Phát huy giá trị những di tích của Bác Hồ ở Thừa Thiên - Huế

Ngày 3/12, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập.

Chú thích ảnh
Các đại biểu dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ kỷ niệm.

Năm 1979, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên đã quyết định xây dựng Nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm bảo tồn di sản quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở cố đô Huế, tại nhà số 7, đường Lê Lợi - trụ sở Tòa soạn báo Dân.  Sau 1 năm hoạt động, ngày 16/9/1980, Bảo tàng Hồ Chí Minh chính thức được thành lập (trên cơ sở Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh), đánh dấu bước khởi đầu mới cho một thiết chế văn hóa đặc biệt trên đất Cố đô.     

Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế là công trình văn hóa lớn và là một địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục chính trị, truyền thống tại địa phương. Những năm qua, Bảo tàng đã phát huy tốt chức năng nhiệm vụ quản lý, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản các tài liệu, hiện vật và giới thiệu rộng rãi đến công chúng về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những năm tháng tuổi thơ của Bác cùng với gia đình sinh sống tại mảnh đất Cố đô Huế xưa.

Chú thích ảnh
Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải nhấn mạnh, tỉnh Thừa Thiên - Huế tự hào có Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi gìn giữ hàng ngàn tư liệu, hiện vật quý về Bác Hồ, là trường học lớn về lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng; tự hào có hệ thống di tích lưu niệm về thời niên thiếu của Người, với những dấu ấn lịch sử giàu cảm xúc.

Tỉnh đang chỉ đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên - Huế là Di tích quốc gia đặc biệt. Tỉnh xây dựng đề án phát huy giá trị di tích Bác Hồ gắn với phát triển du lịch; cải tạo không gian, cảnh quan Bảo tàng Hồ Chí Minh; đầu tư về vật chất để bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế tiếp tục là địa chỉ tin cậy, tri thức quý giá, góp phần vào công tác tuyên truyền, đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác tại địa phương và trong định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới. 

Chú thích ảnh
Người dân trao tặng hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Bảo tàng.

Hiện nay, trung bình mỗi năm Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế và các di tích gắn với tuổi thơ của Bác trên địa bàn đón khoảng 120.000 lượt khách tham quan, với gần 1.000 đoàn đến dâng hoa, báo công, sinh hoạt ngoại khóa. Ngoài ra, hàng năm Bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, triển lãm lưu động về cơ sở; tổ chức những cuộc triển lãm chuyên đề tại bảo tàng; biên soạn và phát hành các đầu sách về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy giá trị thư viện chuyên đề với trên 4.000 bản sách về Bác; quản lý kho cơ sở trên 18.000 tư liệu, hiện vật...

Dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tin, ảnh: Tường Vi (TTXVN)
Nhiệm vụ lập Quy hoạch tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nhiệm vụ lập Quy hoạch tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN