Mới lạ trải nghiệm dã ngoại trong đại dịch COVID-19 tại Nhật Bản

Để thích ứng với dịch COVID-19, các trường học ở Nhật Bản đã tận dụng Internet để duy trì dã ngoại - hoạt động truyền thống trong các trường mà trẻ em nào cũng ưa thích và mong chờ.
Mới lạ trải nghiệm dã ngoại trong đại dịch COVID-19 tại Nhật Bản ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Magnetic Camp)

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tạo ra sự thay đổi lớn trong đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có cả việc học của con trẻ. Để thích ứng với tình hình mới, các trường học ở Nhật Bản đã tận dụng Internet để duy trì dã ngoại - hoạt động truyền thống trong các trường mà trẻ em nào cũng ưa thích và mong chờ.

Trong bối cảnh không thể tổ chức các chuyến dã ngoại trực tiếp nhiều ngày như thông thường, các trường học ở Nhật Bản đã sử dụng công nghệ để học sinh có được trải nghiệm dã ngoại trên không gian mạng y như thật. Nhờ sự tiến bộ của công nghệ, nên giờ đây, học sinh Nhật Bản vẫn được đi chơi xa, tham gia các hoạt động văn hóa và tham quan, mà không cần phải bước chân ra khỏi lớp học.

Trên thực tế, mục đích của các chuyến dã ngoại này chính là để học sinh có thể học hỏi thêm nhiều điều ngoài khuôn viên trường, lớp. Thông thường, học sinh sẽ phải nghiên cứu trước những điểm mình sẽ tham quan. Đó có thể là thủ đô Tokyo hay trung tâm lịch sử và văn hóa ở Kyoto hay Nara, miền Tây Nhật Bản. Ngoài ra, các trường cũng thường cho học sinh tham quan tại Hiroshima và Nagasaki - hai thành phố hứng chịu các quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống trong Chiến tranh Thế giới thứ hai hoặc ở Hokkaido và Okinawa.

[Nhật Bản có chương trình kích cầu mới, khuyến khích dân đi ăn ở ngoài]

Do dịch bệnh, nên giữa tháng 10 vừa qua, các học sinh của tỉnh Shizuoka, miền Trung Nhật Bản, đã thực hiện những chuyến dã ngoại "ảo" đến Kyoto và Nara, thông qua ứng dụng hội nghị trực tuyến Zoom. Trong chuyến tham quan kéo dài 4 giờ, các học sinh đã được đến thăm ngôi đền Di sản Thế giới Yakushiji - 1.300 tuổi - ở Nara.

Không chỉ có thêm hiểu biết về những điểm văn hóa, lịch sử của đất nước, các học sinh còn được nhà sư thuyết giảng về giáo lý của đạo Phật, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức và thái độ sống tích cực trong đại dịch.

Không chỉ vậy, học sinh còn thay tạp dề ngay tại lớp học, thực hành làm món bánh truyền thống "nerikiri", thông qua sự hướng dẫn từ xa của một thợ làm bánh ở Kyoto. Ngoài ra, học sinh còn tham dự một cuộc thi hiểu biết về khu vực, dưới sự dẫn dắt của các danh hài.

Ông Manabu Watanabe, Hiệu phó của một trường ở Shizuoka, khẳng định mặc dù các chuyến tham quan "ảo" sẽ không bao giờ có thể thay thể các chuyến dã ngoại trực tiếp, song trong giai đoạn khó khăn này, đây chính là giải pháp tình thế hữu ích, giúp học sinh có thêm trải nghiệm.

Công ty du lịch Kinki Nippon đã đưa ra ý tưởng và tiến hành các chuyến tham quan "ảo" cho học sinh vào cuối tháng 9 vừa qua. Theo đại diện công ty, các chương trình này được thiết kế nhằm mang lại niềm vui cho học sinh, vốn bị bỏ lỡ các chuyến đi thật vì dịch bệnh. Kinki Nippon dự kiến sẽ tổ chức khoảng 10 chuyến tham quan cho các trường từ nay đến cuối năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục