​Tưởng niệm 152 năm ngày hy sinh của Anh hùng Nguyễn Trung Trực

Lễ kỷ niệm ngày hy sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được tổ chức vào ngày 11 và 12/9 âm lịch hàng năm tại di tích Vàm Nhựt Tảo (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ) và di tích Xóm Nghề.
​Tưởng niệm 152 năm ngày hy sinh của Anh hùng Nguyễn Trung Trực ảnh 1Nguyên lãnh đạo và lãnh đạo tỉnh Long An dâng hương tưởng niệm 152 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Chiều 27/10, tại Khu di tích Vàm Nhật Tảo (huyện Tân Trụ, Long An), Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 152 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Cách đây 152 năm, ngày 27/10/1868, có một người dù “thất thế nhưng vẫn hiên ngang” bước lên đoạn đầu đài, đón nhận cái chết đầy dũng khí, để lại cho hậu thế 2 chiến công oanh liệt “Hỏa hồng Nhựt Tảo” và “Kiếm bạt Kiên Giang” cùng câu nói bất hủ đi vào lịch sử, thể hiện ý chí chống ngoại xâm đến cùng của dân tộc Việt Nam: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây,” Đó là người anh hùng dân chài áo vải Nguyễn Trung Trực.

Chiến thắng Vàm Nhựt Tảo là chiến công chói lọi, là sự cổ vũ to lớn đã làm bừng lên một khí thế mới cho phong trào võ trang kháng Pháp lúc bấy giờ, mở đầu cho cuộc tấn công đồng loạt vào các đồn lũy của Pháp ở Tân An và Nam Kỳ.

Tiêu biểu và oanh liệt nhất là trận tập kích đồn Tây Dương vào đêm 16/12/1861 đã lưu danh thiên cổ cùng với bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Chiến thắng Nhựt Tảo để lại một dấu son trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, cùng với chiến công đánh chiếm đồn Rạch Giá vào đêm 16/6/1868, đã đưa người anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực vào hàng danh nhân của dân tộc.

Sau trận đánh đồn Rạch Giá, trước lực lượng hùng hậu của địch, Nguyễn Trung Trực đành để giặc bắt nhằm cứu lấy nhân dân và phong trào kháng Pháp trước sự đàn áp của địch. Ngày 27/10/1868, thực dân Pháp xử chém ông tại Rạch Giá.

Sau khi Nguyễn Trung Trực hy sinh, nhân dân nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long đã lập đền thờ ông. Từ đó đến nay hằng năm đều tổ chức lễ tưởng niệm để tôn thờ và tưởng nhớ người anh hùng áo vải như một sinh hoạt văn hóa truyền thống tiêu biểu của địa phương.

Riêng ở Long An, lễ kỷ niệm ngày hy sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được tổ chức vào ngày 11 và 12/9 âm lịch hàng năm tại di tích Vàm Nhựt Tảo (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ) và di tích Xóm Nghề (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức).

Tại lễ dâng hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết, đây là dịp để mỗi người dân tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và các bậc tiền nhân đã có công trong xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Nhằm thể hiện lòng thành kính và tri ân sâu sắc công lao to lớn của các bậc tiền nhân, cán bộ, đảng viên và nhân dân Long An nguyện tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thử thách thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Long An đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục