Tự chủ kinh tế có làm giảm ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực?

Chuyên gia cho rằng việc tập trung hơn vào thị trường nội địa, tăng cường tự chủ kinh tế sẽ làm giảm vai trò của Ấn Độ trong khu vực.
Tự chủ kinh tế có làm giảm ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực? ảnh 1Đường phố thủ đô New Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang The Interpreter của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Australia) đăng bài viết của Tiến sỹ David Brewster, Đại học Quốc gia Australia, cho rằng việc Ấn Độ đang tập trung hơn vào thị trường nội địa sẽ làm giảm vai trò của nước này trong khu vực. Sau đây là nội dung bài viết:

Trong tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã đưa ra tuyên bố rõ ràng nhất về ý định của Ấn Độ trong việc quay trở lại con đường tăng cường tự chủ kinh tế vì những lý do chiến lược.

Điều này đánh dấu sự thay đổi 180 độ sau gần 30 năm tự do hóa thương mại, gây ảnh hưởng sâu sắc đến vai trò của Ấn Độ trong khu vực.

Năm 1992, Ấn Độ chìm sâu trong suy thoái kinh tế sau nhiều thập kỷ thất bại của các chính sách Nehru về thúc đẩy phát triển trong nước và không khuyến khích thương mại và đầu tư nước ngoài. Ấn Độ lúc đó nổi tiếng với "tỷ lệ tăng trưởng Hindu," một tỷ lệ tăng trưởng hầu như không cao hơn mức tăng dân số.

[Kinh tế Ấn Độ hướng đến kịch bản nghiêm trọng hơn do dịch COVID-19]

Để thay đổi tình hình này, Chính phủ Ấn Độ khi đó, với ông Manmohan Singh là Bộ trưởng Tài chính, đã mạnh dạn dỡ bỏ các rào cản đối với cạnh tranh trong nước, cắt giảm thuế quan và các hạn chế đầu tư.

Tất nhiên, Ấn Độ không bao giờ thực hiện thương mại tự do một cách vô điều kiện.

Khoảng 60% dân số nước này sinh sống dựa vào các hoạt động nông nghiệp, phần lớn còn kém hiệu quả, cũng như nhiều lĩnh vực sản xuất khác.

Đây chính là lý do tại sao Ấn Độ tránh các thỏa thuận thương mại tự do khu vực và chỉ có một số ít hiệp định thương mại tự do song phương.

Các cải cách kinh tế ở Ấn Độ, mặc dù không đạt đến độ "mở" như ở Trung Quốc vào năm 1978 dưới thời của Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, nhưng cũng đã đem lại gần ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế bền vững, dự kiến khoảng 7% hàng năm vào năm 2019.

Đã có một số dấu hiệu cho thấy quỹ đạo cải cách này sắp kết thúc. Ông Narendra Modi, được bầu làm Thủ tướng Ấn Độ vào năm 2014, được biết đến là người “ủng hộ kinh doanh.”

Nhưng giả định cho rằng điều này sẽ thúc đẩy tự do kinh tế là không đúng. Hệ tư tưởng dân tộc theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của đảng BJP cầm quyền nhấn mạnh đến các giá trị truyền thống và sự tự cường của người Hindu, hơn là toàn cầu hóa theo kiểu phương Tây.

Bất chấp tư tưởng này, ông Modi đã cố gắng làm hài lòng các nhóm lợi ích khác nhau, và đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải cách hệ thống thuế và nới lỏng các hạn chế đầu tư nước ngoài.

Nhưng tự do hóa thương mại luôn là vấn đề quá hóc búa. Việc Ấn Độ rút khỏi cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm 2019 cho thấy rằng các khu vực bầu cử trong nước đã chiến thắng thương mại tự do.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã chấm dứt các bước tiếp theo hướng tới tự do hóa thương mại.

Vào tháng Năm năm nay, ông Modi đã ca ngợi chính sách Atmanirbhar Bharat (một Ấn Độ tự chủ) như là câu trả lời cho những khó khăn của Ấn Độ.

Những lo ngại toàn cầu về khả năng chống chịu và sự phụ thuộc vào Trung Quốc của các chuỗi cung ứng đã được chào đón ở Ấn Độ, từ đó thúc đẩy giấc mơ rằng các công ty quốc tế sẽ chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Nhưng khó khăn lớn nhất mà các công ty nước ngoài sẽ phải giải quyết khi chuyển sang Ấn Độ là một hệ thống quan liêu và luật pháp không thân thiện về quản lý lao động và đất đai.

Các con số sau cho thấy sự khác nhau giữa môi trường đầu tư và kinh doanh ở hai nước: Ấn Độ xếp hạng 63 trong Bảng xếp hạng mức độ dễ kinh doanh năm 2020 (tăng từ hạng 77 của năm 2018), trong khi Trung Quốc đứng ở vị trí 31 (tăng từ 46 của năm 2018).

Điều đáng chú ý là Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar xác định rằng mối quan hệ kinh tế của nước này với thế giới về cơ bản là một vấn đề chiến lược.

Trong bài phát biểu, ông Jaishankar lập luận rằng câu hỏi vào năm 1992 không bao giờ là về mở hay đóng cửa nền kinh tế, mà là về một sự tham gia tối ưu với thế giới.

Theo ông Jaishankar, thành công “không chỉ nên xác định dựa trên tốc độ tăng trưởng GDP,” mà còn dựa trên tính bền vững, việc làm và sự phát triển toàn diện của xã hội.

Ông Jaishankar lập luận Ấn Độ “đã thất bại trong việc phát huy các thế mạnh sâu xa của một nền kinh tế công nghiệp lớn” và tạo ra những thách thức về việc làm, “do trở nên phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu.”

Ấn Độ đã cho phép các sản phẩm được trợ cấp và lợi thế sản xuất không công bằng từ nước ngoài chiếm ưu thế, “được biện minh bởi câu thần chú về một nền kinh tế mở và toàn cầu hóa.”

Theo ông Jaishankar, lựa chọn của Ấn Độ hoặc là tăng cường toàn cầu hóa “hoặc can đảm tự mình suy nghĩ về cách giải quyết vấn đề.”

Đó không chỉ là về kinh tế, do “những lựa chọn ngày nay có ý nghĩa chiến lược sâu sắc hơn nhiều” và lựa chọn của ngày hôm nay sẽ quyết định liệu Ấn Độ có trở thành cường quốc công nghiệp hạng nhất hay không.

Ông Jaishankar nói rằng các thỏa thuận thương mại trong quá khứ làm “phi công nghiệp hóa một số lĩnh vực,” trong khi các thỏa thuận tương lai “sẽ trói buộc Ấn Độ vào các cam kết toàn cầu, nhiều trong số đó không có lợi cho chúng ta.”

Những lời phê phán của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đối với chủ nghĩa chính thống đã thịnh hành trong 30 năm qua còn nặng nề hơn: “Những người tranh luận nhấn mạnh tính cởi mở và hiệu quả nhưng không đưa ra được bức tranh toàn cảnh. Bức tranh đó chính là một thế giới của hàng rào phi thuế quan của các khoản trợ cấp và chủ nghĩa tư bản nhà nước.”

Ông Jaishankar khẳng định rằng chính sách Atmanirbhar Bharat sẽ giúp xây dựng năng lực và sức mạnh quốc gia.

Ông Jaishankar nói: “Đó hoàn toàn không phải là quay lưng lại với thế giới; trên thực tế, đó là cách tham gia vào cuộc chơi toàn cầu với những lá bài để chơi, mà không chỉ để cung cấp thị trường cho những người khác. Đây thực sự là một chính sách nghiêm túc để xây dựng sức mạnh quốc gia toàn diện. Thành công trong việc thực hiện chính sách này sẽ xác định các điều khoản cam kết trong tương lai và vị thế của chúng ta với thế giới.”

Chiến lược này, nếu được thực hiện đầy đủ, sẽ có những tác động sâu sắc đối với vai trò của Ấn Độ trong khu vực. Chưa nói đến khả năng thành công của chính sách này, một Ấn Độ tập trung vào thị trường nội địa có thể sẽ là một quốc gia nghèo hơn và một quốc gia có ít ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và an ninh ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương, ít nhất là trong ngắn hạn đến trung hạn.

Chính sách cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ Australia-Ấn Độ, trong đó mối quan hệ kinh tế lâu nay được coi là mắt xích yếu nhất. Hy vọng của Australia về một RCEP trong đó có Ấn Độ, mang lại lợi ích về bản chất giống như những lợi ích mà các thỏa thuận thương mại của nước này với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đem lại, có thể vẫn là một giấc mơ viển vông. Sự hoài nghi của ông Jaishankar về các thỏa thuận thương mại giải thích cho sự trì hoãn kéo dài trong các cuộc đàm phán thương mại với Australia.

Báo cáo Chiến lược Kinh tế với Ấn Độ của Australia, vốn đã bị trì hoãn gần một năm, cần phải tính đến chính sách Atmanirbhar Bharat. Hợp tác về công nghệ và tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực như đất hiếm và dược phẩm là những mục tiêu quan trọng, nhưng sẽ không thể thay thế cho một mối quan hệ thương mại sâu rộng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục