Kỷ niệm Ngày Đức Phật thành đạo và cầu nguyện quốc thái dân an

Theo Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, sự kiện Đức Phật thành đạo có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử văn minh nhân loại và có giá trị thiết thực trong đời sống xã hội.
Kỷ niệm Ngày Đức Phật thành đạo và cầu nguyện quốc thái dân an ảnh 1Hội thao chào mừng ngày Phật thành đạo. (Nguồn: Phatgiao.org.vn)

Ngày 20/1 (tức ngày 8/12 năm Canh Tý), Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Đức Phật thành đạo và cầu nguyện quốc thái dân an, thu hút đông đảo phật tử tham gia.

500 tăng ni sinh tại Học viện đã xếp hình lá bồ đề, hát đồng ca bài Đạo ca kính mừng Ngày Phật thành đạo.

Hòa thượng Thích Thanh Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cho biết cách đây trên 25 thế kỷ, Đức Phật Thích ca ra đời tại nước Ấn Độ. Mỗi tôn giáo đều có những ngày kỷ niệm và những thánh tích về vị Giáo tổ sáng lập ra giáo phái hoăc tôn giáo đó.

Phật giáo là một tôn giáo lớn, ngày nay được mọi người trên thế giới biết đến qua giáo lý và cuộc đời. Đặc biệt, vùng Bắc Ấn đã lưu lại thánh tích của Ngài mãi cho đến ngày hôm nay.

Đây là những chứng liệu được các nhà khảo cổ tìm ra và công bố cho mọi người biết về bốn thánh tích: Vườn Lumbini - nơi Đức Phật đã đản sinh (ngày nay thuộc nước Cộng hòa Nepal); Bodhgaya (Bồ đề Đạo Tràng) - nơi Đức Phật thành đạo; Lộc dã/uyển (Sarnath thuộc đô thị Varanasi) - nơi Đức Phật chuyển pháp luân; Kusinagar -  nơi Đức Phật nhập niết bàn.

[Phát huy giá trị văn hóa của giáo hội Phật giáo trong đời sống xã hội]

Song song với bốn thánh tích là những ngày kỷ niệm quan trọng, đánh dấu sự hiện diện của Đức Phật, đó là Ngày Bồ tát Hộ Minh; Ngày Thái tử Sĩ Đạt Ta từ bỏ đời sống thế tục xuất gia; Ngày Đức Phật đã thành đạo và Ngày Đức Phật nhập niết bàn.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, sự kiện Đức Phật thành đạo có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử văn minh nhân loại và có giá trị thiết thực với đời sống xã hội: Đức Phật đã chiến thắng Ma quân. Đức Phật đã mở cánh cửa bất tử cho tất cả chúng sinh, chứng minh mọi chúng sinh đều có khả năng giác ngộ, giải thoát. Con người là chủ nhân của chính mình, Đức Phật dạy phương pháp tu tập mang lại an lạc ngay trong hiện tại. Đức Phật là nhà cách mạng đầu tiên về nhân quyền và bình đẳng.

“Ngày nay, đã đến lúc mọi người cần phải quay lại chính mình và ứng dụng lời dạy của Đức Phật trong đời sống thường nhật. Đây là con đường duy nhất để mọi người cùng thăng tiến đạo đức tâm linh và tránh xa nạn hủy diệt văn hóa, văn minh và sự sinh tồn của nhân loại," Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói.

Tăng sinh Thích Khai Thường bày tỏ thông qua đại lễ này, các tăng, ni sinh hiểu hơn về cuộc đời hành đạo của Đức Phật. Ngài đã vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, thoát khỏi mê, ái, dục để tìm con đường trung đạo giúp con người tìm được an lạc chính trong tâm của mình.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức ngày Phật thành đạo để giúp học viên tiếp thêm năng lượng tích cực trong quá trình tu tập, tìm về chính xác ngày đạo Phật ra đời. Từ đó, sau khi ra trường về trụ trì các ngôi chùa để các tăng, ni sinh có thêm kinh nghiệm truyền bá giáo lý cho phật tử, lấy gương đức Phật soi chiếu.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa như văn nghệ kính mừng Phật thành đạo; giao lưu bóng đá, cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn; Đại lễ phóng sinh rước cá từ ao cá Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch vào hồ cá quảng trường Viên Quang; thi báo tường; Đại lễ cầu nguyện quốc thái dân an, dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc gia thịnh vượng, mưa thuận gió hòa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục