Đọc trường ca "Mặt đường khát vọng" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

"Đất Nước" là chương 5 trong trường ca "Mặt Đường Khát Vọng" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhưng được tách ra như một bài thơ độc lập với sức hấp dẫn đặc biệt - hiện tượng hiếm của văn học Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

"Đất Nước" là chương thứ năm trong trường ca "Mặt Đường Khát Vọng" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Trường ca này gồm chín chương, được tác giả viết xong tháng 12 năm 1971, Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng ấn hành tháng 1/1974.

Những thời điểm ghi ở cuối tác phẩm là dấu ấn, nói lên nhiều điều về hoàn cảnh sáng tác cũng như vị thế của tác giả, rất cần được lưu ý.

Sau khi trường ca "Mặt Đường Khát Vọng" ra đời và đi vào đời sống văn học, chương "Đất Nước," một cách “tự nhiên,” được tách ra như một bài thơ độc lập.

Đây là hiện tượng hiếm gặp khi ở Việt Nam có gần trăm người viết thơ dài với rất nhiều trường ca khác nhau. Điều này chứng tỏ, chương "Đất Nước" có sức hấp dẫn đặc biệt, tương thích với tâm lý và nguyện vọng của quần chúng yêu thơ, mặc dù hình thức biểu đạt dưới dạng thơ tự do, không mấy gần với thể lục bát hay song thất lục bát mà sự tiếp nhận thơ truyền thống đã trở thành tập quán của người đọc/nghe thơ ở Việt Nam.

Sức cuốn hút mạnh mẽ của chương "Đất Nước" như một bài thơ độc lập chính là ở nội dung, biểu thị ở cách cảm, cách suy, bằng những hình ảnh nâng lên hình tượng, dưới lớp vỏ ngôn ngữ thuần Việt, gần gụi với ca dao, tục ngữ, với truyền thuyết nhân sinh mà vẫn đương đại, nhuần nhị, tinh tế, vươn cao.

Cái truyền thống và hiện đại, cái hiện tại và quá khứ, cái riêng và cái chung, cái đơn lẻ và cái tổng thể… hòa quyện vào nhau, thúc đẩy lẫn nhau làm bật lên cái tổng quát, cái nhìn vào tương lai một cách ung dung, tự tại, trở thành nền tảng để hiểu được những điều khó hiểu, kể cả người không chung nền văn hóa.

"Đất Nước" trong điểm nhìn của tác giả cũng là điểm nhìn của tất cả con dân đất Việt trong suốt chiều dài lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước:

Khi ta lớn lên "Đất Nước" đã có rồi
… Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
… Khi chúng ta cầm tay mọi người
"Đất Nước" vẹn tròn, to lớn
… Ta lớn lên khao khát những chân trời
…Trái tim ta nặng trĩu những mê say
Sẽ gieo xuống làm âm vang mặt đất….

Nhưng lúc này đây (ở thời điểm sáng tác):

"Đất Nước"
Đang gọi ta từng hồi trống thúc
"Đất Nước" xoáy nhào tim ta
Ký ức
"Đất Nước" muôn đời đang vặn mình, đang sôi….

Suốt bảy phần trong Chương 5, giọng-nhịp-điệu thơ ấy tuôn trào như những đợt sóng gối lên nhau không ngơi nghỉ. Đất rung, biển động và lòng người bùng lên sức mạnh sau những nén nhịn, đau thương, mất mát, chuần bị vào trận quyết chiến giành lại độc lập, tự do cho dân tộc với lòng tự trọng và lương tâm tự nguyện:

Không bao giờ xương máu phải bơ vơ
Ôi sông núi uy nghi ngàn dặm đất
Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt
Nguyện làm người xung kích của quê hương.

Việc tiếp nhận chương "Đất Nước" như một bài thơ độc lập, dưới hình thức thơ tự do, hiển nhiên cho thấy sự thay đổi lớn lao trong cộng đồng người đọc Việt Nam ngày nay, ở chỗ bài thơ đã khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, lòng khát khao hướng tới hòa bình, ấm no, hạnh phúc, không chỉ ở thời điểm đó mà còn lâu hơn sau đó, kể cả lúc này, bằng sự chân thật, bằng sự hiểu biết có chắt chiu, chọn lọc, với sức truyền cảm của nghệ thuật mà nhà thơ tự ý thức và phát biểu dưới dạng ngôn ngữ thơ.

Thực tế cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, được những kẻ đồng lõa tiếp sức, mà tiến trình của nó không những không duy trì được sức mạnh vật chất vốn có mà còn bộc lộ những âm mưu đen tối, tất yếu dẫn đến những hành động phi nghĩa, mất hết tính người, không chóng thì chầy sẽ chuốc thất bại nhục nhã.

Cũng vậy, thực tế cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất Tổ quốc càng ngày càng mở ra trước nhân dân Việt Nam những thời cơ cho thắng lợi hoàn toàn, bởi cuộc chiến tranh cứu nước thuộc về chính nghĩa, thuộc về lương tri, thuộc về lòng khát khao hòa bình trên Trái Đất này.

Là người trong cuộc, với sự nhạy cảm thời cuộc, luôn luôn ý thức về trách nghiệm và nghĩa vụ đối với Tổ quốc, những chiến sỹ trên mặt trận văn học nghệ thuật, bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã góp phần không nhỏ, truyền cảm hứng, kết nối sự đồng lòng toàn dân, toàn tâm toàn ý cho trận cuối cùng vẻ vang, đầy kiêu hãnh của người chiến thắng.

Trong số các chiến sỹ làm thơ, viết văn xuất hiện những người sáng tạo nên những tác phẩm văn chương mang tính chính luận rõ nét và sắc sảo. Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ như vậy.

Ở nước Mỹ, và đồng minh không hề có, và không thể có hiện tượng văn chương khích lệ quân đội và nhân dân dấn thân vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Bởi, văn chương không phải là phương tiện, không phải là công cụ phục vụ mưu đồ xâm lược, không đồng hành với chiến tranh phi nghĩa, cho nên ở đó không có nền văn chương và đội ngũ tác giả tiêu biểu, trong cũng như sau cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Có đầy đủ lý lẽ để tách chương "Đất Nước" “đứng” riêng như một bài thơ độc lập. Tuy nhiên, đưa bài thơ trở về cấu trúc tổng thể của trường ca "Mặt Đường Khát Vọng" thì mới thấy trọn vẹn cái hay, cái đẹp phát tỏa hào quang.

Trước chương "Đất Nước" là bốn chương (Lời Chào, Báo Động, Giặc Mỹ, Tuổi Trẻ Không Yên) và sau đó cũng là bốn chương (Áo Trắng Và Mặt Đường, Xuống Đường, Khoảng Lớn Âm Vang, Báo Bão).

Như vậy, về cấu trúc, trường ca "Mặt Đường Khát Vọng" có sự đối xứng, mà chương "Đất Nước" ở trung điểm, nơi kết tụ từ những chương trước và tỏa lan tới những chương sau các sự kiện, vừa mang tính lịch sử vừa là thực tại của thời đại, liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc chiến tranh, một cách tuần tự, theo hướng đi lên chứ không phải theo hình parabol, tạo nên cao trào cho ý thơ phát triển, tuân thủ lớp lang tư duy thơ của tác giả, giữ được mạch thơ nhất quán.

Đọc trường ca "Mặt đường khát vọng" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ảnh 1Suốt 16 năm ròng rã (1959-1975), vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, bộ đội Trường Sơn cùng lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã xây dựng và phát triển con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh "huyền thoại" trong mưa bom, bão đạn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20. (Ảnh: TTXVN)

Những điểm căn bản trong chương "Đất Nước," như đã phân tích ở trên, đều có ở tám chương khác. Đó là tiếng thơ tự con tim trào ra cái năng lượng làm chuyển hóa tâm hồn đồng loại, làm điểm tựa cho sức bật lý trí vươn vai:

Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ
Nhưng chiều nay, một buổi chiều dữ dội
Ta nhận ra mình đang lớn khôn

Khuôn mặt trẻ bỗng già trên lớp sóng
Ngẩng đầu lên, ta thấy mặt quân thù!

(Chương 1)

Những câu thơ “lời chào” ấy dung dị mà lại báo hiệu một cơn bão lớn đang hình thành với sức mạnh không thể ngăn được:

Ta quay nhìn. Sông đã hóa mênh mông
Từ trầm tư, sông vỗ sóng trùng trùng
Nối lịch sử những bờ không giới hạn
Những cam kết hôm nay với trăm đấng anh hùng…

(Chương 2)

Bởi vì kẻ xâm lược đã gieo gió trên lãnh thổ Tổ quốc yêu thương bằng những hành vi thú vật:

Chúng đánh ta để ta không tìm được chiều cao
… Chúng đánh ta trụy hết những bào thai truyền thống
… Chúng biểu diễn cuộc đời ta thành véc-tơ, đồ thị
Bằng chính máu chúng ta nhằm chứng minh hiệu năng vũ khí!

(Chương 3)

Bằng ngôn ngữ thơ, chương 3 là bản cáo trạng hùng hồn, lột tả chân tơ kẽ tóc cái bản chất dã thú của một đội quân dưới sự chỉ huy của những tên độc tài khát máu ôm mộng bá chủ hoàn cầu, hòng lũng đoạn thế giới bằng những thủ đoạn đê tiện, hèn hạ nhất-đó chính là quân đội viễn chinh Mỹ dưới thời Giôn-xơn, Ních-xơn hiếu chiến.

Quân đội đó bị vạch mặt, chỉ tên đích danh:

Tên Mỹ kia! Mày bị căm ghét đời đời
… Mày đến Việt Nam. Và đánh mất ở đây tất cả những giá trị cao quý con người.

Bộ mặt của bè lũ đế quốc, hành vi mất tính người của kẻ xâm lược không chỉ dồn tuổi trẻ miền Nam Việt Nam vào trạng thái:

“Lòng ta không bình yên
Lòng ta vẫn đầy khắc khoải,

để đến nỗi:

“25 năm qua chưa một đời trai trẻ
… Ta căm giận ngàn đời chúng mày, giặc Mỹ
Ta đau buồn "Đất Nước" hiểu ta không?

mà còn đẩy chính thanh niên Mỹ vào thảm cảnh:

“Chúng tôi là một động vật mới mẻ
… Chúng tôi tự do làm tình, tự do buồn, tự do ca hát
Tự do chết khi quét cùn thân xác….

Chính những điều đó đã thức tỉnh tuổi trẻ cả dân tộc Việt Nam:

“Hãy đứng dậy! và giơ cao ngọn đuốc!
Của tình yêu đã khơi lửa ngàn đời
Hãy nhận mặt quân thù và xuất kích hôm nay
Giành chiến thắng và làm nên hạnh phúc!

(Chương 4)

Hơn thế, từ bốn chương đầu không ngừng “ló rạng” những điểm nhìn, những chi tiết, để đến Chương 5-"Đất Nước" hiện ra ngời sáng.

Những chi tiết đắt giá nằm trong ký ức được đánh thức:

Biết ơn những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng
Rút những cọng rơm vàng về kết tổ
… Biết ơn mẹ vẫn tính cho con thêm một tuổi sinh thành
‘Tuổi của mẹ’ con nằm tròn bụng mẹ
Để con quý yêu tháng ngày tuổi trẻ…”

(Chương 1)

Cho đến những ký ức “lớn hơn”:

Buổi sáng ấy
… Hình dáng những chiếc tàu há mồm ngoạm vào thành phố…

khiến trong lòng cựa quậy:

“Lịch sử đã lặp lại rồi chăng?
Một nỗi đau từ vô tận vô cùng
Ùa vào mỗi căn nhà, góc phố...

(Chương 2)

Và:

Không ở đâu bằng "Đất Nước" Việt Nam này
Nơi nhân loại thêm một lần nhìn thấy…

(Chương 3)

Ôi những hàng cây từng in bóng huy hoàng
Trên đại lộ những năm đời mới lớn
Giờ đổi lá trầm ngâm màu tóc trắng
Của bụi đường và khói hơi cay…
(Chương 4)

Có rất nhiều ký ức như vậy kết lại, thầm thì và quặn lên:

Em ơi em "Đất Nước" là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên "Đất Nước" muôn đời…

để rồi bật lên da diết:

Ôi mây trắng ngang đầu, gió dưới rừng xa
"Đất Nước" ở đâu? Đâu là "Đất Nước"
… "Đất Nước" trên miệng ta rồi
Trong tim ta mang
Trên chân ta bước
"Đất Nước"! "Đất Nước"!
Cả núi rừng thét lên đồng loạt!

(Chương 5)

Chính ở Chương 5 - chương trung điểm này, tác giả truyền tới người đọc hai điểm nhấn đầy cảm xúc: sông Hồng (còn gọi là sông Mẹ hay sông Cái) và châu thổ nó sinh ra - Đồng bằng Bắc Bộ và cũng là miền Bắc hậu phương lớn, nơi:

Mẹ phả vào mặt con nồng nàn mùi sữa
Của những đồng xa nguyên vẹn được mùa
… Trong tháng năm chớp bể mưa nguồn
Ru con lớn và làm người thương Mẹ…

và, hình tượng Bác Hồ muôn vàn kính yêu:

Có Người, chúng tôi có lại Hùng Vương
Có lại dáng búp sen nghìn năm của chùa Một cột
Và những búp sen miền Nam tận bùn lầy Đồng Tháp
… Bởi vì Người là "Đất Nước" tôi
… Lý tưởng của Người
Sự sống chúng tôi mang….

Hai điểm nhấn này - sông Hồng và hình tượng Bác Hồ - là dấu khắc đậm đà, trước hết từ tình cảm của bản thân tác giả truyền sang người đọc.

Nguyễn Khoa Điềm sinh ra ở Huế nhưng có nguồn gốc bản quán tại mảnh đất Xứ Đông (Hải Dương-Hải Phòng trước đây còn gọi là tỉnh Đông, phía đông Thăng Long, bên bờ sông Hồng, nhìn sang Xứ Đoài là Hà Đông-Sơn Tây, phía tây và nay thuộc Hà Nội), trước kia nằm giáp biển, một vùng địa linh nhân kiệt nổi tiếng từ xa xưa, nên ông còn tên gọi khác là Nguyễn Hải Dương.

[Trường ca 'Trăng Tân Trào' của Hữu Thỉnh: Viết từ những giấc mơ]

Thân sinh của ông là nhà báo Hải Triều (tức Nguyễn Khoa Văn, nổi tiếng trong cuộc luận chiến mà ông đứng về phía quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh”), thuộc dòng dõi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng (1690-1725) là một công thần thời chúa Nguyễn Phúc Chu.

Thời trẻ, ông trở lại gắn bó với miền Bắc, học tập và trưởng thành. Bởi vậy, nhà thơ viết:

Chúng ta là người miền Nam
Nhưng tôi biết anh gốc gác họ Hoàng Kinh Bắc
Còn tôi họ Nguyễn tỉnh Đông
Huyết thống ta trôi trên bán đảo âm thầm
Hôm nay bỗng réo sôi từng hồi trống trận
Khi cơn lũ đang lao qua châu thổ sông Hồng!

Tình cảm cá nhân ông đã hòa vào tình cảm chung của nhân dân, để nói lên tiếng nói của đồng bào, đồng chí, hòa vào sức mạnh tổng hợp của "Đất Nước." 

Trên con đường đi tới của dân tộc, sức mạnh "Đất Nước" lớn lên trong từng bước, từng giai đoạn:

Mọi cái đều là phía trước
… Mặt đường dãn ra trong nắng
Đón những bàn chân bước mạnh
Và bâng khuâng tìm nhớ
Những bước chân quen….

Ngay ở những câu thơ này, quá khứ và hiện tại bện chặt vào nhau và hướng về tương lai, tạo nên thế vững chãi của hình tượng “chiếc kiềng ba chân” hay “ba cây chụm lại thành hòn núi cao”:

Mặt đường đưa ta về ngày hội lớn
Độc lập, Hòa bình, Thống nhất Bắc Nam...
… Vì hôm nay
Với cả trái tim đầy
Ta ra trận bằng màu áo trắng…

(Chương 6)

Đặt tiêu đề "Áo Trắng Và Mặt Đường," Chương 6 trực tiếp nói về phong trào học sinh sinh viên miền Nam ngày ấy, tác giả gián tiếp “thiết lập” con đường tiến công vào sào huyệt cuối cùng của chế độ thực dân mới, mà chương bảy cụ thể hóa với khí thế hừng hực:

Thành phố hồi sinh trên khắp mặt đường
… Ta quỳ xuống mặt đường
… Ta xông lên chiếm hết mặt đường
… Hãy cùng đi mở rộng cửa Thành Đồng!

(Chương 7)

Con đường ấy dẫn đến âm vang:

Ta trở lại với phố phường náo động
Để lắng hết cái độ rền sự sống
Cái đường tròn mới lạ của âm thanh…
… Chúng con đi cuối đất, cùng trời
Đuổi hết giặc Mỹ rồi, con mẹ mới nguôi…

(Chương 8)

Năm 1971, lúc quân Mỹ chưa cút khỏi miền Nam, trong Chương 9 của trường ca "Mặt Đường Khát Vọng" đã xuất hiện khổ thơ có tính dự báo:

Ngàn năm sau không có phút này đâu
Ngàn năm trước sẽ gọi là mơ ước:
Phút đuổi Mỹ, phút ta giành lại nước
Mỗi tấc đường đều dậy gió xung phong!

Niềm tin ấy, khát vọng ấy đọng trong tim, nuôi dưỡng tâm hồn lớn lên hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây:

Xin trút một đời vào sức nặng bàn chân
… "Đất Nước" muôn năm!
Những ngựa đá lại xuống đường
Những rồng đá phải bay lên mà đuổi giặc
Những bà mẹ đo chân vào thần tích
Để hoài thai triệu triệu những anh hùng
Những anh hùng Việt Nam chống Mỹ
Đang xuống đường như nắng xuống quê hương…

(Chương 9)

Ngày mà Nguyễn Khoa Điềm hoàn thành trường ca "Mặt Đường Khát Vọng" ông đang ở tuổi chưa đầy ba mươi (ông sinh ngày 15/4/1943), chưa vào độ “tam thập nhi lập,” vậy mà hồn thơ ông đầy đặn, chín chắn, dung chứa chật căng lý tưởng của một tư duy hoàn thiện về thời đại, về nhân dân, về "Đất Nước." 

Đọc trường ca "Mặt đường khát vọng" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ảnh 2Đại đội thanh niên xung phong mặt trận Đường 9 vận tải đạn dược, khí tài (1970). (Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN)

Ông trình bày một “vấn đề” rất phức tạp, đa chiều với những dòng thơ đầy chiêm nghiệm của một người hiểu thấu căn nguyên, như nhà bác học Abert Einstein (1879-1955), người sáng tạo ra phương trình tuyệt đẹp để giải mã bí ẩn của vũ trụ, từng khuyên: “Nếu bạn không thể trình bầy một vấn đề sao cho đơn giản, ấy là vì bạn chưa thấu hiểu vấn đề đó.”

['Tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam qua văn học']

Là chiến sỹ ở mặt trận Thừa-Thiên-Huế hồi đó, trong trường ca "Mặt Đường Khát Vọng," hình ảnh Huế và và nhân dân quê hương ông luôn xuất hiện với tình cảm đắm sâu thương mến và khát vọng cháy bỏng:

Thành phố dịu dàng lên những hợp âm
Con sóng vỗ vào đá kè Thương-bạc
Tiếng guốc gõ lối hoàng cung tím ngát
Cuốn cái rì rào phố xá đi xa…

(Chương 8)

hay ngược lên tìm ngọn nguồn cái tên:

“Kờ-ruồng Kù-tiệt!
Tiếng suối hay tiếng chim?
Tiếng người hay tiếng chiêng?
... "Đất Nước"! "Đất Nước"!...

(Chương 5)

Đang lúc cầm súng trong tay, nhưng người cựu sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn nuôi dưỡng và rèn luyện cảm xúc, để đến lúc cần thiết nói lên bằng thơ những nghĩ suy trăn trở trong lòng.

Ông đã làm đúng cả hai điều mà nữ diễn viên điện ảnh người Thụy Điển nổi tiếng ở Hollywood hồi những năm 50 và 60 (thế kỷ 20, bà đoạt ba giải Oscar) - Ingrid Bergman (1915-1982) từng nói, thứ nhất “Bạn phải rèn luyện trực giác của bạn” và thứ hai “Bạn phải tin vào tiếng nói nhỏ nhẹ bên trong bạn, nó nói với bạn một cách chính xác nên nói gì, quyết định gì.”

Từ thành phố Huế quê hương

Những âm thanh không bến, không bờ
Tuôn chảy, luân lưu, hồi sinh, cộng hưởng
Nhân sức mạnh trong tận cùng sức mạnh
Nhân niềm tin trong sâu thẳm niềm tin,

để đến ngày

Với hai ngón tay xòe lên như thiên thể
V bay lên như cánh chim báo bão
Lượn khắp địa cầu, ngôn ngữ, màu da
Ôi V Việt Nam, V Chiến thắng, bay xa

(Chương 8)

(V là chữ đầu của từ Victoria, tiếng Anh-có nghĩa là Chiến thắng).

Nguyễn Khoa Điềm tin và vận dụng thành công tính chính luận trong trường ca "Mặt Đường Khát Vọng." “Thơ chính luận” có những tương đồng và khác biệt với “Bài báo chính luận” hay “Vở kịch chính luận.”

Cùng dùng thủ pháp phân tích và chứng minh trên cơ sở những chính kiến của bản thân, nhà báo thiên về chuyển tải sự vận động của các sự kiện bằng ngôn ngữ tân văn, trong khi nhà biên kịch khai thác ngôn ngữ hành động để tạo nên những nút thắt cao trào-tính kịch, còn nhà thơ đằm trong sự bùng nổ của cảm xúc, sáng tạo ngôn ngữ thơ, mà trong đó tiến trình khai thác phép ẩn dụ của ngôn từ là công việc chiết xuất tâm tưởng tới độ thăng hoa, để vừa tạo nên độ nén của câu thơ, cái đắc địa của chữ thơ, vừa mở ra những khoảng trống của bài thơ, cũng là mở ra không gian thơ cho việc thưởng thức thơ thêm rộng đường tiếp nhận.

Đó là những lời thơ giản dị mà hào sảng, đầy khí phách, rung động không chỉ con tim người Việt mà còn thức tỉnh trái tim loài người yêu chính nghĩa:

Khi tháng năm là niên khóa xuống đường
Khi bài học được viết từ mặt nhựa
Giấy không cạn đau thương, mực phải mài giữa phố
Chúng con thề chúng con sẽ ra đi!

(Chương 9)

Thời điểm viết trường ca "Mặt Đường Khát Vọng," tác giả còn rất trẻ, rất lâu sau đó ông mới tham gia chính trường, song chất chính luận đã được ông tiếp nhận dưới dạng kiến thức, qua suy ngẫm, đào luyện trở thành tri thức, thành kiến văn, tạo nên cái phông văn hóa có sức phản chiếu vào ngõ ngách, soi tỏ bản nguyên của các sự vật và hiện tượng.

Viết về "Đất Nước" trong giai đoạn cuộc chiến tranh Việt Nam đang diễn ra ác liệt, nhưng ông đã nhìn rộng ra thế giới xung quanh bằng con mắt điềm tĩnh, bằng trực giác và cảm thụ có chọn lọc, để thấy được/ mọi người thấy được bối cảnh bên trong và bên ngoài biên giới lãnh thổ Tổ quốc, những sự sinh ra cuộc chiến và con đường tất yếu của cuộc chiến, cùng những hệ quả của nó.

Một lời tự vấn của tuổi trẻ trong vùng địch chiếm:

Ôi ta đã đốt cháy hôm nay để không cầm vũ khí
Có ngờ đâu ta thiêu cháy cả tương lai
Có ngờ đâu không muốn cầm súng giết người
Ta lại giết chính ta….

Một lời tự thú của người trẻ Mỹ cầm súng đi xâm lược:

Trí tuệ, luân lý già rồi mà chúng tôi thì trẻ
Chúng tôi chào trí tuệ, luân lý lụ khụ, chúng tôi đi…

(Chương 4)

Chỉ riêng những người đứng về phía chính nghĩa là cầm súng xuống đường, hy sinh tuổi thanh xuân để  hồi sinh. Trên con đường ấy, tuổi trẻ luôn nuôi khát vọng hướng tới tương lai.

Chiến tranh là điều cực kỳ vô nghĩa, kéo loài người thụt lùi về quá khứ điêu linh. Nhưng, chiến tranh vẫn là miếng mồi béo bở, cuốn hút những thế lực tham lam bá chủ vào guồng máy chém giết, hủy diệt.

Những nỗ lực của các thế hệ loài người qua hàng nghìn năm, phấn đấu cho nền văn minh ngày thêm tươi sáng, đều bị chiến tranh, bị bọn người lòng lang dạ thú hủy hoại.

Chiến tranh sẽ còn tiếp diễn trên quả đất này. Những con người và những dân tộc bị áp bức vẫn phải cầm súng ra mặt trận. Họ khát vọng hòa bình không chỉ vì để có được ấm no, mà họ khao khát làm người.

Trong trường ca "Mặt Đường Khát Vọng," Nguyễn Khoa Điềm đã phần nào hé lộ ý tưởng đó.

Mãi 45 năm sau, năm 2016, ông mới thổ lộ rõ rệt trong bài thơ "Viết Cho Lần Cuối:"

Phải không em, chỉ nỗi khát làm người
Anh đã chọn với hai hàng nước mắt
Khi cái chết làm phép trừ vô cực
Anh là anh, mãi mãi vẫn là anh....

Cũng cùng năm đó (2016), ông còn công bố bài thơ "Những Câu Hỏi Đầu Năm" với sự day dứt:

Vì sao ly rượu đưa lên, tay mình run khẽ
Chẳng chạm vào ai, cũng đã chạm với đời
Sao lại thế, nửa đêm thức giấc
Chợt thấy mình nhẹ bẫng giữa sương rơi?

và bất ngờ nhận ra, tuy vẫn là câu nghi vấn song ở tâm trạng nhẹ nhõm hơn:

Mãi mãi hồn ta không cũ nữa
Em chăng là nắng mới tinh khôi?

Dường như mỗi khi đặt một câu hỏi là một lần làm cho người ta lớn thêm! Bởi vậy, cùng một câu hỏi, nhưng mỗi lần hỏi, bất luận trong hoàn cảnh nào, là một lần tâm thế, lý trí và cảm xúc trong người ta thay đổi, để sẵn sàng đón nhận cái mới từ câu trả lời như một phát hiện.

Trường ca "Mặt Đường Khát Vọng" nói riêng và trong nhiều bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm, tính chính luận đã neo vào lòng người đọc một cách vững chắc và sẽ ở lại rất lâu. Bởi, Thơ mãi là “Nắng mới tinh khôi”./.

Nguyễn Khoa Điềm (tên khác là Nguyễn Hải Dương; sinh 15/4/1943) là một nhà thơ, nhà chính trị Việt Nam.

Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Ông là cựu sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nguyễn Khoa Điềm sinh tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Thân sinh của ông là nhà báo Hải Triều, thuộc dòng dõi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, gốc An Dương (tỉnh Hải Dương cũ nay là Hải Phòng). Quê quán: làng An Cựu, xã Thủy An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, cùng lứa với Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân. Sau đó, ông vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế; tham gia quân đội, xây dựng cơ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, viết báo, làm thơ,... cho đến năm 1975.

Nguyễn Khoa Điềm từng bị giam tại nhà lao Thừa Phủ. Đến chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động. Vào thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm mới bắt đầu làm thơ.

Nguyễn Khoa Điềm trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1975. Sau 1975, ông tham gia công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản; Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên-Huế.

Ông có mặt trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Năm 1994 Nguyễn Khoa Điềm ra Hà Nội, làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin. Năm 1995, ông được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.

Năm 1996, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, Nguyễn Khoa Điềm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.

Ông là Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá X và từ tháng 11 năm 1996 là Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin.

Năm 2001, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX, Nguyễn Khoa Điềm trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2001-2006).

Đã xuất bản

Cửa thép (ký, 1972)

Đất ngoại ô (tập thơ, 1973)

Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974) 9 chương

Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (tập thơ, 1986)

Thơ Nguyễn Khoa Điềm (1990)

Cõi lặng (tập thơ, 2007)

Giải thưởng

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ "Ngôi nhà có ngọn lửa ấm".

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (giải B) với tập thơ "Cõi lặng" năm 2010

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục