Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Tin tức trong ngành

Tác nghiệp thời đại dịch COVID giữa lòng châu Âu


(03/12/2020 09:25:27)

Đại dịch COVID-19 xảy ra đã làm thay đổi cuộc sống hằng ngày của mọi người trên thế giới ở các mức độ khác nhau. Vương Quốc Anh là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại châu Âu với tổng số 1,2 triệu ca nhiễm bệnh và 50.000 ca tử vong. Từ ngày 5/11, nước Anh tiếp tục trải qua 4 tuần phong tỏa toàn quốc lần hai, mọi người được khuyến cáo ở trong nhà, làm việc tại nhà nếu có thể. Các nhà hàng, dịch vụ không thiết yếu buộc phải đóng cửa. Các cuộc họp, hội thảo đều tổ chức trực tuyến. Điều này dẫn đến Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại London buộc phải thay đổi phương thức tác nghiệp cho phù hợp với tình hình mới.

Trưởng CQTT TTXVN tại London Diễm Quỳnh (ngoài cùng bên phải) tham dự cuộc họp trực tuyến để đưa tin Diễn đàn chính sách và thị trường do Bộ Công Thương Việt Nam, UK- ASEAN Business Council và Đại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Anh tổ chức, ngày 6/10

Họp trực tuyến và phỏng vấn qua Zoom, Skype

Trước đây, mỗi khi có sự kiện, chúng tôi cùng nhau lên xe, tha vác lỉnh kỉnh đồ nghề, phóng thẳng đến bến tàu điện ngầm, để xe lại bến và đi tàu đến điểm tác nghiệp. Ở đó, trong lúc tham dự hội thảo, bạn sẽ gặp gỡ, chuyện trò với nhiều người, ghi hình, chụp ảnh, phỏng vấn và trao đổi danh thiếp... Trước khi đi, lên dự kiến phát triển tin, bài theo một kiểu, nhưng sau khi gặp gỡ, nói chuyện, lại phát triển tin, bài theo hướng khác và thường là sẽ sinh động, nhiều thông tin hơn bạn nghĩ ban đầu.

Còn giờ đây, bạn không cần ra khỏi nhà, ngồi dán mắt vào màn hình máy tính để tham dự cuộc họp trực tuyến nào đó, thậm chí không cần phải nghĩ hôm nay mình sẽ mặc gì cho hợp với bối cảnh cuộc họp. Mới đầu, cảm giác thật là thích vì tiện quá, nhưng sau vài ba lần, bạn sẽ thấy sự tẻ nhạt của kiểu làm tin này.

Khó khăn với phương thức mới

CQTT London may mắn có sự bổ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong cơ quan. Mỗi người có thế mạnh riêng, kết hợp cùng nhau để làm ra sản phẩm hoàn chỉnh nhất. Đầu tiên là chuẩn bị set-up máy trước giờ tham dự các cuộc họp trực tuyến. Việc nghe phát biểu qua đường truyền cũng khó hơn là nghe trực tiếp tại hội nghị. Người phát biểu hầu như không có bài viết sẵn mà nói vo, đòi hỏi phóng viên phải có kỹ năng nghe hiểu tốt, biết ghi chép tốc ký.

Đối với các cuộc phỏng vấn cá nhân qua Skype hay Zoom, phóng viên phải hướng dẫn để người trả lời phỏng vấn cài đặt Zoom, ghép hình phông màn phía sau. Điều này có thể mất vài tiếng để làm được theo yêu cầu.

Việc phỏng vấn qua Skype hay Zoom khác với phỏng vấn trực tiếp là người phỏng vấn và người trả lời cảm giác như đang ngồi nói chuyện với nhau nên thường hay nói dài và mở rộng câu chuyện hơn. Đôi lúc đường truyền âm thanh không rõ, lạo xạo khiến việc chuyển ngữ mất thời gian hơn. Còn khi gặp phỏng vấn trực tiếp, cả hai sẽ có tâm trạng hứng khởi hơn, câu chuyện sẽ vào chủ đề một cách tự nhiên hơn rất nhiều so với việc phỏng vấn qua các ứng dụng phần mềm.

Nguy cơ lây nhiễm rình rập

Tại nước Anh, khi bạn nghi mình bị mắc COVID-19 hoặc bị nhiễm nhưng ở thể nhẹ, bạn được khuyến cáo tự cách ly tại nhà 14 ngày. Do vậy, rất nhiều trường hợp bị mắc nhẹ vẫn đi làm, đi học và gặp gỡ mọi người như bình thường. Đây chính là một trong những lý do khiến tỷ lệ lây nhiễm ở Anh cao và số ca tử vong đứng vào hàng cao nhất châu Âu.

Ngoài hai thời kỳ áp dụng lệnh phong tỏa hồi cuối tháng 3 và hiện nay, một số hoạt động vẫn cho phép bạn đến tận nơi làm tin. Mặc dù chính phủ khuyến cáo mọi người hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng như hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt... và tránh đi vào giờ cao điểm, nhưng tác nghiệp tại trung tâm London thì phương tiện đi lại nhanh chóng và hiệu quả nhất vẫn là hệ thống xe điện ngầm. Điều này đồng nghĩa nguy cơ lây nhiễm của bạn sẽ cao hơn.

Chính phủ khuyến cáo mọi người phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng trừ trẻ em và những người được miễn, nhưng thực tế rất nhiều người đeo khẩu trang vẫn để hở mũi nên sẽ không có tác dụng ngăn ngừa lây bệnh.

Việc giữ khoảng cách 2m trên các phương tiện công cộng không phải lúc nào cũng được thực hiện nghiêm túc. Rất nhiều lần chúng tôi đi trên xe buýt mà mọi người đứng hoặc ngồi sát nhau. Khi tập trung tác nghiệp, bạn không có thời gian để nghĩ đến các quy định giãn cách xã hội và đôi lúc “phải làm lơ” đi để có được những cảnh quay cần thiết, hoặc đi được đến nơi cần đến.

Có lần, chúng tôi đi tác nghiệp, ngồi xe chung cả đoàn, phỏng vấn, chuyện trò mấy ngày với nhau, vài ngày sau mới phát hiện trong nhóm có người mắc COVID-19 phải nhập viện. Sau đó, một số người trong chúng tôi có triệu chứng sốt nhẹ, ho, tức ngực, viêm họng. Chúng tôi gọi điện cho bác sỹ phụ trách khu vực mình sống để xin được xét nghiệm, thì nhận được câu trả lời là nằm nghỉ ở nhà hai tuần tự cách ly và theo dõi đến khi nào thấy khó thở hoặc bệnh nền nặng thì mới được đặt lịch xét nghiệm. Suốt hai tuần đó, chúng tôi lẳng lặng uống mật ong với nước ấm mỗi buổi sáng, uống rất nhiều nước chanh và nằm nghỉ, lo lắng nhưng cũng không dám nói với người thân. Sau này, chúng tôi vẫn tự hỏi, có khi nào mình đã nhiễm và tự khỏi bệnh chăng.
 
Phóng viên Đình Thư, CQTT TTXVN tại London, tác nghiệp trên đường phố London giữa tâm dịch COVID-19

Kỳ thị người châu Á

Những hành động quá khích, thậm chí hành hung người châu Á đã xảy ra ngay tại London. Sự kỳ thị, né tránh thể hiện rõ trên các phương tiện giao thông công cộng như tránh không ngồi gần hoặc dùng những từ lóng miệt thị người châu Á. Một số người bạn Anh đã giải thích rằng họ cho nguồn gốc của bệnh là do người Trung Quốc nhưng không thể phân biệt được người Trung Quốc với người châu Á nói chung.

Cảm giác chung nhất mà chúng tôi vẫn chia sẻ với nhau trong thời kỳ này là sự cô đơn, đôi lúc như trầm cảm vì cuộc sống gò bó, tù túng kéo dài triền miên khiến nhiều người rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Đó cũng là lý do tại sao có những cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa của một số người dân nước sở tại.

Tác nghiệp thời đại dịch COVID thật buồn tẻ vì các hoạt động báo chí không có nhiều và chủ yếu đều qua trực tuyến. Nguyên liệu để bạn chế biến các sản phẩm của mình cũng đơn điệu, khó thu thập hơn và đặc biệt vì ngồi một chỗ nên nguồn cảm hứng cũng ngưng lại.

Cuộc sống gia đình cũng có nhiều tâm tư khi thấy mình có triệu chứng giống như nhiễm bệnh mà không được đi kiểm tra, xét nghiệm. Việc học hành của các con bị gián đoạn. Tại các trường phổ thông, việc dạy học online không hề hiệu quả vì nhiều thầy cô chưa quen với phương thức mới. Ngôn ngữ của các con chưa tốt như người bản xứ nên việc nghe giảng online và hạn chế giao tiếp cũng là một thiệt thòi.

Trong các cuộc chuyện trò giữa các phóng viên thường trú nước ngoài với nhau, chúng tôi đều chung một mong mỏi, sớm có vaccine để cuộc sống trở lại bình thường. Việc được bận rộn với các sự kiện triền miên thực sự là niềm vui, là mong đợi của chúng tôi mỗi ngày, bởi nếu không, khi kết thúc thời gian công tác tại địa bàn, nhìn lại sẽ thấy tiếc vô cùng!./.

Diễm Quỳnh - Trưởng CQTT tại London, Vương quốc Anh
Nội san Thông tấn số 11/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Dòng tin từ rốn lũ (03/12/2020 09:21:30)

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Đi hội nghị “ảo” làm tin thật (03/12/2020 09:19:53)

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Nỗ lực trong từng bản tin hình (03/12/2020 09:18:51)

Tình người qua những câu chuyện (03/12/2020 09:16:50)

Những lá thư của liệt sỹ Phạm Văn Bình (03/12/2020 09:14:40)

Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (03/12/2020 08:48:54)

Nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn (03/12/2020 08:47:37)

Tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử liên thông (03/12/2020 08:47:00)

Khám sức khỏe định kỳ cho công chức, viên chức và người lao động (03/12/2020 08:45:32)

Giành 4 giải báo chí "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc" (03/12/2020 08:44:46)