Nga sẵn sàng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ vắcxin ngừa COVID-19

Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng đảm bảo việc bán tài sản trí tuệ và sản xuất Sputnik V, EpiVacCorona tại cơ sở sản xuất của các đối tác nước ngoài.
Nga sẵn sàng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ vắcxin ngừa COVID-19 ảnh 1Vắcxin Sputnik V ngừa COVID-19 được giới thiệu tại Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẵn sàng chuyển nhượng các quyền sở hữu trí tuệ đối với vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 và sản xuất chúng tại các cơ sở của đối tác nước ngoài.

Cho đến nay, Nga đã đăng ký hai loại vắcxin ngừa COVID-19. Vắcxin đầu tiên, Sputnik V, được đăng ký hồi tháng Tám do Viện nghiên cứu mang tên Gamaleya điều chế, và loại thứ hai - EpiVacCorona do Trung tâm Nghiên cứu Vector điều chế vào giữa tháng 10.

Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư vốn VTB lần thứ 12 với tiêu đề “Nước Nga mời gọi," Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng đảm bảo việc bán tài sản trí tuệ và sẵn sàng sản xuất các loại vắcxin này tại cơ sở sản xuất của các đối tác nước ngoài của chúng ta.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định điều này sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động tiêm chủng ở Nga.

Theo Tổng thống Putin, vấn đề chính hiện nay là đảm bảo khối lượng vắcxin sản xuất quy mô công nghiệp theo nhu cầu, do vẫn còn thiếu các thiết bị cần thiết để sản xuất hàng loạt. Ông cũng cho biết Nga sẵn sàng thúc đẩy hợp tác về phát triển vắcxin ngừa COVID-19 trong lĩnh vực khoa học với các đối tác nước ngoài.

[Nga nộp đơn lên WHO xin cấp phép trước đối với vắcxin Sputnik V]

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga thông báo các chuyên gia nước này đang phát triển loại vắcxin thứ ba. Ông một lần nữa nhấn mạnh các cuộc thử nghiệm vắcxin của Nga đã thành công và cả hai loại vắcxin đều đã chứng minh hiệu quả. Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng việc tiêm chủng hàng loạt tại Nga có thể thực hiện vào cuối năm 2020.

Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin cho biết Nga đã tạm dừng tiêm chủng vắcxin cho các tình nguyện viên mới tham gia chương trình thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 do nhu cầu vắcxin tăng cao và hiện đang thiếu vắcxin. Chương trình thử nghiệm vắcxin này sẽ được nối lại vào ngày 10/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục