Hoàn thành giáo dục mầm non 5 tuổi, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non 4 tuổi     

Sau 10 năm thực hiện đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, ngành giáo dục huy động gần 100% trẻ em 5 tuổi trên cả nước đến trường. Để thực hiện được điều này là sự nỗ lực vượt bậc của giáo dục vùng khó, phát triển mạng lưới trường mầm non ngoài công lập.

Những bà mẹ trợ giảng 

Chú thích ảnh
Tại buổi tổng kết 10 năm phổ cập giáo dục mầm non 5tuổi, nhiều cá nhân và tập thể ngành giáo dục mầm non nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.  Ảnh: KH

 Nếu những năm trước đây việc huy động trẻ em mầm non 5 tuổi đi học là khó khăn thì vài năm gần đây, phụ huynh không những tình nguyện đưa trẻ tới trường, họ còn tham gia vào quá trình chăm sóc trẻ ở trường. Đây là một trong những sáng kiến hiệu quả rõ rệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.      

Trao đổi với phóng viên về mô hình này, cô Đặng Thị Thái Chuyên, chuyên viên Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: Điện Biên là một địa phương khó khăn về điều kiện địa lý cũng như phân bố dân cư. Việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp được chúng tôi thực hiện nhiều giải pháp, trong đó bước đầu tiên vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền. Trước đây là huy động phụ huynh hỗ trợ nấu bữa cơm bán trú; mô hình bà mẹ trợ giảng ra đời thì công tác huy động trẻ ngày càng khởi sắc. Họ sẽ làm các công việc như nấu cơm, chăm sóc và là những người phiên dịch cho giáo viên khi tiếp cận với trẻ.       

“Bà mẹ trợ giảng này có thể là chính phụ huynh hoặc những người ở trong thôn, bản đã học xong cấp III. Nếu thiếu giáo viên, họ cũng chính là những người chăm sóc trẻ. Theo quy định, bà mẹ trợ giảng được trả lương. Có vùng lên tới 96 điểm bản, 1 giáo viên 1 điểm bản vừa phụ trách nấu ăn hỗ trợ nấu ăn”, cô Đặng Thị Thái Chuyên chia sẻ.    

 Tại Điện Biên, việc đảm bảo cơ sở vật chất để học sinh ra lớp là một trong những vấn đề ưu tiên. Bên cạnh những chính sách của nhà nước, của tỉnh thì tại các trường học huy động thêm phụ huynh cải tạo cảnh quan môi trường góp công sức, cơ sở vật chất. Hình thức “huy động tấm ván thưng” được triển khai và cũng tỏ rõ hiệu quả. Cụ thể, mỗi phụ huynh góp 1, 2 tấm ván thưng để xây dựng trường. Những phòng học được xây dựng từ chính bàn tay của giáo viên, phụ huynh đã xoá đi những phòng học tạm.      

Cô Đinh Thị Thái Chuyên cũng chia sẻ, trước đây việc chưa hỗ trợ bữa ăn bán trú cho trẻ thì sự vào cuộc của phụ huynh còn hạn chế. Tuy nhiên, khi có hỗ trợ này, nhiều phụ huynh tự nguyện tham gia cùng nhà trường. Điều đổi thay rõ nhất là sự nhận thức vượt bậc của phụ huynh, nhiều người dân hiểu được tầm quan trọng của phổ cập giáo dục mầm non. Có những nơi còn hiến đất xây trường, mở đường để con em trong bản được đến trường.      

Cùng quan điểm này, chị Nguyễn Thị Thơm, Trưởng phòng mầm non, Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết: Tỷ lệ trẻ em đến trường của tỉnh đạt 99,8 %. Có được như vậy là nhờ vào sự xã hội hoá của các đơn vị trên địa bàn. Doanh nghiệp, cá nhân chung tay góp sức ủng hộ hàng trăm tấn nguyên vật liệu xây dựng lại công trình, tự nguyện mở đường, bê tông hóa. Những nơi khó khăn về y tế như: Bát Sát, Bản mế ở Si Ma Cai… đều đã có đường, trường, trạm. Bên cạnh đó, khi đội ngũ giáo viên thiếu, chúng tôi huy động sinh viên năm 3 ĐH Sư phạm Lào Cai đến hỗ trợ.      

    Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh thì một trong những thay đổi quan trọng và làm tiền đề để phát triển giáo dục mầm non cho những giai đoạn sau chính là đội ngũ giáo viên mầm non được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, chế độ chính sách được đảm bảo. Cụ thể, giáo viên mầm non từ chỗ phần lớn chưa được hưởng chế độ của viên chức mà chỉ được chi trả theo hợp đồng lao động với mức lương thấp, thậm chí có nơi giáo viên mầm non chỉ được chi trả bằng thóc lúa, cuộc sống rất bấp bênh thì đến nay tất cả giáo viên mầm non đều được hưởng chế độ chính sách như viên chức nhà nước.

Phát triển khối dân lập, tư thục đi cùng kiểm soát chất lượng      

Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT: Trong 10 năm qua, để hoàn thành được mục tiêu giáo dục mầm non 5 tuổi, 2 buổi/ ngày là sự phát triển vượt bậc của khối mầm non dân lập, tư thục. Nếu năm 2010 cả nước có 13% trường mầm non là dân lập, tư thục đến nay là hơn 20% trên tổng số trường mầm non cả nước. Mô hình trường này giúp đa dạng hoá loại hình cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những giải pháp đảm bảo chất lượng và sự sát sao của địa phương để đảm bảo an toàn cho trẻ.      

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết: Hiện nay, Bắc Giang có 250 trường mầm non. Trong đó, có 238 trường công lập, 12 tư thục, 304 cơ sở độc lập tư thục, 515 nhóm trẻ tương đương với 30 trường. Để phát triển mô hình trường, nhóm lớp ngoài công lập, Bắc Giang có nhiều giải páp đầu tư như bên cạnh chính sách Trung ương ban hành thì Nghị quyết của tỉnh hỗ trợ  100% tiền bồi thường giải pháp mặt bằng thuê đất với trường ngoài công lập và hỗ trợ 250 triệu với trường tư thục. Hỗ trợ nhóm lớp mua sắm thiết bị đồ dùng chơi là 20 triệu/nhóm lớp/đợt.      

Hiện nay, để đảm bảo chất lượng giáo dục, nhiều địa phương tổ chức tập huấn cho giáo viên mầm non trường công và trường tư một cách đồng đều. Đồng thời, chỉ đạo khi cấp phép hoạt động đơn vị này chặt chẽ với nhiều điều kiện đi kèm như: Camera giám sát, giao trách nhiệm cho trường công lập trên địa bàn quản lý cả nhóm lớp.  Phối hợp cùng với thanh tra trên địa bàn kiểm tra cơ sở định kỳ.      

Tự tin với chất lượng giáo dục mầm non, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non khẳng định: Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non 4 tuổi, xây dựng dự án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2021 - 2025. Tiến tới dồn trường lớp để tăng cường hiệu quả đảm bảo năng lực huy động trẻ tới trường ở các độ tuổi thấp hơn.      

Bộ GD&ĐT dự kiến thí điểm phổ cập giáo dục mầm non 4 tuổi nhưng vẫn chờ sự phê duyệt của Chính phủ. “Hiện nay có 22 tỉnh đáp ứng ngay yêu cầu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi. Bộ GD&ĐT xây dựng đề án để đảm bảo tính khả thi vì còn có những vùng khó khăn”, ông Nguyễn Bá Minh cho biết.      

Theo báo cáo tổng kết 10 năm phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT): Sau 10 năm thực hiện đề án Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn, bản đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, mỗi phường xã có ít nhất 1 trường mầm non công lập. 

Tổng số trường tăng khoảng trên 2.600 trường so với năm 2010; cơ sở vật chất, phòng học được tăng cường. Cả nước hiện có 201.605 phòng học, số phòng học được xây mới trong 10 năm là 105.639 phòng, trong đó, có 156.642 phòng kiên cố (chiếm tỉ lệ 77,7%, tăng 28,3%); đồ dùng đồ chơi tối thiểu được trang bị ở hầu hết các lớp 5 tuổi.     

Tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng mạnh. Tổng số trẻ mầm non được đến trường là 5.306.501 trẻ em (tăng 1.535.018 trẻ so với năm học 2010-2011); trong đó có 1.637.266 trẻ mẫu giáo 5 tuổi (tăng 333.489 trẻ), tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đạt  99,6%.   

 
Lê Vân/ Báo Tin tức
Hướng dẫn những nội dung cốt lõi cho trẻ mầm non 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1
Hướng dẫn những nội dung cốt lõi cho trẻ mầm non 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN