Truyền thông xã hội với vai trò 'người bảo vệ nền dân chủ Mỹ'

Trước khi xảy ra vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội ngày 6/1, ông Trump liên tục nói rằng phiếu bầu của ông đã bị đánh cắp và ông đã nhiều lần nêu lên các lập luận của mình trong các thông báo công khai.
Truyền thông xã hội với vai trò 'người bảo vệ nền dân chủ Mỹ' ảnh 1Binh sỹ vệ binh quốc gia gác tại khu vực tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C., ngày 14/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo mạng tin moderndiplomacy.eu, ngày nay, nền chính trị thế giới chứng kiến những diễn biến lạ thường. Cuộc khủng hoảng ngày 6/1 là sự kiện đẫm máu đầu tiên trong lịch sử chính trị Mỹ kể từ sau vụ quân Anh chiếm tòa nhà Quốc hội Mỹ năm 1814.

Vào ngày 6/1, một nhóm người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump tạo thành một đám đông giận dữ đã tràn vào tòa nhà Quốc hội trên Đồi Capitol và 5 người đã thiệt mạng trong ngày hôm đó.

Ngay sau khi sự cố này xảy ra, ban đầu Twitter đã quyết định đình chỉ tài khoản mạng xã hội của ông Donald Trump cho đến ngày 20/1 - thời điểm ông Joe Biden thay thế ông Trump và trở thành tân tổng thống của nước Mỹ. Sau đó, Facebook và Instagram thông báo rằng họ đã tạm thời đóng tài khoản của Tổng thống Trump. Cuối cùng, vào ngày 8/1, Twitter đã đóng vĩnh viễn tài khoản của ông Trump và thông báo rằng việc đình chỉ này được thực hiện “do có nguy cơ tiếp tục kích động bạo lực."

Các chế độ dân chủ trong lịch sử đã bị thách thức và bị ngờ vực từ xa xưa. Khái niệm dân chủ đã bị các nhà triết học Hy Lạp cổ đại là Aristotle và Plato chỉ trích. Vào thời Hy Lạp cổ đại, dân chủ được coi là “quy tắc của những kẻ thấp hèn."

Theo triết gia Socrates, nền dân chủ có bản chất thối nát và nó đồng nghĩa với việc phục tùng ý chí của những kẻ vô đạo đức. Còn triết gia Plato theo cách tương tự cũng lập luận rằng dân chủ có thể dẫn đến chuyên chế. Trên thực tế, cả Plato và Aristotle đều ủng hộ quan điểm rằng không thể có bình đẳng tuyệt đối trong xã hội, và dựa trên quan điểm này, họ đã bảo vệ sự cai trị của tầng lớp quý tộc.

Tuy nhiên, dân chủ đã trở thành một hệ thống quản trị lý tưởng và được áp dụng rộng rãi trong thế giới ngày nay. Hiện nay, dân chủ tự do được coi là hình mẫu chính phủ lý tưởng. Abraham Lincoln đã định nghĩa dân chủ dưới những hình thức cơ bản và tuyên bố rằng dân chủ là chính quyền của dân do dân và vì dân. Định nghĩa của Abraham Lincoln có thể được coi là một định nghĩa ngắn gọn và rõ ràng về nền dân chủ.

Robert Dahl, trong cuốn sách của mình có nhan đề “Điều gì xảy ra sau Cách mạng? Quyền lực trong một xã hội tốt” xuất bản năm 1990, đã trình bày các yêu cầu thủ tục tối thiểu được chấp nhận chung cho các nền dân chủ hiện đại.

Dahl liệt kê các yêu cầu như sau: quyền tư do ngôn luận của công dân đối với các vấn đề chính trị nói chung mà không cảm thấy nguy cơ bị trừng phạt; quyền tìm kiếm các nguồn thông tin khác và các nguồn thông tin này được pháp luật bảo vệ. Các nền dân chủ tự do được phân biệt với các nhà nước độc tài bằng cách hạn chế kiểm duyệt các kênh thông tin và mở rộng quyền tự do ngôn luận.

Chính quyền Trump đã không thể để lại một hình ảnh dân chủ tốt đẹp. Ông Trump đã tiến hành cuộc chiến chống lại các phương tiện truyền thông chỉ trích ông và có những phát ngôn chính trị kích động sự phân cực trong xã hội. Những gì thế giới đã chứng kiến vào ngày 6/1 là một bức tranh rõ ràng về lòng tham quyền lực của Trump và hành động lạm dụng dân chủ phục vụ tư lợi.

Có thể lập luận rằng cuộc khủng hoảng này cũng đã bộc lộ một thông điệp đơn giản: Nước Mỹ có các nhân tố bảo vệ nền dân chủ và “trật tự nhà nước” từ trong hậu trường, và lần này Twitter cùng Facebook đã bước lên "sân khấu" để bảo vệ chế độ.

Trong bài báo “Tại sao nước Mỹ không cần bầu lại nhân vật mị dân này: Trump là người như vậy và điều đó rất quan trọng” đăng trên tờ New York Daily News ngày 15/10/2020, Eli Merritt - chuyên gia về tâm thần học đồng thời là một học giả tại Đại học Vanderbil nghiên cứu về những nhà lãnh đạo mị dân và các chính phủ dân chủ - đã lập luận rằng sẽ sai lầm nếu gán các thuật ngữ như “phát xít” và “độc tài” cho Trump vì những thuật ngữ này không áp dụng cho giai đoạn đầu hoặc giai đoạn giữa của quá trình nền dân chủ hợp hiến bị phá vỡ; chúng được áp dụng cho các giai đoạn cuối cùng.

Theo Merritt, nước Mỹ hiện nay vẫn chưa ở trong giai đoạn cuối cùng của nền dân chủ. Thay vào đó, Mỹ đang ở "ngã ba đường" khi một nhà lãnh đạo mị dân gây ra những ảnh hưởng lớn bước vào Nhà Trắng.

[FBI điều tra khả năng nước ngoài tài trợ cho vụ bạo loạn Đồi Capitol]

Trong bài báo của mình, Merritt tuyên bố rằng những kẻ mị dân làm tổn hại đến các nền dân chủ theo hai cách. Thứ nhất, họ thúc đẩy sự chia rẽ và mất lòng tin giữa mọi người hơn là thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác. Những kẻ mị dân làm điều này không phải vì lợi ích của nhân dân, mà để giành và duy trì quyền lực vì các lợi ích cá nhân.

Theo Merritt, nghịch lý lớn nhất của nền dân chủ là những người có quyền lực lại bầu ra những kẻ mị dân, và rồi để những kẻ mị dân tước đi quyền lực của chính họ. Theo tác giả, ông Trump là một nhà lãnh đạo mị dân và do đó ông ta là "liều thuốc độc" đối với nền dân chủ.

Một khái niệm khác được sử dụng trong bài báo của Merritt là khái niệm "kẻ chuyên quyền." Aristotle từng sử dụng chế độ chuyên quyền để chỉ chính phủ độc đoán nói chung. Đối với Aristotle, một bạo chúa và một nhà cai trị chuyên chế là như nhau. Trump được mô tả như một người chuyên quyền và độc tài trong bài báo của Merritt vì Trump đôi khi hành động tùy tiện đi ngược lại với luật pháp.

Trước khi xảy ra vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội ngày 6/1, ông Trump liên tục nói rằng phiếu bầu của ông đã bị đánh cắp và ông đã nhiều lần nêu lên các lập luận của mình trong các thông báo công khai.

Truyền thông xã hội là một trong những kênh truyền thông quan trọng mà qua đó quần chúng tổ chức và phản đối chính quyền. Những gì xảy ra vào ngày 6/1 không chỉ là một phong trào phản đối ở Washington D.C.

Sự hỗn loạn ở Đồi Capitol cho thấy nền dân chủ Mỹ có những “sự bảo vệ” mạnh mẽ từ đằng sau. Twitter đã xóa vĩnh viễn tài khoản của ông Trump và đưa ra tuyên bố: “Sau khi xem xét chặt chẽ các tweet gần đây từ tài khoản @realDonaldTrump và bối cảnh xung quanh những tweet này - cụ thể là cách chúng được tiếp nhận và giải thích trên và ngoài Twitter - chúng tôi đã đóng vĩnh viễn tài khoản này do có nguy cơ tiếp tục kích động bạo lực."

Twitter và Facebook (các công ty của Mỹ) có thể được coi là đại diện dễ nhận thấy của những “sự bảo vệ” này. Liên quan đến việc đình chỉ vĩnh viễn tài khoản Twitter của ông Trump, có một câu hỏi quan trọng cần được đặt ra: Tại sao Twitter lại cấp huy hiệu đã được xác minh màu xanh lam cho các thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Đảng Công nhân người Kurd (PKK), trong khi nền tảng này cấm tài khoản của ông Trump?"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục