Người dân xứ Dừa Bến Tre hướng về đồng bào lũ lụt miền Trung

Với tinh thần "lá lành đùm lá rách,""nghĩa tình đồng bào," những chuyến xe chở theo bánh tét, chăn ấm của người dân xứ Dừa đang hướng về miền Trung với mong muốn bà con vùng lũ sớm vượt qua khó khăn.
Người dân xứ Dừa Bến Tre hướng về đồng bào lũ lụt miền Trung ảnh 1Người dân Bến Tre tham gia gói bánh tét ủng hộ đồng bào miền Trung tại khu phố 1, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)

Trước những mất mát, khó khăn của người dân các tỉnh miền Trung do ảnh hưởng của lũ lụt, những ngày qua, người dân Bến Tre cùng nhau góp sức ủng hộ đồng bào miền Trung bằng những việc làm thiết thực như gói bánh tét, may mền (chăn), đóng góp nhu yếu phẩm.

Với tinh thần "lá lành đùm lá rách,""nghĩa tình đồng bào," những chuyến xe của người dân xứ Dừa đang hướng về miền Trung với mong muốn bà con "ngoài bển” sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Lan tỏa những việc làm nghĩa tình

Ba ngày qua, ở khu phố 1, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách luôn tấp nập người tham gia gói bánh tét giúp đỡ người dân vùng lũ miền Trung. Từ vài người ban đầu, việc làm ý nghĩa đã lan tỏa, thu hút sự tham gia của hàng trăm lượt người. Tất cả cùng một ý nguyện chung tay đóng góp hướng về miền Trung.

Mọi người tham gia gói bánh tét không chỉ có phụ nữ mà còn có đàn ông, thanh niên, cụ già, có người chưa lần nào gói bánh tét cùng háo hức góp chút công. Mỗi người một việc như lau lá, vo nếp, gói bánh, nấu bánh.... để sớm có những chiếc bánh ấm nóng kịp chuyến xe chiều gửi ra bà con miền Trung.

Cùng các chị trong bếp xào nếp, em Nguyễn Quang Thái, thị trấn Chợ Lách cho biết, thấy thông tin trên mạng xã hội kêu gọi gói bánh tét ủng hộ miền Trung là một việc ý nghĩa, sẵn thời gian rảnh nên em đến phụ các cô xào nếp để các cô tham gia gói bánh cho nhanh.

Phụ trách nấu gần 10 nồi bánh tét, chú Huỳnh Quang Trắc gần 70 tuổi, nhanh tay gắp hết nồi bánh nấu xong, lại bỏ tiếp các đòn mới gói vào nồi. Chú Trắc chia sẻ, bản thân lớn tuổi nhưng còn sức khỏe, không gói bánh được thì phụ nấu. Giúp được việc gì thì giúp. Ở đây ai cũng mong bánh đến sớm với bà con miền Trung để không ai bị đói.

[Cả nước chung tay giúp đỡ miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ]

Có mặt tại điểm gói bánh tét, cảm nhận được không khí khẩn trương, gấp rút của các cô, các chị, các bà để hoàn thành từng đòn bánh. Mỗi chiếc bánh tét được gói không cầu kì nhưng tràn đầy nghĩa tình của người dân xứ Dừa, mong đồng bào miền Trung no bụng, có sức khỏe vượt lên khó khăn.

Hai ngày nay, chị Đinh Thị Hiền, xã Phú Phụng nghỉ bán ngoài chợ để cùng mọi người gói bánh tét, chị bảo ở đây người có công góp công, người có sức góp sức, người có nếp đem nếp, người có thịt đem thịt tới. Tất cả quây quần cùng nhau gói những chiếc bánh gửi ra cho đồng bào bị lũ lụt miền Trung. Đây không phải là việc gì to lớn, chỉ là tình người với người. Mình san sẻ được gì thì cứ san sẻ.

Ban đầu nhóm gói bánh tét ở khu phố 1, thị trấn Chợ Lách dự định gói trong hai ngày khoảng 1.000 chiếc bánh nhưng vì bà con đến ủng hộ ngày càng nhiều nên số lượng tăng lên gần 3.000 chiếc bánh.

Bận việc gia đình, bà Nguyễn Thị Phương, xã Sơn Định không tham gia cùng gói bánh tét được nên đem 1,5 triệu đồng đến đóng góp. "Đọc tin, xem hình ảnh đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng lũ lụt không cầm được nước mắt. Người Việt Nam mình gặp khó, gặp nạn thì phải giúp nhau. Của ít lòng nhiều, không gói bánh được thì dành một ít tiền để cùng mọi người hỗ trợ bà con miền Trung, mong bà con sớm bình ổn cuộc sống," bà Phương xúc động chia sẻ.

Đa dạng hình thức quyên góp

Gần nửa tháng qua, đã có nhiều chuyến xe chở gần 5.000 chiếc chăn từ nhà bà Huỳnh Thị Bảy, ấp Định Lễ, xã Phú Đức gửi đến bà con vùng lũ miền Trung. Đây là những chiếc chăn được các bà, các cô, các chị ở xã Phú Đức (huyện Châu Thành, Bến Tre) và xã Tân Phong (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cùng chung tay may.

Người dân xứ Dừa Bến Tre hướng về đồng bào lũ lụt miền Trung ảnh 2Đã có khoảng 7.000 chiếc mền (chăn) được may tại ba điểm xã Phú Đức, huyện Châu Thành chuyển đến các tỉnh miền Trung. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)

Nhà bà Bảy là địa điểm quen thuộc đã có nhiều đóng góp như may khẩu trang phát miễn phí cho người dân phòng chống dịch bệnh COVID-19, vận động mọi người ủng hộ nước ngọt cho người dân thiếu nước đợt hạn mặn. Khi biết người dân miền Trung bị đói, rét trong trận lũ dữ, bà Bảy lại vận động họ hàng và hàng xóm cùng may chăn.

"Trong gia đình ai cũng ủng hộ, hàng xóm thì đến phụ cắt vải, vắt sổ, may và sắp xếp. Chị em trong nhà thì đóng góp tiền, họ hàng trên thành phố Hồ Chí Minh thì mua vải gửi xuống để may. Đến hôm nay đã có gần 7.000 chiếc mền được may xong," bà Bảy cho biết.

Theo bà Đặng Thị Ngọc Lệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Đức, mặc dù đời sống chị em ở xã còn nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đợt hạn mặn vừa qua, nhưng khi xem tin tức biết được khó khăn của bà con miền Trung do lũ lụt hoành hành, các chị em đều hưởng ứng may mền với mong muốn những chiếc mền sẽ góp phần sưởi ấm cho bà con vùng lũ. Ngoài điểm này, nhóm còn chia thêm hai địa điểm khác để cùng nhau may thêm.

Việc làm ý nghĩa của các chị em xã Phú Đức lan rộng, thu hút sự tham gia của các cô, các bà ở các xã lân cận và xã Phú Phong(Tiền Giang) sang cùng góp sức may mền. Đã 76 tuổi, bà Nguyễn Thị Nghĩa, xã Phú Phong, huyện Châu Thành (Tiền Giang) vẫn theo các chị em gần nhà vượt sông sang Bến Tre may mền ủng hộ bà con miền Trung.

Bà Nghĩa vui vẻ cho biết, công việc xếp mền cũng nhẹ nhàng, phù hợp với tuổi nên không có gì khó khăn, chỉ mong sẽ có nhiều mền cho bà con vùng lũ sử dụng.

Cũng hướng về bà con miền Trung, chị Bùi Võ Lạc Giao, thị trấn Chợ Lách tận dụng địa điểm gia đình để tiếp nhận đồ mọi người đến ủng hộ như quần áo, gạo, mỳ, nước... gửi ra cho bà con các tỉnh miền Trung bị thiên tai. Ai muốn đóng góp nhưng không trực tiếp đến điểm tập kết được thì bố chị Giao là ông Bùi Quang Trung, xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách) sẽ đến chở về.

Ông Trung cho biết, bản thân thấy việc làm của con có ý nghĩa nên phụ giúp. Việc không nặng nhọc gì nhưng lại góp phần hỗ trợ người dân miền Trung được thì rất vui.

"Ở huyện Chợ Lách có nhiều điểm tiếp nhận đồ ủng hộ đồng bào miền Trung như quần áo, nhu yếu phẩm. Có một nhà xe đến chở miễn phí đi miền Trung. Nhà xe này bình thường chạy chuyến xe đi thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng nay họ tổ chức xe chở đồ miễn phí đi các tỉnh miền Trung để ủng hộ đồng bào lũ lụt," chị Giao cho biết.

Người dân xứ Dừa Bến Tre hướng về đồng bào lũ lụt miền Trung ảnh 3Bà Nguyễn Thị Phương, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách đến điểm quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)

Ngoài những điểm quyên góp do các nhóm, cá nhân phát động những ngày qua, tỉnh Bến Tre cũng giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Đồng thời, Tỉnh ủy Bến Tre cũng kêu gọi toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung giảm bớt những khó khăn, mất mát để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre Nguyễn Phúc Linh cho biết: "Địa phương vừa trải qua thiên tai hạn mặn nên đời sống người dân còn khó khăn. Do đó, tỉnh không kêu gọi, phát động toàn dân đóng góp ủng hộ miền Trung. Tuy nhiên, nếu cá nhân, tổ chức nào muốn đóng góp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vẫn tiếp nhận để ngày 5/11 sẽ kết hợp trao quà cùng đoàn Phật giáo tỉnh cho người dân các tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt."

Tỉnh Bến Tre cũng vừa xuất quỹ vận động cứu trợ thiên tai, hỏa hoạn và kết hợp nguồn vận động tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 (từ ngày 14 -16/10) được 600 triệu đồng để gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị giúp đỡ đồng bào đang gặp khó khăn do lũ lụt gây ra, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre thông tin.

Những chiếc bánh tét, những tấm chăn, thùng mỳ, chai nước và cả những đóng góp không thể kể tên đang được người dân xứ Dừa khẩn trương thực hiện để chuyển đến tay người dân miền Trung. Những đóng góp này sẽ phần nào tiếp thêm hơi ấm đến đồng bào miền Trung./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục