Báo chí Thông tấn hòa nhịp cùng dòng chảy báo chí của dân tộc

Nhiều bức ảnh, tài liệu, kỷ vật chiến trường và thiết bị tác nghiệp của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam như máy ảnh, máy chữ,... đang được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Các hiện vật về Thông tấn xã Việt Nam được trưng bày tại vị trí trang trọng của Bảo tàng Báo chí. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các hiện vật về Thông tấn xã Việt Nam được trưng bày tại vị trí trang trọng của Bảo tàng Báo chí. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 28/10, Liên chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam và Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã phối hợp tổ chức tọa đàm trao đổi nghiệp vụ, thông tin và đánh giá tầm quan trọng của việc lưu trữ tư liệu lịch sử hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam.

Nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam hoan nghênh cuộc gặp gỡ giữa hai cơ quan và đề nghị lãnh đạo Bảo tàng Báo chí cần tổ chức, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí khác đến tham qua, tìm hiểu, để làm hoạt động của bảo tàng ngày càng phong phú và gắn bó với những người làm báo Việt Nam.

Nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam đánh giá cao vai trò của Thông tấn xã Việt Nam trong dòng chảy báo chí nước nhà. Bà cũng tri ân các nhà báo lão thành Thông tấn xã Việt Nam đã ủng hộ, cố vấn và hiến tặng nhiều kỷ vật cho bảo tàng như Đào Tùng, Lê Quốc Trung, Trần Mai Hưởng, Hà Minh Huệ, Chu Chí Thành,...

Bà cho biết Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời muộn hơn so với các bảo tàng khác nên công tác sưu tầm, khai thác tư liệu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã cố gắng thể hiện những hình ảnh chân thực và sáng tạo nhất.

“Là một bảo tàng non trẻ và gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng, vận hành, đặc biệt là do dịch COVID-19, nhưng Bảo tàng Báo chí rất vinh dự đón 4.000 lượt khách kể từ ngày khánh thành 19/6/2020. Chúng tôi tự nhận thấy còn rất nhiều việc phải làm, phải phấn đấu hơn nữa để thu hút công chúng và các nhà báo nước ngoài," nhà báo Trần Kim Hoa nói.

Thay mặt Liên chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam, phó chủ tịch Nguyễn Hồng Hạnh đã tặng một số ấn phẩm của Thông tấn xã cho bảo tàng để phục vụ mục đích tra cứu thông tin bên cạnh các hiện vật tư liệu đang được trưng bày.

Báo chí Thông tấn hòa nhịp cùng dòng chảy báo chí của dân tộc ảnh 1Nội dung trưng bày được số hóa để gia tăng trải nghiệm và tiện ích cho khách tham quan. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tọa lạc trong khuôn viên tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội), bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật về lịch sử báo chí mà còn là nơi ghi dấu những ký ức về lịch sử dân tộc, đời sống xã hội.

Hiện nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm được trên 20.000 hiện vật, tài liệu. Trong đó, có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo và quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam và mối tương quan của báo chí Việt Nam với báo chí thế giới. Nội dung trưng bày bao gồm năm phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975 và Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.

Các không gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 15.000 m2 và được trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách, bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay… thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh-truyền hình-số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng khi đến với bảo tàng.

Thông tấn xã Việt Nam chiếm một phần quan trọng trong không gian trưng bày của Bảo tàng báo chí Việt Nam. Nhiều nhà báo lão thành Thông tấn xã Việt Nam đã hiến tặng tư liệu, hiện vật cũng như cố vấn cho bảo tàng về nội dung trưng bày./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục