Hong Kong lần đầu tiên phong tỏa một khu vực dân cư vì COVID-19

Lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Hong Kong phải phong tỏa một khu vực đông dân cư sau khi số ca nhiễm mới tại vùng lãnh thổ này tăng mạnh trong vài ngày gần đây.
Hong Kong lần đầu tiên phong tỏa một khu vực dân cư vì COVID-19 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 29/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại Hong Kong (Trung Quốc), chính quyền đặc khu hành chính này đã phong tỏa một khu vực đông dân cư sau khi số ca nhiễm mới tại vùng lãnh thổ này tăng mạnh trong vài ngày gần đây. 

Người đứng đầu cơ quan thực phẩm và y tế Hong Kong, Sophia Chan cho biết theo lệnh phong tỏa được ban hành, khoảng 10.000 cư dân sống tại khu vực tập trung 16 tòa nhà chung cư ở quận Jordan ở Kowloon tiến hành xét nghiệm với virus SARS-CoV-2, đồng thời ở nhà cho đến khi hầu hết cư dân được kiểm tra và kết quả được xác định. 

Khoảng 3.000 nhân viên thuộc các cơ quan hữu quan, trong đó có cảnh sát và lực lượng xử lý tình trạng khẩn cấp đã được triển khai giám sát việc thực hiện lệnh phong tỏa tại đây. Một loạt hàng rào chắn đã được dựng bao quanh toàn bộ khu vực tòa nhà. 

Trả lời báo giới, bà Sophia Chan cho biết cơ quan chức năng Hong Kong dự kiến kết thúc chiến dịch trong 48 giờ, tức đến sáng 25/1.

Cư dân ở khu vực sẽ được tự do đi lại sau đó. Cư dân không có mặt ở nhà tại thời điểm chiến dịch phong tỏa được triển khai sẽ được yêu cầu tiến hành kết nghiệm sau đó hoặc có thể bị phạt tiền và bỏ tù. 

Theo giới chức Hong Kong, gần 20% số ca nhiễm ghi nhận hằng ngày trong tuần qua tại đặc khu tập trung tại khu vực này. Tính đến ngày 22/1, Hong Kong ghi nhận 9.928 ca nhiễm và 167 ca tử vong do COVID-19. 

Na Uy siết chặt lệnh phong tỏa tại thủ đô và 9 tỉnh phụ cận

Chính phủ Na Uy ngày 23/1 thông báo, từ chiều cùng ngày, chính quyền thủ đô Oslo và 9 tỉnh thành phụ cận sẽ áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt chưa từng có sau khi phát hiện ổ dịch nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh.

Theo đó, các trung tâm thương mại và các cửa hàng bán hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa và không được mở cửa lại cho đến ngày 1/2. Các cửa hàng bán thực phẩm, dược phẩm và xăng dầu tiếp tục được mở cửa.

Mọi sự kiện thể thao sẽ phải tạm dừng, nhà hàng cũng phải đóng cửa, trong khi các trường học triển khai thêm chương trình dạy học từ xa, các gia đình được yêu cầu không mời khách tới nhà. 

[WHO: Cần phải cảnh giác tới khi đại dịch COVID-19 chấm dứt]

Theo Viện y tế công Na Uy, tính đến nay, nước này đã xác định 55 ca nhiễm biến thể của SARS-CoV-19. Nhằm khống chế dịch bệnh, Na Uy cũng đã áp đặt một số biện pháp cấm đi lại ngặt nghèo tại châu Âu và gần đây còn thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại khu vực biên giới. 

Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh châu Âu cho biết, tỷ lệ ca nhiễm SARS-CoV-2 trên 100.000 dân tại Na Uy hiện đứng thứ 5 châu Âu, sau Iceland, Phần Lan, Hy Lạp và Bulgaria. 

Tính đến ngày 21/1, Na Uy đã tiêm chủng cho gần 72.000 người, trong đó có 72.000 tiêm mũi đầu tiên, và có gần 1.900 người tiêm mũi thứ 2.

Indonesia: 3,5 triệu lao động đã bị mất việc do dịch COVID-19

Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir ngày 22/1 cho biết, có tới 3,5 triệu lao động ở nước này đã bị mất việc do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo số liệu thống kê, có tới 53% số lao động bị mất việc ở độ tuổi 18-30, độ tuổi mà người lao động đang làm việc rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, cũng đang có tới 3 triệu lao động mới cần việc làm. Tuy nhiên, số lao động này rất khó tìm được việc làm vì giới doanh nghiệp hiện đang chịu áp lực của đại dịch.

Cũng theo ông Erick, cần có sự phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để giải quyết vấn đề trên. Một trong số giải pháp là phát triển ngành công nghiệp halal với nhu cầu thực phẩm halal gia tăng mạnh thời gian qua.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani cho biết, đại dịch COVID-19 đã khiến số người thất nghiệp tăng 2,67 triệu người, đưa tổng số thất nghiệp tính đến tháng 8/2020 là 9,77 triệu người. Trong khi đó, tổng số người đang làm việc tính đến tháng 8/2020 chỉ còn 128,45 triệu người.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển Quốc gia Suharso Monoarfa cho biết, đại dịch COVID-19 đã khiến thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, do việc cắt giảm giờ làm việc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch khiến 24 triệu công nhân đã mất một nửa thời gian làm việc, hiện chỉ còn 20 giờ/tuần.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục