Nhiều nước có tổng số ca mắc COVID-19 vượt ngưỡng 1 triệu người

Mỹ là nước chịu tác động mạnh nhất với hơn 9,117 triệu ca mắc bệnh. Trong khi đó, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Argentina, Colombia đều thuộc nhóm các nước có tổng số ca mắc vượt ngưỡng 1 triệu.
Nhiều nước có tổng số ca mắc COVID-19 vượt ngưỡng 1 triệu người ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 29/10 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 44,7 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong.

Hơn 32,7 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 10,8 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 9,117 triệu ca mắc bệnh và 233.123 ca tử vong. Hiện mỗi ngày quốc gia này vẫn ghi nhận khoảng hơn 70.000 ca mắc mới.

Ấn Độ, quốc gia chịu tác động mạnh thứ hai thế giới, vừa ghi nhận tổng số ca mắc vượt ngưỡng 8 triệu sau khi có thêm gần 50.000 ca mắc mới trong một ngày. Đã có 120.563 bệnh nhân COVID-19 tại nước này tử vong. Tiếp theo là Brazil với hơn 5,46 triệu ca mắc, trong đó có 158.468 ca tử vong.

Ngoài ra, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Argentina và Colombia đều thuộc nhóm các quốc gia có tổng số ca mắc bệnh đã vượt ngưỡng 1 triệu.

Châu Âu: Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang diễn biến đặc biệt phức tạp với số ca mắc mới mỗi ngày tăng nhanh chóng. Điều này khiến chính phủ nhiều nước buộc phải tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm khống chế dịch bệnh dù có thể ảnh hưởng không nhỏ tới triển vọng kinh tế.

Tại Pháp, dù đã nỗ lực ưu tiên áp dụng các biện pháp phòng ngừa ở cấp địa phương nhưng đến ngày 28/10, Tổng thống Emmanuel Macron đã buộc phải công bố quyết định tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 30/10 đến 1/12.

Người dân có thể đi làm, đi khám bệnh, giúp đỡ người thân, đi chợ và tập thể dục gần nhà, với giấy chứng nhận tự khai như đợt phong tỏa vào mùa Xuân.

Tuy nhiên, các cơ quan dịch vụ công, các doanh nghiệp cũng như các trường học từ nhà trẻ đến trung học phổ thông vẫn tiếp tục hoạt động, các nhà dưỡng lão vẫn mở cửa đón khách đến thăm.

Ngược lại, các trường đại học duy trì các khóa học trực tuyến, các công ty được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc từ xa. Nhà hàng và quán bar phải đóng cửa. Người lao động không thể làm việc sẽ tiếp tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp một phần.

Nhiều nước có tổng số ca mắc COVID-19 vượt ngưỡng 1 triệu người ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 23/10/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Biên giới giữa Pháp với các nước châu Âu vẫn mở trong khi biên giới ngoài khu vực Schengen bị đóng. Người Pháp sống ở nước ngoài được phép hồi hương. Các đánh giá sẽ được thực hiện hai tuần một lần, để đưa ra quyết định tăng cường hay nới lỏng các quy định giãn cách xã hội.

Tổng thống Macron nhấn mạnh mục tiêu của chính phủ là giảm số ca mắc COVID-19 trung bình từ 40.000 người/ngày hiện nay xuống còn 5.000 người.

Tại Đức, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức một lần nữa nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế sự gia tăng ở mức đáng lo ngại của dịch bệnh nguy hiểm này.

Các biện pháp mới bao gồm quy định chỉ cho phép gặp gỡ ở nơi công cộng tối đa 10 người từ một hoặc hai hộ gia đình; các nhà hàng phục vụ ăn, uống, các quán bar, quán rượu, câu lạc bộ và các khu trung tâm vui chơi giải trí, thể thao trong nhà và ngoài trời sẽ tạm thời đóng cửa.

Các trường học và nhà trẻ vẫn duy trì hoạt động; các cửa hàng bán buôn và bán lẻ vẫn tiếp tục mở cửa, song phải đảm bảo các quy định về vệ sinh, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách cũng như đảm bảo có không quá một khách hàng/10 m2...

Các quy định này được áp dụng đồng bộ ở khắp 16 bang cả nước. Thủ tướng Merkel cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong và ngoài nước nếu không thực sự cần thiết, đồng thời cho biết những hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.

Bên cạnh đó, Chính phủ Đức cũng đặc biệt nhấn mạnh tới việc ưu tiên bảo vệ các nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao như người bệnh, những người cần được chăm sóc, người cao tuổi và người tàn tật.

Ngoài ra, Thủ tướng Merkel cũng cho biết chính phủ sẽ xem xét và hỗ trợ kinh tế cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng.

Theo Thủ tướng Merkel, các quy định mới sẽ có hiệu lực trước mắt từ ngày 2/11 tới và được áp dụng đến hết tháng 11.

Bà cho biết mục tiêu của chính phủ liên bang và tiểu bang là "nhanh chóng làm gián đoạn các tác nhân lây nhiễm“ để không cần phải đưa ra những biện pháp "nghiêm ngặt" hơn trong mùa Giáng sinh tới cũng như "tránh tình trạng khẩn cấp quốc gia."

Trước đó, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cùng ngày cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận gần 15.000 ca nhiễm mới/ngày, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát hồi tháng 3 vừa qua.

Bên cạnh đó, các số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy hiện Đức chỉ còn trống khoảng 25% số giường bệnh chăm sóc đặc biệt.

Tại Italy, cố vấn của Bộ trưởng Y tế Italy, ông Walter Ricciardi cho rằng, một số khu vực lãnh thổ, thành phố tại Italy hiện nay, tình trạng lây nhiễm đang diễn ra theo cấp số nhân và việc áp dụng các biện pháp như hiện nay không đủ để ngăn chặn sự lây nhiễm, đặc biệt là các khu vực mà virus đang lây lan mạnh nhất.

Cố vấn Ricciardi cho biết tại Milan và Napoli, việc phong tỏa hai thành phố này là điều cần thiết. Các nhà hát, rạp chiếu phim cần phải đóng cửa do nguy cơ lây nhiễm tại hai thành phố này rất cao và bất kỳ ai cũng có nguy cơ mang virus vào trong các không gian khép kín, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Y tế Italy công bố, số ca nhiễm mới tại nước này trong ngày 28/10 tiếp tục tăng lên mức kỷ lục mới với 24.991 ca nhiễm được ghi nhận (số ca nhiễm mới cao nhất trước đó được ghi nhận ngày 27/10 với  21.994 ca).

Cũng trong ngày 28/10, tại Italy có 205 người tử vong, 125 ca phải chăm sóc đặc biệt, nâng tổng số ca phải chăm sóc đặc biệt lên 1.536 ca. Vùng tâm dịch trước đây, Lombardia (thủ phủ là thành phố Milan) cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca nhiễm mới trong ngày 28/10 là 7.558 ca.

Nhật Bản: Gia tăng các ca mắc mới

Tại châu Á, một nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng của số ca nhiễm mới ở nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, báo cáo của nhóm chuyên gia này cho biết số lượng các trường hợp mắc COVID-19 đã bắt đầu tăng nhẹ kể từ đầu tháng 10.

Nhiều nước có tổng số ca mắc COVID-19 vượt ngưỡng 1 triệu người ảnh 3Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Asakusa, Tokyo, Nhật Bản, ngày 4/10/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tỷ lệ số người dương tính với virus SARS-CoV-2 trên 100.000 dân trên toàn quốc đã tăng từ mức 2,84 trong tuần từ 6-12/10 lên 2,95 trong tuần từ 13-19/10 và 3,21 trong tuần từ 20-26/10.

Trong khi đó, hệ số lây truyền của một người nhiễm virus vẫn ở mức trên 1, cho thấy sự lây lan của dịch COVID-19 trên khắp toàn quốc.

Tính theo địa phương, cho đến ngày 11/10, hệ số này ở tỉnh Hokkaido là 1,9; Tokyo - 0,75; Aichi -1,04; Osaka - 1,39; Fukuoka - 0,96 và Okinawa -1,83.

Chỉ riêng ngày 28/10, Nhật Bản ghi nhận thêm 731 ca nhiễm mới trên khắp toàn quốc, trong đó có 171 ca ở thủ đô Tokyo, và 5 người tử vong vì dịch COVID-19. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp số ca nhiễm mới ở Tokyo vượt ngưỡng 100.

WHO quan ngại tốc độ gia tăng các ca mắc mới

Ngày 28/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các quốc gia trên toàn cầu đã báo cáo hơn 2 triệu trường hợp nhiễm mới COVID-19 được xác nhận trong tuần qua - thời gian ngắn nhất từ trước đến nay, cho thấy sự gia tăng theo cấp số nhân kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Theo phóng viên TTXVN Mỹ, WHO nêu rõ trong tuần thứ hai liên tiếp, châu Âu có số ca nhiễm COVID-19 lớn nhất, với hơn 1,3 triệu ca được xác nhận, chiếm khoảng 46% tổng số ca nhiễm mới trên toàn thế giới.

Cơ quan y tế của Liên hợp quốc cho biết số ca tử vong cũng đang gia tăng ở châu Âu, với mức tăng khoảng 35% so với tuần trước.

WHO nhấn mạnh: “Mặc dù số ca tử vong đang dần tăng lên, nhưng tỷ lệ tử vong của các trường hợp nhiễm bệnh vẫn tương đối thấp so với giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 vào mùa Xuân."

Cơ quan y tế của Liên hợp quốc cũng lưu ý rằng số bệnh nhân nhập viện do COVID-19 và phải chăm sóc đặc biệt đã tăng lên ở 21 quốc gia trên khắp châu Âu. Ước tính có khoảng 18% số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện, trong đó, khoảng 7% số bệnh nhân cần hỗ trợ chăm sóc đặc biệt hoặc dùng máy thở.

Theo WHO, xét trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia báo cáo có số lượng người nhiễm COVID-19 nhiều nhất vẫn không thay đổi trong 3 tuần qua là Ấn Độ, Mỹ, Pháp, Brazil và Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục