Khánh thành di tích lịch sử Đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn

Ngày 22/1, huyện Ân Thi tổ chức khánh thành Đền thờ Danh nhân Lịch sử - Văn hóa Nguyễn Trung Ngạn tại thôn Hoàng Cả, thị trấn Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng khẳng định, đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn là một di tích có giá trị về lịch sử, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn trên hành trình du lịch tâm linh của du khách thập phương, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc và của quê hương Hưng Yên. 

Ông Nguyễn Duy Hưng yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan chuyên môn sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, phục vụ trưng bày tại di tích; kết nối các tuyến du lịch thu hút du khách tới tham quan tìm hiểu, phát huy giá trị di tích trong đời sống; đồng thời phối hợp với huyện Ân Thi tăng cường tuyên truyền quảng bá ý nghĩa, giá trị lịch sử của di tích để đông đảo người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ di tích.

Chú thích ảnh
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành khu di tích đền thờ Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), người làng Thổ Hoàng, huyện Ân Thi, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, được đương thời tôn vinh là “thần đồng”. Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp đầu tiên của nước ta năm 1304 khi 16 tuổi; là đại thần của 5 đời vua Trần, từ Trần Anh Tông đến Trần Nghệ Tông, làm quan tới bậc Tể tướng - đứng đầu hàng ngũ quan lại trong triều.

Nguyễn Trung Ngạn là người luôn tận tụy hết lòng vì nước, vì dân, ông cũng là một nhà chính trị, nhà ngoại giao, quân sự, nhà thơ, nhà trước tác. Ông được xếp vào hàng những "Người phò tá có công lao, tài đức" thời Trần gồm 10 vị: Nguyễn Trung Ngạn, Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại và Trần Nguyên Đán.

Với tài ứng đối, trong chuyến tiếp sứ thần và đi sứ sang nhà Nguyên năm 1314, ông đã đề cao lòng tự hào dân tộc, được đối phương nể trọng và là người đầu tiên sáng tạo lối thơ lục ngôn thể (thơ sáu chữ), mở đường cho thơ lục ngôn thể của Nguyễn Trãi, Hồng Đức, Nguyễn Bỉnh Khiêm đời sau; là đồng tác giả hai bộ sách về pháp luật Hoàng triều đại điển và Hình luật thư, đều soạn chung với Trương Hán Siêu. Năm 1341, ông được vua trao chức Kinh sư Đại doãn, đứng đầu Kinh thành Thăng Long. Nguyễn Trung Ngạn mất năm 1370, thi hài ông được đưa về an táng tại quê hương làng Thổ Hoàng.

Chú thích ảnh
Trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho huyện Ân Thi. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tại Hà Nội đã có bảy nơi thờ ông gồm: Đền Tiên Hạ (46A ngõ Phất Lộc), đền Hương Tượng (64 Mã Mây), đền Hương Nghĩa (13B Đào Duy Từ), đình Mỹ Lộc (45 Nguyễn Hữu Huân), đình Hương Bài (90 Trần Nhật Duật), đình Ưu Nghĩa (2A Nguyễn Hữu Huân), đình Phúc Lộc (6 Lương Ngọc Quyến).

Đinh Tuấn (TTXVN)
Kỷ niệm 435 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Kỷ niệm 435 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Ngày 10/1, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng tổ chức kỷ niệm 435 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN