Chuyên gia Viện Dinh dưỡng bật mí thành phần sữa học đường

Tiến sỹ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sữa học đường với các sữa tươi thông thường là được bổ sung ba loại vi chất: vitamin D, canxi và sắt.
Chuyên gia Viện Dinh dưỡng bật mí thành phần sữa học đường ảnh 1Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Thị Nhung. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Sở Giáo dục và Đào tạo đang mở các gói thầu để chốt nhà thầu chương trình sữa học đường. Trong lúc chờ đợi thông tin chính thức về hãng cung cấp sữa, phụ huynh vẫn đang rất quan đến hàm lượng dinh dưỡng vi chất được bổ sung trong sữa gồm những gì.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, về vấn đề này.

- Thưa bà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến cho biết sữa học đường khác với sữa tươi thông thường trên thị trường vì có bổ sung vi chất. Là đơn vị nghiên cứu về sữa học đường, bà có thể cho biết các chất đó là gì, hàm lượng ra sao?

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Thị Nhung: Trong quyết định ban hành Chương trình sữa học đường của Chính phủ năm 2013 có mục tiêu cụ thể về việc đến năm 2020 phải cải thiện khẩu phần canxi, sắt và vitamin D của trẻ tăng 30%.

Khi đó, Bộ Y tế đã có quyết định số 5040 giao cho Viện Dinh dưỡng nghiên cứu các tiêu chuẩn để bổ sung vi chất vào thực phẩm.

Viện Dinh dưỡng đã có rất nhiều năm nghiên về bổ sung vi chất, bổ sung đa vi chất cải thiện tình trạng trí lực, thể lực của trẻ em. Vì thế, khi nhận được quyết định đó, chúng tôi đã tổng hợp lại các nghiên cứu trước đây cũng như các quy định của Tổ chức y tế thế giới, Nghị định 09 của Thủ tướng về bổ sung vi chất vào thực phẩm, tham khảo các nước trên thế giới để đưa ra các tiêu chí cụ thể về hàm lượng của vitamin D, sắt, canxi trong chương trình sữa học đường phù hợp với trẻ em Việt Nam. Báo cáo đã được gửi lên Bộ Y tế. Chắc là trong thời gian sớm nhất sẽ có được quyết định về tiêu chí bổ sung vi chất vào sữa học đường.

- Nghĩa là điểm khác của sữa học đường với các sữa tươi thông thường khác là được bổ sung ba loại vi chất gồm vitamin D, canxi và sắt, thưa bà?

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Thị Nhung: Đúng vậy, và hàm lượng các chất này được đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển của trẻ với các chỉ số cụ thể do Viện Dinh dưỡng khuyến nghị dựa trên các nghiên cứu cụ thể về thể trạng trẻ em Việt Nam.

Chuyên gia Viện Dinh dưỡng bật mí thành phần sữa học đường ảnh 2Giờ uống sữa học đường tại bản điểm trường Thung Khạng (xã Châu Bình, Quỳ Châu, Nghệ An).

- Bà có thể cho biết cụ thể các nghiên cứu đó cho thấy thực trạng vi chất ở trẻ em Việt Nam như thế nào?

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Thị Nhung: Chúng tôi đã có rất nhiều nghiên cứu. Nghiên cứu mới nhất năm 2014-2015 cho thấy, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là khoảng 20-22%. Nghiên cứu năm 2011 về trẻ em ở 6 tỉnh, thành cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin D của trẻ em tiểu học là từ 46 đến 58%. Vi chất dinh dưỡng khi chuyển hóa trong cơ thể thường có liên quan chặt chẽ với nhau: Vitamin D đóng vai trò trong điều phối chuyển hóa canxi, bổ sung vitamin D vào sữa cũng giúp hỗ trợ chuyển hóa canxi tốt hơn. Vì vậy, việc bổ sung là rất cần thiết.

- Nhật Bản là nước được đánh giá thành công nhất trong việc áp dụng chương trình sữa học đường. Bà đã có 8 năm học tập và nghiên cứu về dinh dưỡng học đường ở Nhật Bản, bà thấy đâu là kinh nghiệm cho Việt Nam?

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Thị Nhung: Nhật Bản triển khai chương trình sữa học đường ngay từ sau chiến tranh thế giới thứ hai và họ đã rất thành công trong việc cải thiện thể trạng người Nhật.

Bài học của sự thành công đó là họ đã kết hợp rất tốt bốn yếu tố: sữa học đường, bữa ăn học đường, giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất.

Sữa học đường rất quan trọng nhưng sữa chỉ là một bữa phụ, chúng ta còn cần phải quan tâm tới bữa chính nữa. Một bữa chính đủ dinh dưỡng phải có khoảng 10 loại thực phẩm khác nhau.

Ở Việt Nam, chúng tôi đã có đề án Bữa ăn học đường với phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng tại địa chỉ buaanhocduong.com.vn. Phần mềm cho phép người dùng tạo thực đơn từ ngân hàng có sẵn đã cân bằng dinh dưỡng. Ngân hàng này có 120 thực đơn với trên 360 món ăn không lặp lại, cân bằng về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và ngon miệng, được phân loại theo 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Chỉ cần đăng nhập phần mềm này, các trường có thể tự xây dựng được thực đơn dinh dưỡng cho bữa ăn học đường của trường mình.

Hiện cả nước có khoảng 4.000 trường có bữa ăn bán trú, trong đó có khoảng 3.000 trường đã đăng nhập phần mềm. Trong số các trường tham gia vẫn có nhiều trường chưa thực hiện được đầy đủ theo khuyến nghị. Lý do là vì vấn đề kinh phí.

Để thực hiện được bữa ăn đủ dinh dưỡng cần mức kinh phí khoảng 25.000 đồng đến 30.000 đồng/bữa. Nhưng có nhiều trường, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, chỉ thu khoảng 10.000 đến 15.000 đồng/bữa, thậm chí có nơi chỉ 8.000 đồng/bữa, thì không thể đủ kinh phí thực hiện bữa ăn đủ dinh dưỡng cho học sinh, chưa nói đến có sữa trong bữa phụ.

Bên cạnh đó còn phải giáo dục dinh dưỡng, giáo dục thể chất cho học sinh. Vì thế, để cải thiện hiệu quả thể trạng học sinh, cần phải có sự chung tay kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội./.

Hà Nội sẽ công khai doanh nghiệp trúng thầu sữa học đường sau 30 ngày. (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục