Đại biểu Quốc hội: Sử dụng đồng tiền hiệu quả, tránh lãng phí

Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, những công trình mới cần phải xem xét, cái gì cần thiết, phát huy hiệu quả thì chúng ta mới đầu tư, tránh sự dàn trải.
Đại biểu Quốc hội: Sử dụng đồng tiền hiệu quả, tránh lãng phí ảnh 1Đại biểu Đỗ Văn Sinh trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020 dự kiến có 8/12 chỉ tiêu đạt và vượt, GDP tăng trưởng dương (ước đạt trên 2%) là một điểm sáng trong khu vực và thế giới.

Đáng chú ý, nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành, hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân bước đầu vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung vào xử lý nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khó khăn, thể hiện sự năng động, nhất quán, sâu sát, quyết liệt.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đề nghị đánh giá rõ thêm về khả năng thu, tình hình hụt thu và việc giảm chi theo quy định và mức bội chi hợp lý và những tác động đến nợ công, kinh tế vĩ mô trong năm 2020.

Bên hành lang Quốc hội diễn ra chiều 20/10, đại biểu Đỗ Văn Sinh Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có một số trao đổi với phóng viên để làm rõ hơn vấn đề trên.

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình hụt thu và những tác động của vấn đề kinh tế-xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay thu ngân sách không đạt so với dự kiến (hụt thu 189,2 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó chúng ta vẫn phải chi, thậm chí phải chi nhiều hơn, mặc dù chúng ta đã và đang thực hiện việc tiết kiệm chi tối đa. Tuy nhiên việc tiết kiệm đó thì cũng chỉ được khoảng trên dưới 39.000 tỷ đồng.

Nhưng tổng thể thì việc chi của ta vẫn phải tăng, bởi chi cho an sinh xã hội. Song cũng phải khẳng định, thời gian qua chúng ta đã điều hành rất quyết liệt.

Cụ thể, Chính phủ vừa đảm bảo an sinh xã hội và vẫn có chính sách tài khóa để cho các doanh nghiệp có cơ hội đứng vững, không bị phá sản.

Thực tế thì việc duy trì không để doanh nghiệp phá sản là một chính sách đúng đắn, bởi nếu doanh nghiệp phá sản thì không có nguồn thu ngân sách.

[Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội]

Tuy vậy cũng phải thấy rằng, trong thời gian qua chúng ta đã có rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng một số chính sách doanh nghiệp lại không tiếp cận được. Đứng trước thực tế đó, vừa qua Chính phủ tiếp tục điều chỉnh những chính sách để đi vào thực tế hơn.

Tôi hy vọng những điều chỉnh trong thời gian tới thì những chính sách sẽ đến được với doanh nghiệp với người dân một cách kịp thời hơn.

- Vậy ông đánh giá thế nào về việc nợ công và bội chi tăng?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Trong bối cảnh hiện nay trên toàn thế giới đều có những gói kích cầu bơm vào nên kinh tế, từ đó vực dậy nên kinh tế.

Một trong những mục tiêu quan trọng của chúng ta là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin,..), trong bối cảnh thu không đủ chi nếu dừng lại việc đầu tư này thì các công trình, dự án có nguy cơ dở dang, nếu như vậy thì hiệu quả lại càng không cao.

Trong khi GDP tăng trưởng không đạt như kỳ vọng mà chi đầu tư vẫn phải tiếp diễn thì rõ ràng nợ công và bội chi sẽ tăng. Do vậy, điều quan trọng nhất là sử dụng đồng tiền hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí.

Về vấn đề tiền lương, hiện Chính phủ mới đang đề xuất không điều chỉnh chi tiền lương trong năm 2021. Tôi cho rằng việc điều chỉnh có tăng tiền lương hay không phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát dịch COVID-19. Trong trường hợp kinh tế tăng trưởng, dịch COVID-19 được kiểm soát thì có thể tăng tiền lương.

Bởi tăng tiền lương cũng là hình thức kích cầu, chính vì vậy điều này cần phải cân nhắc, nếu dịch kinh tế phục hội chậm, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì chúng ta đành phải “thắt dây buộc bụng”.

- Như vậy việc hụt thu như vậy thì có ảnh hưởng đến đầu tư công không, thưa ông?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Quan điểm của tôi là kể cả ngân sách có hụt thu thì những dự án, công trình đang đầu tư chuyển tiếp thì vẫn phải tiếp tục đầu tư, vì nếu dừng là lãng phí.

Ví dụ một công trình sắp hoàn thành mà đang thiếu vốn chuyển tiếp sang năm 2021 mà phải dừng lại thì có nghĩa là toàn bộ vốn sẽ “chôn” ở đó, không phát huy được hiệu quả.

Tuy vậy, những công trình mới thì chúng ta cần phải xem xét, cái gì cần thiết, phát huy hiệu quả thì chúng ta mới đầu tư, tránh sự dàn trải.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục