Indonesia đóng góp 1 triệu USD cho liên minh vắcxin CEPI

Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết các tin tức mới nhất về tiến độ phát triển vắcxin ngừa COVID-19 là đáng khích lệ và Indonesia đã góp phần thúc đẩy “chủ nghĩa đa phương về vắcxin."
Indonesia đóng góp 1 triệu USD cho liên minh vắcxin CEPI ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Thejakartapost.com)

Indonesia vừa ký thỏa thuận đóng góp 1 triệu USD cho Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) - sáng kiến phát triển vắcxin lớn nhất toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua phát triển vắcxin ngừa COVID-19.

Thỏa thuận trên được Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Indonesia Cecep Herawan và Giám đốc điều hành CEPI, ông Richard Hatchett ký kết trực tuyến hôm 24/11, đánh dấu tư cách thành viên chính thức của quốc gia đông dân thứ 4 thế giới trong liên minh vắcxin này.

Phát biểu tại buổi lễ, Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết các tin tức mới nhất về tiến độ phát triển vắcxin ngừa COVID-19 là đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và Indonesia đã góp phần thúc đẩy “chủ nghĩa đa phương về vắcxin."

Bà Retno đánh giá rằng hợp tác với CEPI rất quan trọng vì nó sẽ cho phép Indonesia đóng góp cụ thể vào nỗ lực tiêm chủng cho tất cả mọi người.

Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh: “Ngay từ đầu đại dịch, chúng tôi đã nói rõ lập trường của mình. Tất cả các quốc gia đều xứng đáng được tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19 một cách công bằng, bình đẳng và với giá cả phải chăng. Nếu không, các nước đang phát triển và kém phát triển nhất có nguy cơ bị bỏ lại phía sau."

CEPI được thành lập vào năm 2015 và đã nhận được sự ủng hộ của Quỹ Bill và Melinda Gates, Quỹ Wellcome Trust và một số quốc gia trong đó có Na Uy, Nhật Bản, Anh cũng như Liên minh châu Âu.

Trong quan hệ đối tác với Indonesia, CEPI đã chọn công ty dược phẩm quốc doanh Bio Farma tham gia sản xuất vắcxin COVID-19 sau khi có kết quả thẩm định tích cực. Theo bà Retno, điều này cho thấy ngành công nghiệp dược phẩm của Indonesia có tiềm năng to lớn.

Theo cơ chế CEPI, các công ty dược phẩm Indonesia có thể trở thành những "người chơi" quan trọng trong mạng lưới vắcxin toàn cầu.

[Indonesia đàm phán hợp tác sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 với Pfizer]

Về phần mình, Giám đốc Hatchett nhấn mạnh rằng với kinh nghiệm lâu năm của Indonesia trong việc phát triển và sản xuất vắcxin, đặc biệt là thông qua Bio Farma - một trong những nhà sản xuất và cung cấp vắcxin lớn nhất thế giới - hợp tác giữa CEPI và Indonesia sẽ góp phần tăng cường an ninh y tế quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Ông Hatchett cho biết đến nay, CEPI đã đầu tư vào danh mục 9 loại vắcxin tiềm năng nhất thế giới và nhiều phương pháp tiếp cận, từ truyền thống đến sáng tạo.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng đây không phải là các loại vắcxin chữa bệnh mà là phòng ngừa, đồng thời cho rằng thách thức trước mắt trong việc sản xuất và phân phối trên quy mô lớn một số loại vắcxin vừa công bố kết quả thử nghiệm tích cực “sẽ đòi hỏi các nỗ lực toàn cầu chưa từng có trong lịch sử ngành y tế cộng đồng”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục