Dạy Tiếng Việt lớp 1: Bộ trao quyền chủ động, giáo viên vẫn thấy khó

Dù được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền chủ động trong kế hoạch dạy học nhưng giáo viên cho rằng khung thời lượng của chương trình đã quá cao nên rất khó để linh hoạt.
Dạy Tiếng Việt lớp 1: Bộ trao quyền chủ động, giáo viên vẫn thấy khó ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn để không gây quá tải, đổi mới phương pháp dạy và học, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên... Đó là những giải pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhằm tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 đạt hiệu quả, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều ý kiến cho rằng chương trình khá nặng.

Giáo viên được quyền chủ động

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo hướng mở. Vì vậy, mỗi giáo viên, nhà trường cần xây dựng kế hoạch riêng phù hợp với đặc thù của học sinh, điều kiện của trường mình. Thời khóa biểu cần đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1. Giáo viên giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.

Các cán bộ quản lý cần tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng và hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay theo quy định mới, việc tự chủ chuyên môn của giáo viên đã có hành lang pháp lý đầy đủ. “Chương trình có chuẩn đầu ra, sách giáo khoa như là một phương án đường hướng cho giáo viên để triển khai việc đó. Giáo viên có nhiệm vụ phân tích chương trình, phân tích sách giáo khoa để thiết kế kế hoạch dạy học môn học của mình để làm sao đạt mục đích chuẩn đầu ra,” ông Tài nói.

Cũng theo Vụ trưởng Thái Văn Tài, kế hoạch dạy học của giáo viên phải được xây dựng trên nhiều yếu tố. Thứ nhất là điều kiện để đảm bảo triển khai công tác chuyên môn ở nhà trường. Thứ hai là đối tượng học sinh của mình, cụ thể với từng em trong lớp để thiết kế lộ trình dạy học phù hợp.

Dạy Tiếng Việt lớp 1: Bộ trao quyền chủ động, giáo viên vẫn thấy khó ảnh 2(Ảnh minh họa: TTXVN)

“Điều này được Bộ công khai rất kịp thời và giáo viên rất phấn khởi khi được tự chủ chuyên môn. Bằng chứng là trong chương trình hiện hành thì với các trường trên cùng địa bàn nhiều điểm tương đồng trong kế hoạch dạy học với nhưng năm nay chúng tôi đi thực tế thì thấy kế hoạch dạy học của các trường hoàn toàn khác nhau, phù hợp với đặc trưng riêng của trường đó, đặc trưng riêng của từng lớp, tùy trên khả năng riêng và sở trường của từng giáo viên,” ông Tài cho hay.

Giáo viên vẫn thấy khó

Trước những chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số giáo viên cho hay họ vẫn thấy rất khó để có thể “giảm tải” cho học sinh.

Là một giáo viên có thâm niên hàng chục năm dạy học lớp 1 trên nhiều đối tượng học sinh, cô Lê Thu Hương cho hay chương trình mới quy định thời lượng dạy học môn Tiếng Việt là 420 tiết/năm học, tương đương 12 tiết/tuần, tăng 70 tiết so với chương trình cũ. Sách giáo khoa cũng được viết theo kết cấu thời lượng này. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép giáo viên chủ động, linh hoạt chương trình nhưng với thời lượng chương trình thiết kế đã quá cao, giống như mặc một chiếc áo chật nên giáo viên rất khó để linh hoạt.

[Bộ Giáo dục sẽ điều chỉnh quy trình ban hành sách giáo khoa mới]

“Chỉ dạy đủ 12 tiết/tuần theo đúng yêu cầu của chương trình mới đã là rất mệt với học sinh. Nếu giáo viên rút ngắn thời gian dạy học thì sẽ tăng về lượng kiến thức, nếu kéo giãn thời gian dạy học, bài 1 tiết dạy lên 1,2 hay 1,5 tiết thì không kịp vì không thể kéo dài khung thời gian năm học từ một năm lên 1,5 năm. Nếu lấy thời lượng của môn khác để dạy Tiếng Việt thì sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học của môn đó,” cô Hương chia sẻ.

Lý giải về việc tăng thời lượng chương trình môn Tiếng Việt lớp 1, ông Thái Văn Tài cho hay việc này nhằm giúp học sinh sớm phát triển các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe tiếng Việt, từ đó có công cụ để học tốt các môn học khác.

Dạy Tiếng Việt lớp 1: Bộ trao quyền chủ động, giáo viên vẫn thấy khó ảnh 3Số tiết môn Tiếng Việt ở bậc tiểu học trong chương trình cũ và mới.

Cũng theo ông Tài, nhìn từ góc độ thời lượng môn Tiếng Việt của toàn bậc tiểu học, tổng số tiết học của môn học này ở chương trình mới tương đương chương trình cũ, đều là 1.505 tiết. Tuy nhiên, số tiết Tiếng Việt trong chương trình mới tăng ở lớp 1 và lớp 2 (tăng 70 tiết với lớp 1, tương đương 2 tiết/tuần; tăng 35 tiết với lớp 2, tương đương 1 tiết/tuần) và giảm ở các lớp 3, 4 và 5 (mỗi lớp giảm 35 tiết).

Lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học cũng nhấn mạnh khi xây dựng chương trình môn Tiếng Việt theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặc biệt chú ý để thực hiện việc giảm tải so với chương trình cũ để tăng tính trải nghiệm, thực hành. Vì vậy, các nội dung và giải pháp thuể hiện trong chương trình đều đã được tổ chức thực nghiệm, lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các tầng lớp nhân dân. Cũng theo ông Tài, việc nội dung được giảm nhẹ trong khi thời lượng dạy học tăng thêm hai tiết mỗi tuần là giảm tải, giúp học sinh và giáo viên có thêm thời gian, việc dạy và học đỡ vất vả hơn.

Tuy nhiên, ông Tài cũng cho hay trong chương trình giáo dục phổ thông mới có quy định về việc trong quá trình triển khai sẽ có thể điều chỉnh nội dung để phù hợp với tình hình thực tế. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp và nếu có điều chỉnh sẽ phải trên cơ sở các căn cứ nghiên cứu khoa học./.

Vụ trưởng Thái Văn Tài chia sẻ về vấn đề tự chủ chuyên môn của giáo viên.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục