Liên hợp quốc kêu gọi Mỹ thực thi các mục tiêu tham vọng về khí hậu

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh các bước đi của Tổng thống Joe Biden để đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris, chung tay chống lại cuộc khủng hoảng về khí hậu.
Liên hợp quốc kêu gọi Mỹ thực thi các mục tiêu tham vọng về khí hậu ảnh 1Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: AP)

Ngày 20/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh việc tân Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ thực thi kế hoạch tham vọng để ngăn tình trạng ấm lên toàn cầu.

Trong tuyên bố, Tổng Thư ký Guterres đã hoan nghênh các bước đi của Tổng thống Biden để đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris, chung tay với liên minh các chính phủ, thành phố, nhà nước, các bang, doanh nghiệp và người dân trong hành động nhằm chống lại cuộc khủng hoảng về khí hậu.

Ông cho biết Liên hợp quốc mong muốn Mỹ đi đầu đẩy nhanh nỗ lực toàn cầu hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải, bao gồm thực thi các đóng góp của Mỹ trong việc hướng tới các mục tiêu tham vọng vào năm 2030 và hỗ trợ tài chính cho vấn đề khí hậu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26 tại Glasgow (Anh) năm nay.

Tổng Thư ký nhấn mạnh cuộc khủng hoảng khí hậu đang ngày càng trầm trọng hơn và thời gian để giới hạn mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, cũng như xây dựng các xã hội ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu, giúp bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, đang cạn dần.

[Ông Joe Biden hứa sẽ trở thành "Tổng thống của mọi người Mỹ"]

Bên cạnh đó, ông Guterres cũng chúc mừng Mỹ vì đã tham gia trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một trong những hành động đầu tiên của ông Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ. Theo ông Guterres, việc hỗ trợ WHO đóng vai trò then chốt trong công tác phối hợp chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu.

Trước đó, ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu ký 15 sắc lệnh hành pháp nhằm giải quyết những vấn đề như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng giữa các sắc tộc, đồng thời đảo ngược một số chính sách đã được người tiền nhiệm Donald Trump triển khai.

Các sắc lệnh, nhằm hiện thực hóa cam kết hành động nhanh chóng trong ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, khởi đầu tiến trình đưa Washington quay trở lại tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và bao gồm quyết định hủy bỏ giấy phép của Tổng thống cho triển khai xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL.

Các chuyên gia cho rằng đây mới chỉ là khởi đầu. Sau 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, chính quyền mới cần phải xây dựng lại sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Mỹ, thông qua việc đề ra các mục tiêu cụ thể về giảm khí thải trong lộ trình hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050.

Tiếp đó, ông Biden cần thực thi kế hoạch khí hậu tham vọng trị giá 2.000 tỷ USD, trong đó đưa hành động xanh vào trọng tâm của nền kinh tế và lộ trình phục hồi từ dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo rằng sự chuyển biến lâu dài này không thể nhanh chóng bị đảo ngược trong trường hợp nước Mỹ có Tổng thống của đảng Cộng hòa trong tương lai.

Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) kỳ vọng Mỹ sẽ đặt mục tiêu đến năm 2030, có thể giảm 45-50% lượng khí thải so với năm 2005./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục