Các nước chuẩn bị các chương trình chủng ngừa COVID-19

Australia hy vọng có thể chủng ngừa COVID-19 miễn phí trong năm 2021 cho tất cả người dân, trong khi Saudi Arabia thông báo vắcxin sẽ được cung cấp miễn phí cho tất cả người dân nước này.
Các nước chuẩn bị các chương trình chủng ngừa COVID-19 ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên Thông tấn xã Việt nam tại Sydney, ngày 24/11, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt thông báo nước này sẽ này triển khai tiêm vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho các nhân viên y tế vào đầu tháng 3/2021, tiếp sau đó sẽ là nhóm người cao tuổi.

Phát biểu trong chuyến thăm nhà máy sản xuất máy thở ResMed ở Sydney, ông Hunt cho biết Australia hy vọng có thể chủng ngừa COVID-19 miễn phí trong năm 2021 cho tất cả người dân. Ông Hunt cũng cho biết Australia đang trong tiến trình sản xuất một số loại vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên.

Cho đến nay, Australia đã ký kết các thỏa thuận với 4 công ty bào chế vắcxin, trong đó có thỏa thuận sản xuất hơn 33 triệu liều vắcxin của AstraZeneca/Oxford tại bang Victoria. Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế Hunt thông báo thông tin tích cực về tình hình dịch bệnh tại Australia, theo đó ngày 24/11 quốc gia này không còn bệnh nhân COVID-19 nào phải sử dụng máy thở trong bệnh viện.

[Đức xem xét kéo dài lệnh phong tỏa có hạn chế thêm một tháng]

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã nhiều lần khẳng định không bắt buộc người dân nước này phải tiêm vắcxin ngừa COVID-19, nhưng khuyến nghị nên chủng ngừa vắcxin do chính phủ cung cấp miễn phí, được xác nhận là an toàn và hiệu quả trong phòng ngừa COVID-19. Tính từ khi dịch bùng phát đến nay, Chính phủ Australia đã chi hơn 3,2 tỷ AUD (khoảng 2,3 tỷ USD) để hỗ trợ phát triển vắcxin trong nước và đặt mua  từ nước ngoài.

Cùng ngày, hãng hàng không Qantas của Australia thông báo yêu cầu mọi hành khách quốc tế phải có chứng nhận chủng ngừa COVID-19 mới được lên máy bay. Giám đốc điều hành Qantas Alan Joyce cho biết hãng đang chuẩn bị thay đổi các quy định đối với hành khách nước ngoài và việc có áp dụng những thay đổi này với các chuyến bay nội địa hay không sẽ được cân nhắc dựa trên thực tế tình hình dịch bệnh.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Hunt cho biết nhiều khả năng nước này sẽ quy định bắt buộc chủng ngừa vắcxin với các du khách quốc tế khi đến Australia hoặc sẽ phải kiểm dịch và cách ly.

Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng đang kêu gọi xây dựng một hệ thống xét nghiệm COVID-19 với tất cả các du khách quốc tế cho toàn bộ 297 hãng hàng không thành viên. Hệ thống này bao gồm ứng dụng ghi lại thông tin và chia sẻ thông tin về lịch sử tiêm phòng của khách hàng với các hãng hàng không và các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Ứng dụng dự kiến sẽ được thử nghiệm thực tế vào cuối năm 2020, trước khi áp dụng toàn diện vào đầu năm 2021. Theo ông Simon Westaway, người đứng đầu Hội đồng Công nghiệp Du lịch Australia (ATIC), chứng nhận tiêm chủng ngừa COVID-19 và xét nghiệm nhanh  tại các sân bay có thể là biện pháp hiệu quả trong việc đưa hoạt động hàng không trở lại bình thường.

Australia đã đóng cửa biên giới hồi tháng 3 khi làn sóng dịch bệnh đầu tiên tấn công nước này và hiện tại những người đến từ nước ngoài đều phải cách ly trong 2 tuần.

Bộ Y tế Saudi Arabia ngày 23/11 thông báo vắcxin phòng COVID-19 sẽ được cung cấp miễn phí cho tất cả người dân tại vương quốc này. Bài đăng trên mạng xã hội Twitter của kênh truyền hình nhà nước Ekhbariya của Saudi Arabia nêu rõ Bộ Y tế hy vọng có đủ vắcxin để cung cấp cho 70% dân số đất nước trước cuối năm 2021.

Trong khi đó, Bộ Y tế Tây Ban Nha không có kế hoạch bắt buộc người dân chủng ngừa vắcxin COVID-19.  Theo luật của Tây Ban Nha, việc chủng ngừa được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, ngoại trừ một số trường hợp như khi xảy ra đại dịch, chính phủ có thể yêu cầu chủng ngừa bắt buộc. Tuy nhiên, các nguồn tin từ Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 23/11 cho biết bộ này hiện không có kế hoạch tiêm chủng bắt buộc.

Trước đó, ngày 22/11, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết quốc gia này sẽ bắt đầu triển khai chương trình chủng ngừa COVID-19 từ tháng 1/2021, với mục tiêu chùng ngừa cho phần lớn dân số trong vòng 6 tháng. Các nguồn tin từ Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng khẳng định khi mọi dữ liệu về vắcxin trở nên rõ ràng hơn và được Liên minh châu Âu cấp phép, Tây Ban Nha sẽ nhanh chóng triển khai chương trình chủng ngừa thông qua mạng lưới các trung tâm y tế cộng đồng vốn có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục