Yêu cầu xử lý các điểm nóng ô nhiễm, giảm tỷ lệ rác chôn lấp xuống 30%

Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải chôn lấp xuống dưới 20%; các địa phương khác là dưới 30%...
Yêu cầu xử lý các điểm nóng ô nhiễm, giảm tỷ lệ rác chôn lấp xuống 30% ảnh 1Bãi rác tự phát trên đường vành đai phía Nam, đoạn qua địa phận xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình. (Ảnh Thế Duyệt/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn.

Theo nội dung Chỉ thị trên, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra vẫn tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của đất nước. Tại một số địa phương, việc tập kết, trung chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng các yêu cầu đã dẫn đến việc xuất hiện các điểm “nóng” về môi trường, gây ra nguy cơ mất an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý chất thải rắn hiện nay, cũng như chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất thải rắn, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp cách bách.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản có nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn; căn cứ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải và các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải.

[Bộ TN-MT sẽ đôn đốc xử lý nghiêm các vi phạm tại bãi rác Nam Sơn]

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia trong quý I/2022, trong đó có nội dung về định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng, cấp quốc gia.

Đối với Bộ Xây dựng, Chỉ thị yêu cầu chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế hệ thống thu gom chất thải rắn phù hợp với việc phân loại rác thải tại nguồn của khu trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ, chung cư kết hợp văn phòng… quy hoạch, bố trí điểm tập kết, trung chuyển rác thải trong các đô thị và điểm dân cư tập trung nông thôn đảm bảo vệ sinh môi trường.

Yêu cầu xử lý các điểm nóng ô nhiễm, giảm tỷ lệ rác chôn lấp xuống 30% ảnh 2Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: HV)

Bộ Tài chính ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường hỗ trợ cho các hoạt động phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong kế hoạch ngân sách hàng năm; tập trung bố trí kinh phí hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại các bãi rác đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích.

Về phía các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải có công nghệ hiện đại; có lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại…

Theo lộ trình, các thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, khẩn trương đầu tư hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác thải theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20%.

Các tỉnh khác phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%. Đối với các khu vực nông thôn cần tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost (phân bón hữu cơ) hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục