Chuyên gia Ấn Độ đánh giá chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản

Việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức phản ánh những phát triển nổi bật trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hai nước.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà ông đi thăm kể từ khi lên nhậm chức, cho thấy tầm quan trọng của quốc gia Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Tokyo. Báo chí thế giới đã có nhiều bình luận về chuyến thăm này, trong đó đáng chú ý là bài viết của Tiến sĩ Pradhan đăng trên tờ Times of India của Ấn Độ, VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

"Người tiền nhiệm của ông Suga, Thủ tướng Abe Shinzo cũng đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến trong, chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Đối với Nhật Bản, Việt Nam có vai trò rất quan trọng, song tầm quan trọng của Việt Nam đối với Nhật Bản đang tăng lên đang kể.

Việc ông Suga lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức phản ánh những phát triển nổi bật trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hai nước.

Việt Nam đóng vai trò quan trọng cả về kinh tế và chiến lược đối với Nhật Bản. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Ngay cả trong thời kỳ dịch COVID-19 bùng nổ, thương mại song phương hai nước đã ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 3,1% trong chín tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng vượt mức 28 tỷ USD.

Biển Đông hòa bình và ổn định là lợi ích chung của Nhật Bản và Việt Nam. Đối với cả hai nước, khu vực Biển Đông là trọng yếu.

Việt Nam là nước phản đối mạnh mẽ nhất yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc đối với khu vực trong đường chín đoạn. Nhật Bản cũng phản đối yêu sách này. Trước đó, hai nước đã có nhiều chuyến thăm cấp cao để thảo luận về những vấn đề quan tâm chung.

Việc Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN càng có ý nghĩa quan trọng với Nhật Bản. Việc Nam đảm nhiệm tốt đồng thời vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nâng cao đáng kể hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia quan trọng tại Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định.

Nhật Bản cũng là một trong những nước quan trọng thúc đẩy tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm. Có nhiều điểm tương đồng trong khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Bộ tứ và của ASEAN.

Chuyên gia Ấn Độ đánh giá chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao vừa qua tại Tokyo, có nhiều ý kiến nhất trí rằng ASEAN nên được mời tham gia Bộ tứ để trở thành Bộ tứ mở rộng. Sự tham gia của Việt Nam rất được Bộ tứ mong đợi.

Nhóm này không phải là một liên minh quân sự, mà là một nhóm các nước có chung nhu cầu thiết lập một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, trên cơ sở bình đẳng, đa cực, luật pháp và chuẩn mực quốc tế.

[Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản] 

Nhật Bản cũng quan tâm đến việc chuyển các doanh nghiệp sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một điểm đến thay thế nổi bật tại khu vực.

Chuyên gia Ấn Độ đánh giá chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tham quan Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngay trước thời điểm bùng nổ đại dịch, đã có 26 công ty chuyển tới Việt Nam. Việt Nam là lựa chọn ưa thích của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Nhật Bản đang trợ cấp cho các công ty đó và không ngừng nỗ lực đa dạng hoá chuỗi cung ứng nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Một nửa trong số 30 công ty Nhật Bản đã tận dụng cơ hội từ kế hoạch 223,28 triệu USD của chính phủ nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng hướng tới Việt Nam.

Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để thu hút các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài và đảm bảo với các doanh nghiệp sẽ nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh tại Việt Nam.

Việt Nam cũng đang từng bước để cung cấp nguồn lao động có kỹ năng phục vụ các doanh nghiệp sản xuất. Nhật Bản và Việt Nam có thể sẽ thảo luận vấn đề này để việc chuyển doanh nghiệp diễn ra suôn sẻ.

Hợp tác an ninh cũng là một mục quan trọng trong chương trình nghị sự.

Cả hai nước đều là những quốc gia có trách nhiệm, mong muốn một vị thế vững chắc để đảm bảo rằng lợi ích không bị đe doạ.

Chuyến thăm sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước khi cả hai đều mong muốn mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực, đồng thời tăng cường hợp tác ASEAN-Nhật Bản.

Các cuộc thảo luận sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hướng tới tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm, đảm bảo ổn định, hoà bình tại Biển Đông và Biển Hoa Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục