử vong. Các ổ dịch bạch hầu đã được ghi nhận tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông... và tỉnh Quảng Trị.

Theo thống kê, có 94,7% số ca mắc xảy ra ở nhóm trẻ trên 5 tuổi và người lớn; chỉ có 17,3% số trường hợp mắc đã tiêm 3 mũi vắc xin phòng bệnh, 4,7% chưa tiêm đủ mũi và có đến 78% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Để ngăn chặn dịch bạch hầu lây lan, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch tiêm vắc xin chống dịch với các vắc xin: DTP, Td; tiêm vét vaccine 5 trong 1 cho hơn 4 triệu đối tượng ở tất cả các lứa tuổi thuộc 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên; trong đó, các huyện có ổ dịch bạch hầu được ưu tiên triển khai trước. Đến nay đã có trên 500.000 đối tượng được tiêm 2 liều vaccine Td. Nhờ triển khai chiến dịch phòng bệnh và tiêm chủng kịp thời, đến nay dịch đã cơ bản được khống chế.

Cũng theo PGS.TS Dương Thị Hồng, đến nay có 10 triệu liều vaccine phòng bệnh bạch hầu đã được cấp cho Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; đã triển khai tiêm được hơn 20%. Các vùng nguy cơ nhất là vùng có ca bệnh bạch hầu toàn bộ người dân đều đã được tiêm chủng 2 mũi phòng bệnh. Đến nay vòng đầu tiên là vòng nguy cơ cao đã được triển khai xong. Hiện việc tiêm chủng phòng bạch hầu cũng đang dần dần mở rộng ra các xã ít nguy cơ hơn. Hiện các tỉnh miền Trung không có ca bệnh nhưng vẫn có nguy cơ như: Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Nam đang được xem xét để mở rộng tiêm chủng phòng bạch hầu nhằm tiếp tục sử dụng hiệu quả lượng vaccine cấp cho khu vực Tây Nguyên.

“Để tránh trường hợp khi không có ca bệnh, bà con sẽ giảm sự quan tâm, không đi tiêm chủng; chúng ta cần tiếp tục truyền thông thật tốt. Việc tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu là rất cần thiết, chỉ có biện pháp tiêm chủng đạt tỷ lệ cao mới có thể khống chế được dịch, tránh nguy cơ lây lan dịch từ những ca bệnh rải rác trong cộng đồng”, PGS.TS Dương Thị Hồng cảnh báo.

Dự kiến trong năm 2021,  Dự án Tiêm chủng mở rộng cũng đề xuất mở rộng triển khai vaccine Td phòng bệnh bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trong Chương trình trên quy mô toàn quốc, dần đưa việc triển khai thành hoạt động thường niên để chủ động tạo miễn dịch với bạch hầu, uốn ván trong nhóm trẻ lớn, người lớn.

 

Tạ Nguyên/báo Tin tức
Kon Tum chủ động ngăn chặn bệnh bạch hầu bùng phát
Kon Tum chủ động ngăn chặn bệnh bạch hầu bùng phát

Từ đầu năm 2020 đến ngày 30/11, toàn tỉnh Kon Tum ghi nhận 50 trường hợp mắc bệnh bạch hầu và đã có một ca tử vong tại huyện Sa Thầy. Hiện, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân và chủ động phòng, chống không để dịch bệnh bùng phát mạnh trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN