Xây dựng chính quyền đô thị: ''Nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế''

Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, UBND quận, phường sẽ không còn là một cấp chính quyền mà là cơ quan hành chính, làm việc theo chế độ thủ trưởng, Chủ tịch sẽ là người lãnh đạo quản lý.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh (cầu Phú Mỹ bắc từ quận 7 sang quận 2). (Ảnh: Kim Phương/TTXVN)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh (cầu Phú Mỹ bắc từ quận 7 sang quận 2). (Ảnh: Kim Phương/TTXVN)

Theo đề án và dự thảo nghị quyết Chính phủ trình Quốc hội, việc xây dựng chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp các địa phương này nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.

Song, vẫn còn không ít vấn đề dư luận băn khoăn, đặc biệt là cơ chế giám sát khi không còn Hội đồng Nhân dân ở quận, phường. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chia sẻ với phóng viên TTXVN, làm rõ hơn về vấn đề này.

Đảm bảo quyền làm chủ nhân dân

- Thưa Thứ trưởng, một vài ý kiến vẫn còn băn khoăn về việc quận, phường ở một số nơi sẽ chỉ còn cơ quan hành chính nhà nước là Ủy ban Nhân dân, liệu có đảm bảo được quyền làm chủ nhân dân hay không? Quan điểm của ông như thế nào?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Nhà nước của chúng ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân; mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân.

Chúng tôi thấy việc thực hiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị sắp tới sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng hoặc tại Thành phố Hồ Chí Minh trước hết vẫn đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi năm 2019.

Khi phường hoặc quận không tổ chức thành một cấp chính quyền, mà tổ chức thành một cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn Hội đồng Nhân dân thành phố hoặc Hội đồng Nhân dân quận, như Đà Nẵng vẫn còn Hội đồng Nhân dân thành phố, Hà Nội còn Hội đồng Nhân dân thành phố và quận.

Với mô hình tổ chức như vậy, vừa phù hợp với đặc điểm hoạt động đô thị về tính thống nhất, liên tục, liên thông trong các lĩnh vực để phục vụ cho quản lý cơ sở hạ tầng, trật tự an toàn giao thông, môi trường…, nhưng vẫn đảm bảo được quyền làm chủ của người dân, được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Hội đồng Nhân dân và các cơ quan nhà nước khác.

Bên cạnh đó, hoạt động của các cơ quan hành chính tổ chức tại phường hoặc quận vẫn chịu sự giám sát không chỉ của Hội đồng Nhân dân mà còn chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức chính trị-xã hội khác hoặc các cơ quan nhà nước khác.

Tiếng nói, nguyện vọng của người dân sống, làm việc tại các đô thị này vẫn được Hội đồng Nhân dân cũng như các cơ quan nhà nước lắng nghe và xem xét để giải quyết.

- Theo ông, khi tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, rào cản lớn nhất là gì?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng, tất cả những cái mới, tiến bộ, khi triển khai thực hiện tất nhiên sẽ gặp khó khăn. Hiện nay đang hoàn thiện một số các quy định liên quan đến thể chế, chưa triển khai, nhưng cũng phải lường trước những vấn đề phát sinh.

Các đề án tổ chức chính quyền đô thị của các thành phố đều có đánh giá tác động, trong đó có lường trước những khó khăn, nhưng theo tôi, thực hiện xây dựng chính quyền đô thị cần quan tâm và đặc biệt chú ý một số vấn đề sau.

Một là, xây dựng và ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Nhân dân phường, Ủy ban Nhân dân quận, vấn đề về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức khi Ủy ban Nhân dân phường, Ủy ban Nhân dân quận được xác định là cơ quan hành chính nhà nước.

Ví dụ, những người đang làm việc ở Ủy ban Nhân dân phường theo quy định hiện nay họ là cán bộ, công chức cấp xã. Khi Ủy ban Nhân dân phường chuyển thành cơ quan hành chính nhà nước thuộc Ủy ban Nhân dân quận, những người làm việc ở đó đương nhiên phải xem xét để chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế của Ủy ban Nhân dân quận.

Hai là, liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng, dù tổ chức mô hình chính quyền đô thị như hiện nay hoặc theo như các đề án đã được Quốc hội thông qua và cho phép, vẫn phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng địa phương.

[Đưa thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo]

Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần phải đổi mới kịp thời phương thức lãnh đạo của cấp ủy ở phường, quận phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương, với đặc điểm đô thị ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ba là, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức đang làm việc tại Hội đồng Nhân dân phường, quận.

Những người qua rà soát không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức bộ máy mới, cần có giải quyết thỏa đáng, phù hợp, đảm bảo chế độ chính sách đối với đội ngũ này.

- Điểm nổi bật khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị là Ủy ban Nhân dân quận, phường sẽ không còn là một cấp chính quyền mà là cơ quan hành chính, làm việc theo chế độ thủ trưởng, Chủ tịch sẽ là người lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc. Vậy thế nào để tránh lạm quyền?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Vấn đề này phải đọc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư, “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế” và phải thông qua các quy định của pháp luật; có quy chế làm việc, phối hợp công tác giữa Ủy ban Nhân dân phường với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước với cấp ủy Đảng, các tổ chức nhà nước khác, với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội.

Xây dựng chính quyền đô thị: ''Nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế'' ảnh 1Một góc quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/ TTXVN)

Thứ hai là phải đảm bảo sự giám sát của Hội đồng Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và kể cả giám sát trực tiếp người dân và các cơ quan, tổ chức nhà nước khác để đảm bảo tránh vấn đề lạm quyền. Đồng thời, đảm bảo mọi quyết định của Ủy ban Nhân dân với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, quận phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Vấn đề thứ ba là phải tuyển chọn được người làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân đủ phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và tận tụy để lãnh đạo Ủy ban Nhân dân với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước tại phường hoặc quận, đáp ứng được sự hài lòng của người dân. Lắng nghe, giải quyết được nguyện vọng, nhu cầu của người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Hướng đến xây dựng một mô hình chung

- Ba mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh có điểm khác nhau rõ nét, đó là Hà Nội không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường, còn Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân quận, phường là cơ quan hành chính, không phải là cấp chính quyền. Như vậy là sẽ không có một mô hình chung cho chính quyền đô thị mà sẽ là mô hình đặc thù?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Hiện nay, nếu đúng chuẩn, mô hình chung của chính quyền đô thị chỉ tổ chức một cấp chính quyền cấp thành phố gồm Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân. Ở quận và phường, chỉ tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước hoạt động, làm việc theo chế độ thủ trưởng. Tất nhiên là vẫn phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Ở Hà Nội có câu chuyện là địa phương này chưa tham gia thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường. Do vậy, khi xây dựng Đề án, Hà Nội phải thận trọng và có bước đi.

Bên cạnh đó, Hà Nội là trung tâm Thủ đô cả nước, lại chưa triển khai thí điểm bao giờ nên tôi nghĩ cần phải có bước đi thận trọng. Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đã có 7 năm thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận và phường (từ năm 2009 đến năm 2016).

Hai địa phương này có kinh nghiệm rồi nên lần này vẫn tiếp tục thực hiện như trước đây đã làm, không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận và phường.

Xây dựng chính quyền đô thị: ''Nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế'' ảnh 2Thành phố Đà Nẵng về đêm. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Mô hình chung, đô thị là một cấp chính quyền; nông thôn là hai cấp chính quyền. Chúng ta hiện nay đang trong quá trình triển khai đổi mới, xây dựng mô hình chính quyền địa phương ở đô thị phù hợp với đặc điểm đô thị.

Sau một thời gian thực hiện, đến một lúc nào đó chắc sẽ có một mô hình chung, không thể mỗi đô thị lại tổ chức một mô hình riêng.

Trong một quốc gia thống nhất, mô hình chính quyền ở đô thị ở các thành phố là phải như nhau và ở nông thôn cũng vậy.

Hiện nay, cả Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đều nói rằng, tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn và hải đảo, phải thực hiện theo đúng Hiến pháp.

- Có một thực tế khi thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường, giai đoạn đầu có khá nhiều địa phương ủng hộ, trong đó có Đà Nẵng. Nhưng về sau, chính Đà Nẵng lại là địa phương thể hiện thái độ không đồng tình mạnh mẽ nhất. Xét về khía cạnh sâu xa, thực chất nội dung chính của việc tổ chức chính quyền đô thị cũng chính là sự nối dài của quá trình 7 năm thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường. Nói vậy phải chăng là mô hình mới có những lợi ích lớn để Đà Nẵng thay đổi quan điểm của mình?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Nhận thức là một quá trình, sau một thời gian triển khai, chúng ta đã có những bài học và kinh nghiệm rất bổ ích. Khi thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận và phường, Ủy ban Nhân dân huyện, quận, phường không tổ chức Hội đồng Nhân dân vẫn thực hiện theo cơ chế tập thể lãnh đạo.

Còn bây giờ, tổ chức chính quyền đô thị như ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước tiến mới. Ủy ban Nhân dân phường và Ủy ban Nhân dân quận là cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động theo chế độ thủ trưởng, chỉ xây dựng và tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị, tức quận và phường, không có huyện nữa.

Cho nên, đây không phải là sự nối dài mà là một sự phát triển về mặt nhận thức của chúng ta trong tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị.

- Theo quan điểm của Thứ trưởng, mô hình chính quyền đô thị của địa phương nào là ưu việt?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Không thể nói là ưu việt. Hà Nội đang thí điểm, sau một thời gian thực hiện sẽ có tổng kết, đánh giá. Nhưng cái chính là để thông qua việc thực hiện tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ xây dựng được một mô hình chung về tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động của đô thị.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục