Hải Dương xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021

Tỉnh đề ra nhiệm vụ trọng tâm gồm lập và hoàn thành quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; hoàn thành lập và triển khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030.
Hải Dương xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 ảnh 1Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Ngày 3/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã triệu tập Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, kế hoạch năm 2021.

Hội nghị cũng nhằm thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2021; tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2020, phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2021; mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025); kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025; thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong phát triển kinh tế-xã hội của Hải Dương năm 2020, đó là 5/16 chỉ tiêu không đạt theo kế hoạch; môi trường đầu tư chưa được cải thiện đáng kể; các hoạt động liên quan đến cấp chứng nhận đầu tư, giao đất còn kéo dài, ảnh hưởng đến cơ hội và tiến độ, hiệu quả đầu tư.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm, có dự án phải điều chuyển nguồn vốn. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn chưa có biện pháp giải quyết đồng bộ và hiệu quả; giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa có chuyển biến mạnh về cải cách hành chính.

Sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính chưa đồng bộ; vẫn còn có thủ tục hành chính kéo dài thời gian giải quyết, chưa đúng quy định. Việc giải quyết đơn thư ở một số địa phương chậm dẫn đến tình trạng gửi đơn vượt cấp vẫn diễn ra.

[Hải Dương tập trung đưa nhanh nghị quyết Đại hội Đảng bộ vào cuộc sống]

Để đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đề nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải hiểu rõ Nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra để có thể triển khai một cách tốt nhất, phù hợp nhất với tình hình thực tiễn ở từng địa phương, đơn vị với phương châm hành động: “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” và phải thực hiện 5 rõ: “Rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả và rõ trách nhiệm.”

Hải Dương xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 ảnh 2Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Hải Dương cũng đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới gồm: Lập và hoàn thành quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; hoàn thành lập và triển khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030.

Tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án của các nhà đầu tư lớn như FLC, T&T, Sun Group, TH…; khẩn trương hỗ trợ Nhà máy Nhiệt điện BOT Kinh Môn đi vào hoạt động, các doanh nghiệp có đóng góp lớn cho tỉnh bị hụt thu năm 2020; đẩy mạnh thủ tục pháp lý để sớm đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt; rà soát thủ tục đầu tư của các dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật nhưng đảm bảo rút ngắn thời gian, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Hải Dương cũng tập trung giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã được phê duyệt, các dự án trọng điểm, dự án lớn và dự án hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh; tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Thời gian tới, tỉnh ưu tiên các nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ cho xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh; triển khai các chương trình, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Bên cạnh phát triển kinh tế, Hải Dương cũng tăng cường thực hiện các giải pháp đổi mới giáo dục, xóa phòng học tạm các cấp; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non và nâng cao chất lượng giáo dục giáo viên mầm non. Tỉnh cũng quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt chế độ chính sách với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội…

Để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ, Hải Dương nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các sở, ngành, địa phương.

Đối với đầu tư công, thời gian tới, Hải Dương tiếp tục mở rộng các hình thức đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng; huy động và sử dụng tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tỉnh đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội thiết yếu và đồng bộ, hiện đại. Tỉnh tăng cường rà soát để đảm bảo các chương trình dự án bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2021 và 5 năm 2021-2025 phải có đầy đủ các thủ tục theo như Luật Đầu tư công.

Việc phân bổ vốn cho từng dự án cụ thể phải thực hiện thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về đầu tư công và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ.

Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án như: nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm và nhóm C không quá 3 năm. Các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ trong việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 và thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công hàng năm; nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để thực hiện dự án đảm bảo chất lượng công trình và theo đúng tiến độ quy định…

Năm 2021, Hải Dương đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu như Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng từ 8% trở lên; thu ngân sách nội địa tăng 10% trở lên; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 180 triệu đồng; giải quyết việc làm mới cho 35.500 lao động; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều…

Đối với đầu tư công, dự kiến giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn ngân sách địa phương từ ngân sách tỉnh đầu tư cho 229 chương trình, dự án khoảng trên 26.600 tỷ đồng gồm các dự án đã hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng trước 31/12/2020; dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới; trong đó, nhu cầu bố trí cho các dự án thuộc các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII khoảng 200 tỷ đồng.

Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 3,24%, cao hơn bình quân cả nước; thu ngân sách ước đạt trên 16.200 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được duy trì, công tác an sinh xã hội chăm lo người nghèo, gia đình chính sách được quan tâm.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, kiểm soát kịp thời dịch COVID-19; công tác quốc phòng và quân sự địa phương được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục