Những thách thức lớn cho lĩnh vực vận chuyển, lưu trữ vắcxin COVID-19

Khác với vắcxin phòng cúm thông thường, một số loại vắcxin phòng ngừa COVID-19 mà các công ty đang phát triển cần phải được bảo quản, vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ từ âm 60 độ C đến âm 80 độ C.
Những thách thức lớn cho lĩnh vực vận chuyển, lưu trữ vắcxin COVID-19 ảnh 1Nhân viên kiểm tra vaccine phòng COVID-19 tại Anagni,đông nam thủ đô Rome, Italy, ngày 11/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo NHK Nhật Bản, hiện nay một số loại vắcxin phòng ngừa COVID-19 đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và một vấn đề khó khăn đang dần xuất hiện đó là làm thế nào để bảo quản, vận chuyển vắcxin với số lượng lớn. 

Vắcxin ngừa COVID-19 cần quản lý ở nhiệt độ thấp hơn 

Khác với vắcxin phòng cúm thông thường, một số loại vắcxin phòng ngừa COVID-19 mà các công ty đang phát triển cần phải được bảo quản, vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ từ âm 60 độ C đến âm 80 độ C.

Các loại vắcxin này chứa thành phần dễ bị hư tổn do tác động từ bên ngoài và sẽ mất tác dụng nếu không bảo quản ở nhiệt độ thích hợp. Chính vì thế, một số công ty của Mỹ đang bắt đầu xây dựng các cơ sở bảo quản, phân phối với các phòng đông lạnh cỡ lớn.

Trong số các loại vắcxin ngừa COVID-19 đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, có một số loại được bào chế bằng các phương pháp mới, khác với các phương pháp truyền thống từ trước tới nay.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), vắcxin được phát triển bởi tập đoàn dược phẩm Pfizer Mỹ và Biontech Đức phải bảo quản trong điều kiện từ âm 60 độ C đến âm 80 độ C, vắcxin đang được phát triển bởi công ty Moderna Mỹ có thể được bảo quản trong vòng 6 tháng ở nhiệt độ khoảng âm 20 độ C.

Thời gian và nhiệt độ bảo quản vẫn đang được các công ty này tiếp tục phát triển và có thể các chỉ số có thể tiếp tục thay đổi trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, các loại vắcxin đang được phát triển bởi tập đoàn dược Johnson and Johnson của Mỹ bằng phương pháp sử dụng loại virus đã được biến đổi để không gây hại cho con người có thể bảo quản được trong 2 năm ở nhiệt độ âm 20 độ C, 3 tháng ở điều kiện từ 2 đến 8 độ C.

[Anh có thể tung ra vắcxin ngừa COVID-19 vào mùa Giáng sinh 2020]

Loại vắcxin đang được phát triển bởi hãng dược phẩm Astra Zeneca của Anh với Đại học Oxford cũng được cho là cần được bảo quản trong tủ lạnh. 

Ngoài ra, theo số liệu của CDC Mỹ, sau khi vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ thấp đến các cơ sở tiêm chủng, loại vắcxin của công ty Pfizer chỉ có thể bảo quản khoảng 1 ngày trong điều kiện từ 2 đến 8 độ C. Vắcxin của công ty Moderna có thể được bảo quản ở tủ lạnh thông thường trong khoảng 10 ngày.

Theo giới chuyên gia, các loại vắcxin phòng COVID-19 đang phát triển hiện nay đều có thành phần dễ bị hư tổn là "mRNA."

Khi vắcxin không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, tác dụng khi tiêm chủng vắcxin phòng ngừa cũng sẽ không còn. Chính vì thế, việc xây dựng chuỗi cung ứng để cung cấp vắcxin hoàn thiện đến các địa điểm tiêm chủng như bệnh viện mà không làm giảm chất lượng là yêu cầu cấp bách. 

"Cuộc đua" trong lĩnh vực vận chuyển

Công ty lớn trong lĩnh vực vận chuyển của Mỹ là UPS đang bắt đầu xây dựng các cơ sở đông lạnh chiến lược tại miền Nam Kentucky với mục tiêu vận chuyển vắcxin đến các địa phương trên toàn nước Mỹ.

Tại các cơ sở lưu trữ chiến lược này, hàng trăm kho đông lạnh có thể bảo quản vắcxin ở nhiệt độ âm 80 độ C nhằm đảm bảo lưu trữ được 3 triệu liều vắcxin và có thể tăng thêm theo nhu cầu thực tế. 

Những thách thức lớn cho lĩnh vực vận chuyển, lưu trữ vắcxin COVID-19 ảnh 2Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 được giới thiệu tại Moskva, Nga, ngày 6/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Thunder Boyson - Giáo sư nghiên cứu tại Đại học Maryland - người có kinh nghiệm trong việc cung ứng các mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế, cho biết: "Chúng ta cần kiểm soát tốt môi trường bảo quản vắcxin cho dù vận chuyển bằng bằng tàu hỏa, máy bay hay đường biển.

Quy mô phân phối vắcxin ngừa COVID-19 là khổng lồ. Do đó, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nước nhằm tăng cường cơ chế phối hợp có thể tranh thủ nguồn lực, trong đó bí quyết của các công ty tư nhân là không thể thiếu."

Từ tháng 9/2020, tập đoàn vận chuyển FedEx của Mỹ đã bắt đầu sử dụng dịch vụ truy vết hàng hóa thông qua vật cảm biến nhỏ có chiều dài khoảng 5cm, chiều rộng 2cm và nặng 7 gram.

Dịch vụ này có thể phòng ngừa thiệt hại khi mặt hàng y tế giá trị cao như vắcxin phòng COVID-19 bị thất lạc hoặc nhiệt độ thay đổi trong quá trình vận chuyển khiến vắcxin không thể sử dụng. 

Hệ thống này cũng sử dụng chức năng Bluetooth để quản lý. Khi cảm biến này được gắn vào thùng hành lý, hai giây môt lần thiết bị này sẽ sẽ liên lạc với 300.000 thiết bị thông tin như kho hàng của công ty, máy bay, xe tải vận chuyển.

Do có thể nắm bắt chính xác thông tin vị trí hàng hóa với độ sai lệch trong khoảng 1m, công ty vận chuyển có thể linh hoạt ứng phó ngay cả khi có sự thay đổi đột ngột trong quá trình vận chuyển. 

Các cảm biến hiện chuyên dùng để xác định vị trí, song công ty này dự kiến sẽ cải tiến thêm chức năng theo dõi các thông tin như nhiệt độ hành lý, độ ẩm và mức độ sáng trong năm tới. Cơ sở bảo quản chiến lược của công ty UPS tại Kentucky đã được lắp đặt 70 kho đông lạnh cỡ lớn và có thể bảo quản vắcxin ngừa COVID-19 hoàn thiện ở nhiệt độ âm 80 độ C.

Mỗi kho đông lạnh có thể bảo quản được 48.000 liều vắcxin/ngày. Công ty này cũng cho biết có thể tăng thêm số kho đông lạnh tùy theo nhu cầu thực tế bảo quản vắcxin ngừa COVID-19 sau này.

Chính phủ Nhật Bản đã cơ bản đạt được đồng thuận với công ty Pfizer của Mỹ về việc cung cấp vắcxin phòng ngừa COVID-19 sau khi hoàn thiện cho 60 triệu người.

Về vấn đề này, ông Nobuhiko Okabe - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu An toàn và Sức khỏe thành phố Kawasaki, thành viên của Tiểu ban Chính phủ Nhật Bản về phòng chống dịch COVID-19 - cho hay dữ liệu về thời gian bảo quản và nhiệt độ bảo quản trong quá trình lưu trữ, vận chuyển vắcxin vẫn chưa rõ ràng và Tokyo cũng cần thúc đẩy thảo luận về việc kiểm soát đối với vắcxin khi được cung cấp. 

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng khi không đảm bảo điều kiện bảo quản là âm 80 độ C, một số loại vắcxin sẽ trở nên mất ổn định và mất tác dụng. Chính vì thế, để sử dụng hiệu quả vắcxin sau quá trình hoàn thiện, cần phải xác định rõ nhiệt độ bảo quản ở mức nào. 

Việc phát triển vắcxin phòng COVID-19 không chỉ là việc nghiên cứu thử nghiệm tính an toàn và hiệu quả phòng chống dịch COVID-19 mà còn là việc nghiên cứu các điều kiện về nhiệt độ bảo quản, nhiệt độ vận chuyển. 

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng cho rằng việc bảo quản vắcxin ở nhiệt độ thấp là một vấn đề cần được đưa ra thảo luận.

Bộ này cho biết ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản không đủ khả năng bảo quản số lượng lớn vắcxin ở nhiệt độ thấp theo yêu cầu.

Điều kiện bảo quản, quản lý như thế nào là một trong những vấn đề cần thiết phải được đưa ra thảo luận khi xem xét khía cạnh thúc đẩy tiêm chủng trên diện rộng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục