Phố Wall chứng kiến đợt bán tháo hàng tuần lớn nhất kể từ tháng Ba

Kim Forrest, giám đốc đầu tư tại Bokeh Capital Partners ở Pittsburgh, nhận định đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán được thúc đẩy khi nhà đầu tư thực sự lo ngại về cuộc bầu cử Mỹ vào tuần tới.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuần qua, chứng khoán Phố Wall đã chứng kiến đợt bán tháo hàng tuần lớn nhất kể từ tháng Ba, trong bối cảnh đà tăng kỷ lục các ca mắc COVID-19 và sự thiếu chắc chắn liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống “đè nặng” lên tâm lý của các nhà đầu tư.

Tính cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 6,5%, chỉ số S&P 500 giảm 5,6% còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 5,5%.

Trong ngày đầu tuần (26/10), chứng khoán Phố Wall đã trải qua một phiên giao dịch “tồi tệ” trước sự gia tăng các ca lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu và triển vọng xấu đi của gói kích thích mới đối với kinh tế Mỹ.

Theo giới phân tích, các nhà đầu tư về cơ bản đã từ bỏ hy vọng về một thỏa thuận và hiện đang đặt cược vào lợi thế của ông Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng và mở đường cho một gói chi tiêu thậm chí còn lớn hơn trong năm tới.

Đến phiên 27/10, phần lớn các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm. Theo các chuyên gia, kết quả khó đoán của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới đã gây sức ép lên tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường Phố Wall, ít nhất là trong tuần này, khi các nhà đầu tư chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và diễn biến của dịch COVID-19 rõ ràng hơn.

Sắc đỏ tiếp tục chi phối Phố Wall trong phiên giao dịch 28/10, giữa những lo ngại gia tăng khi Pháp và Đức công bố các biện pháp hạn chế mới và các ca lây nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng tại Mỹ.

Bên cạnh đó, chuyên gia Chris Low của FHN Financial cho rằng các nhà đầu tư tỏ ra thất vọng về việc Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua gói kích thích kinh tế bổ sung.

Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay sau ngày bầu cử Tổng thống 3/11 tới, các nghị sỹ của đảng Cộng hòa sẽ thông qua một gói cứu trợ mới cho nền kinh tế Mỹ.

Thông báo này của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như là một lời thừa nhận rằng ông đã không thể thúc đẩy Quốc hội Mỹ đạt được một thỏa thuận về gói cứu trợ mới trong tuần cuối cùng trước ngày bầu cử này.

[Cổ phiếu công nghệ dẫn dầu đà tăng trên thị trường Phố Wall]

Sau khi biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 29/10, các chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục xu hướng đi xuống trong phiên cuối tuần (30/10), trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 157,51 điểm (0,59%) xuống 26.501,6 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 40,15 điểm (1,21%) xuống 3.269,96 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 274 điểm (2,45%) xuống 10.911,59 điểm.

Khép lại tháng Mười, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 4,6%, chỉ số S&P 500 giảm 2,8% còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 2,3%.

Kể từ giữa tháng Chín, báo cáo thống kê số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã cho thấy số ca có chiều hướng gia tăng và ngày 29/10 được ghi nhận là ngày có số ca tăng cao kỷ lục với 88.500 ca nhiễm mới.

Trong khi đó, viễn cảnh về các chín sách hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại châu Âu làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi kinh tế.

Ngoài ra, sự gia tăng các ca lây nhiễm COVID-19 trên khắp nước Mỹ và châu Âu cũng gây áp lực lên tâm lý của các nhà đầu tư.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường tại Oanda, nhận định diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, thế bế tắc trong đàm phán về gói kích thích kinh tế tại Mỹ cũng như cuộc bầu cử vào tuần tới đều không phải là những nhân tố tích cực đối với thị trường chứng khoán.

Kim Forrest, giám đốc đầu tư tại Bokeh Capital Partners ở Pittsburgh, nhận định đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán được thúc đẩy, khi nhà đầu tư thực sự lo ngại về cuộc bầu cử vào tuần tới.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành trên khắp toàn cầu mà Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bối cảnh này khiến cho cuộc đua vào Nhà Trắng càng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.

Giáo sư W Joseph Campbell của Đại học Mỹ cho rằng sẽ rất khó để đưa ra dự báo về kết quả cuộc bầu cử bởi bầu cử tổng thống Mỹ luôn là một cuộc đua khó đoán, tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ.

Trên thực tế, các kết quả thăm dò dư luận đôi khi không thực sự chính xác và phản ánh đúng hình hình. Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận về tỷ lệ ủng hộ hiện tại đang nghiêng về ứng cử viên Biden, song mọi sự đảo chiều vẫn có thể xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục