Pfizer bắt đầu tiến trình đăng ký vắcxin COVID-19 tại Brazil

Từ tháng 7 vừa qua, vắcxin BNT162b2, do Pfizer phối hợp với công ty dược phẩm BioNTech (Đức) nghiên cứu và phát triển, đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với 43.661 người ở 150 địa điểm.
Pfizer bắt đầu tiến trình đăng ký vắcxin COVID-19 tại Brazil ảnh 1Vắcxin do hãng dược Pfizer nghiên cứu và sản xuất (Nguồn:TTXVN)

Công ty dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho biết đã trao cho cơ quan giám sát dịch tễ quốc gia của Brazil (Anvisa) các kết quả thử nghiệm vắcxin ngừa bệnh COVID-19. Đây là thủ tục cần thiết để vắcxin được phê chuẩn và đăng ký.

Từ tháng 7 vừa qua, vắcxin BNT162b2, do Pfizer phối hợp với công ty dược phẩm BioNTech (Đức) nghiên cứu và phát triển, đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với 43.661 người ở 150 địa điểm khác nhau trên thế giới. Tại Brazil đã có 2.900 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắcxin này.

Trưởng Đại diện Pfizer tại Brazil, ông Marjori Dulcine cho biết hãng sẵn sàng cung cấp những dữ liệu cần thiết để đánh giá và sẽ phối hợp với ANVISA để quá trình đó diễn ra thuận lợi và có kết quả nhanh nhất có thể.

Hiện BNT162b2 cũng đang trong quá trình đánh giá hiệu quả tại Liên minh châu Âu (EU), Australia, Canada, Nhật Bản và Anh.

[Tình nguyện thử nghiệm vắcxin COVID-19: Hành động vì mục tiêu cao cả]

Bên cạnh việc mua vắcxin của Pfizer, Bộ Y tế Brazil cho biết đã thỏa thuận mua 100 triệu liều vắcxin do công ty dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp phát triển. Bang Sao Paulo đông dân nhất Brazil cũng đã ký thỏa thuận với hãng dược phẩm SinoVac (Trung Quốc) để mua 6 triệu liều vắcxin và nhập nguyên liệu để sản xuất 40 triệu liều tại địa phương.

Brazil hiện là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ. Nước này cũng ghi nhận hơn 6 triệu bệnh nhân. 

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, ngày 25/11, Chính phủ Panama thông báo đã ký thỏa thuận với Pfizer và BioNTech để mua 3 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19. Thông cáo của Văn phòng Tổng thống cho biết nước này có kế hoạch từ năm tới sẽ bắt đầu phân phối vắcxin trên cơ sở kết quả xét nghiệm lâm sàng và được cơ quan quản lý địa phương cấp phép.

Tuần trước, Panama cũng đã thông qua việc giải ngân 4,3 triệu USD để mua 1,09 triệu liều vắcxin do hãng AstraZenaca và Đại học Oxford của Anh bào chế. Ngoài việc ký thỏa thuận riêng rẽ với các hãng dược nước ngoài để mua vắcxin, Chính phủ Panama cũng thông báo gia nhập cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để đảm bảo việc tiếp cận gần 1,3 triệu liều.

Với dân số 4,2 triệu người, Panama là một trong những nước tại Trung Mỹ chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Theo thống kê cập nhật, nước này đã ghi nhận 156.930 ca nhiễm bệnh và gần 3.000 người tử vong.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Bộ trưởng Y tế Iran, Saeed Namaki, cho biết nước nước này đang chuẩn bị nhận khoảng 42 triệu liều vắcxin thông qua một số kênh khác nhau.

Theo Bộ trưởng Namaki, Iran sẽ tiếp nhận vắcxin thông qua nhập khẩu 16,8 triệu liều từ COVAX, phối hợp để nhận 5,5 triệu liều khác theo thỏa thuận sản xuất chung với các công ty dược phẩm và có khoảng 20 triệu liều từ nhà sản xuất quốc tế khác. Như vậy, Iran đang chuẩn bị khoảng 42 triệu liều vắcxin cho khoảng 20-21 triệu người dân.

Ngoài ra, Bộ trưởng Namaki cho biết từ tuần tới, sẽ có thêm một số công ty của Iran tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắcxin. Kết quả dự kiến sẽ có trong những tháng tiếp theo.

Iran hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất tại Trung Đông với hơn 894.000 bệnh nhân, trong đó có hơn 46.000 người đã tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục