Tình hình mưa lũ ngày 19/10: Khép lại 40 giờ tìm kiếm thi thể 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337

Đến gần 15 giờ ngày 19/10, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy tất cả 22 thi thể cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 trong vụ sạt lở đất kinh hoàng tại tỉnh Quảng Trị. Trong khi đó, mưa lớn và ngập lụt tiếp tục xảy ra ở Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình...

Tìm thấy toàn bộ 22 thi thể cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp tại Quảng Trị

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy toàn bộ 22 thi thể cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp. Ảnh: TTXVN phát

Đến chiều 19/10, sau hơn một ngày khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn, thi thể 22 cán bộ, chiến sĩ trong vụ sạt lở đất tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - nơi đóng quân Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, đã được tìm thấy và đưa về với gia đình.

Trên con đường sạt lở mới được khắc phục, hàng trăm người dân địa phương, hàng trăm công nhân, chiến sĩ, lực lượng cứu hộ đứng lặng lẽ hai bên đường đưa tiễn những cán bộ, chiến sĩ gặp nạn về với quê nhà.

Chú thích ảnh
Xe cứu thương khẩn trương đưa các thi thể chiến sỹ ra khỏi hiện trường. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Trước đó, từ sáng18/10, khi xảy ra vụ sạt lở đất khiến 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 thuộc Quân Khu IV bị vùi lấp, các đơn vị của Bộ Quốc phòng và tỉnh Quảng Trị đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để tìm kiếm những cán bộ, chiến sĩ còn bị vùi lấp với tinh thần khẩn trương, quyết liệt để tìm được các nạn nhân trong thời gian sớm nhất.

Xuyên đêm 18/10, hàng chục chiếc xe ủi, xe cẩu, xe tải, xe chuyên dụng sửa chữa đường đã hoạt động hết công suất. Từ dưới núi, những chuyến xe tải chở hàng tấn đá hộc liên tục được đưa lên phục vụ công tác san lấp những điểm sạt lở. Hàng trăm công nhân làm thâu đêm, tất cả chỉ mong sớm hoàn thành việc thông đường để phục vụ công tác cứu hộ.

Không chỉ công an, bộ đội, lực lượng cứu hộ, những đồng bào Vân Kiều ở thôn Choa, thôn Cợp (gần hiện trường vụ sạt lở) cũng luôn nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ trong suốt thời gian diễn ra cứu hộ.

Và đến gần 15 giờ ngày 19/10, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy tất cả 22 thi thể cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337. Như vậy, sau gần 40 giờ kể từ khi vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, toàn bộ 22 thi thể cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đã được tìm thấy. Thi thể các cán bộ, chiến sĩ được xe cứu thương đưa về thành phố Đông Hà, Quảng Trị.

Chú thích ảnh

Vẫn đau đáu hướng về Rào Trăng 3

Không chỉ ngóng trông các thông tin tìm kiếm 22 cán bộ, chiến sĩ mất tích tại Quảng Trị, ngày 19/10, người dân cả nước còn luôn đau đáu hướng về công tác tìm kiếm thi thể 15 công nhân còn lại tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế). Tuy nhiên, do tiếp tục có mưa to, xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới, không thể đưa máy móc, phương tiện lên vị trí tìm kiếm như kế hoạch… nên đến nay vẫn chưa tìm thấy thêm công nhân mất tích nào.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường Thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường thủy. Ảnh: TTXVN phát

Trước đó, sáng 19/10, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động hàng chục cán bộ chiến sĩ, phương tiện tập trung vận chuyển 200 thùng mì tôm, 500 kg gạo và nhiều nhu yếu phẩm, thuốc men, thiết bị máy móc cần thiết, nhiên liệu, xe xúc tập kết tại xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, vượt qua lòng hồ thủy điện Hương Điền đến đập Thủy điện Rào Trăng 4 để tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3.

Bộ Công an cũng đã tăng cường thêm phương tiện đường thủy cho Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, gồm 2 cano có mã lực lớn để phục vụ công tác vận chuyển lực lượng, phương tiện và nhu yếu phẩm cũng như tìm kiếm cán bộ công nhân đang còn mất tích.

Hiện nay, có 23 người đang ở lại để vận hành nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 và tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3. Lực lượng này đã được tiếp tế lương thực đảm bảo cho 15 ngày.

Tổng hợp từ các nguồn thông tin, bước đầu lực lượng cứu hộ xác định có 2 điểm sạt lở làm sập nhà điều hành và khu lán trại, vùi lấp 17 công nhân; trong đó, ở khu nhà điều hành là 15 người, khu lán trại là 2 người.

Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư Lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 đang trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường. Các lực lượng quân đội, công an, giao thông đang tiếp tục khẩn trương thực hiện công tác tìm kiếm 15 nạn nhân còn mất tích. Lực lượng quân đội đã huy động thêm 500 người (Quân khu IV 300 người, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế 200 người) để tham gia công tác tìm kiếm. 

Chiều 19/10, tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Vinh, UBND thành phố Vinh phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An tổ chức trang trọng Lễ an táng các liệt sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3.

Các liệt sĩ được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Vinh gồm: Thượng tá Lê Tất Thắng - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 80, Quân khu 4; Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường - Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 80, Quân khu 4; Đại úy Đinh Văn Trung - Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 80, Quân khu 4. Riêng Thượng tá Nguyễn Tiến - Phó trưởng phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu, Quân khu 4 được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Nghi Lộc.

Mưa lũ đã làm 102 người chết

Tại Hà Tĩnh, mưa rất lớn liên tục nhiều ngày qua khiến mực nước hồ Kẻ Gỗ đến sáng 19/10 đã vượt mực nước dâng bình thường 0,9m (tương ứng 33,4/32,5m so với thiết kế). Do khu vực Kẻ Gỗ vẫn tiếp tục mưa to, nước thượng nguồn đổ về hồ tăng nhanh nên đến 7 giờ ngày 19/10, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã tăng lưu lượng xả lên 900 m3/s. Trước đó, lúc 23 giờ ngày 18/10, Công ty đã thông báo tăng lưu lượng xả tràn lên từ 400 - 500 m3/s.

Chú thích ảnh
Các tuyến đường tại thành phố Hà Tĩnh đều bị ngập nặng, giao thông chia cắt. Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, mưa to xối xả cùng với các hồ đập lớn như Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, Khe Xai, Tàu Voi, Thượng Sông Trí… đồng loạt xả tràn điều tiết lũ khiến nước lũ lên nhanh. Tới thời điểm hiện nay, nhiều xã ở Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh, Hương Khê, Thạch Hà… đã bị cô lập. Các hộ gia đình phải di chuyển đồ lên cao tránh bị ngập nước.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Lệnh sơ tán dân. Theo đó, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Thành phố Hà Tĩnh khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức di dời dân vùng hạ du Hồ chứa nước Kẻ Gỗ đến nơi an toàn. Cụ thể: Huyện Cẩm Xuyên di dời 13.300 hộ với 43.200 người; huyện Thạch Hà di dời 1.420 hộ với 2.685 người; thành phố Hà Tĩnh di dời 263 hộ, 701 người.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, khu vực tỉnh tiếp tục có mưa to. Vì thế, số hộ dân phải sơ tán sẽ còn lớn hơn trong thời gian tới.

Tại Quảng Trị, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tính đến 20 giờ ngày 19/10, mưa lũ đã làm 49 người chết, 8 người mất tích và 25 người bị thương trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Di chuyển người dân ra khỏi khu vực ngập lũ tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị).Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN

Mưa lũ bắt đầu từ ngày 6 - 15/10 tại Quảng Trị đã khiến 80 trong tổng số 124 xã, phường, thị trấn với hơn 45.900 căn nhà bị ngập lụt. Đến ngày 16 - 18/10 mưa vẫn tiếp tục khiến tình trạng ngập lụt xảy ra trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện đảo Cồn Cỏ), với trên 54.100 ngôi nhà bị ngập, trong đó tỉnh đã sơ tán 15.011 hộ gia đình với 48.498 người đến các địa điểm an toàn. Lũ lụt đã khiến hơn 347 ha lúa bị bồi lấp, ngập; hơn 5.860 con gia súc, trên 547.800 con gia cầm các loại bị chết, cuốn trôi; 836 ha diện tích cây trồng hàng năm và 522 ha diện tích cây ăn quả bị thiệt hại; hơn 1.380 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập…

Hiện nay, tại một số địa phương nước đã bắt đầu rút, tuy nhiên vẫn có nhiều địa phương bị cô lập hoặc ngập sâu trong nước. Chính quyền tỉnh Quảng Trị đang gấp rút triển khai việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời thực hiện các phương án tập trung khắc phục hậu quả sau mưa lũ như: huy động lực lượng các đoàn thể ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường đặc biệt ưu tiên trường học, đường giao thông, chợ…; cung cấp hóa chất khử trùng xử lý nguồn nước, cũng như các loại thuốc cần thiết để phòng chống dịch bệnh…

Tại Quảng Bình, chiều 19/10, ông Phan Thanh Cường, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết, Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định hoãn tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 (dự kiến diễn ra từ 21 - 23/10) để tập trung cứu dân và ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn ra phức tạp.

Chú thích ảnh
Mưa lũ khiến hơn 95.000 ngôi nhà tại Quảng Bình bị ngập trong nước. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN

Với phương châm cuộc sống, tính mạng của người dân là quan trọng nhất, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã trong tỉnh… sẵn sàng sơ tán người dân ở các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không nguy cơ cao đến nơi an toàn để đảm bảo thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong đợt lũ lụt này…

Trong những ngày qua, do mưa lớn và kéo dài, đa số các dòng sông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều vượt mức báo động II; đa số các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đạt 85% đến 100% dung tích thiết kế. Nhiều tuyến đường bị mưa lũ chia cắt, trong đó có nhiều đoạn trên tuyến đường Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh khiến hàng trăm xe vận tải không thể lưu thông, gây ách tắc kéo dài.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 16 giờ ngày 19/10, mưa lũ đã làm 102 người chết (Quảng Bình có 4 trường hợp, Quảng Trị: 48, Thừa Thiên - Huế: 27, Quảng Nam: 11, Đà Nẵng: 4, Quảng Ngãi: 1, Gia Lai: 1, Đắk Lắk: 1, Lâm Đồng: 1, Kon Tum: 2); 26 người mất tích (Quảng Trị: 8, Thừa Thiên - Huế: 15, Đà Nẵng: 1, Gia Lai: 1; 13 tuyến quốc lộ, 30.050m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng (chủ yếu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).

Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sẽ mạnh lên thành bão

Hiện nay, đã xuất hiện áp thấp nhiệt đới đang hoạt động phía Đông Philippines, dự báo 24 - 48 giờ tới di chuyển vào Biển Đông và mạnh lên thành bão, đồng thời mưa đặc biệt lớn đã và đang xảy ra tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; lũ trên nhiều tuyến sông vượt lũ lịch sử; sạt lở đất, lũ quét và ngập sâu diện rộng. Dự báo, từ nay đến 21/10 và các ngày tiếp theo mưa đặc biệt lớn vẫn tiếp tục diễn ra, nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu trên diện rộng.

Chú thích ảnh
Bản đồ đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TTXVN phát

Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Nam cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển; lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ; tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập...

Tích cực cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn

Chiều 19/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ triển khai các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại miền Trung.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp chiều 19/10. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

 

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trận "lũ chồng lũ, bão chồng bão" lịch sử tại miền Trung đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tính mạng con người và tài sản. Thủ tướng Chính phủ chia sẻ mất mát với đồng bào miền Trung, đặc biệt là những người bị nạn, cán bộ, chiến sĩ, phóng viên đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vừa qua. Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự vào cuộc của các lực lượng với tinh thần không màng hiểm nguy bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân trong phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Trước tình hình lũ bão dồn dập, liên tiếp gây thiệt hại nặng nề đến các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các lực lượng phải sẵn sàng hơn nữa để cứu dân trên tinh thần "không được để dân đói rét, không để dân màn trời chiếu đất"; tích cực cứu hộ, cứu nạn, nhưng phải đảm bảo an toàn.

"Cứu hộ, cứu nạn phải đảm bảo cho người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo cuộc sống bình thường. Hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là thanh niên, phụ nữ, các lực lượng liên quan, các nhà hảo tâm, người dân không bị ảnh hưởng mưa lũ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ đồng bào với tinh thần lá lành, đùm lá rách", Thủ tướng nói.

 

Chú thích ảnh
Lực lượng điện lực Quảng Bình kiểm tra an toàn điện và ứng cứu bà con vùng lũ. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN

Thủ tướng tán thành với đề xuất của các bộ, ngành; trước mắt, xuất cho mỗi tỉnh chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ 1.000 tấn gạo. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp nhanh, kịp thời, phân bổ trực tiếp đến đúng đối tượng. Về đề nghị hỗ trợ lương khô, Bộ Quốc phòng chỉ đạo xử lý kịp thời để hỗ trợ, trường hợp cần thiết, ngân sách nhà nước sẽ cấp bổ sung.

Thủ tướng cũng đồng ý xuất cấp phương tiện trang bị, thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt một số phương tiện nhỏ, cấp thiết để cứu người dân ở những vùng bị chia cắt. Trước mắt, Thủ tướng đồng ý việc hỗ trợ các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 100 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Quốc phòng cần báo cáo việc ứng kinh phí, làm tốt nhiệm vụ đặt ra trong phòng, chống lũ lụt…

Bộ Quốc phòng tăng cường động viên các lực lượng có liên quan, giải quyết tốt chính sách, chế độ cho các đơn vị bị thiệt hại về người theo đúng quy định. Thủ tướng nhấn mạnh, trong phòng chống lũ lụt cần có kịch bản chi tiết cho các hồ chứa, phương án cứu trợ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vùng hạ du. Đây là yêu cầu rất lớn trong lúc bão, lũ đang diễn ra gay gắt ở các tỉnh miền Trung.

Cả nước hướng về "khúc ruột" miền Trung

Chú thích ảnh
Cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả do thiên tai lũ lụt. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Sáng 19/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do mưa lũ kéo dài, thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng cùng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Chính phủ.

Trước những mất mát, đau thương mà đồng bào miền Trung phải gánh chịu, để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ đồng bào các tỉnh khắc phục hậu quả do đợt mưa lũ kéo dài gây ra, phát huy truyền thống “tương ân, tương ái”, “lá lành, đùm lá rách” của dân tộc, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bị mưa lũ sớm phục hồi sản xuất và ổn định đời sống.

Chú thích ảnh
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Cùng ngày, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cứu trợ Trung ương Quyết định phân bổ 20 tỷ đồng từ nguồn cứu trợ trung ương quản lý để hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do bão lũ gây ra tại 5 tỉnh miền Trung, trong đó hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình mỗi tỉnh 5 tỷ đồng; tỉnh Quảng Nam 3 tỷ đồng, tỉnh Hà Tĩnh 2 tỷ đồng.

Ngày 19/10, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên khắp cả nước đều có những hoạt động ủng hộ người nghèo, hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt.

Chú thích ảnh
Lực lượng công an Hà Tĩnh giúp nhân dân sơ tán tránh lũ. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 19/10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, Trung ương Hội tiếp tục cứu trợ đợt 3 đối với 3 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ: Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh. Tổng giá trị tiền và hàng gần 2,7 tỷ đồng.

Trong đó, Trung ương Hội hỗ trợ tỉnh Quảng Bình: 500 triệu đồng, 400 thùng hàng gia đình, 300 túi hàng gia đình, 300 hộp bột lọc nước; tỉnh Quảng Trị: 500 triệu đồng, 400 thùng hàng gia đình, 300 túi hàng gia đình, 300 hộp bột lọc nước; tỉnh Hà Tĩnh: 300 triệu đồng, 300 thùng hàng gia đình, 400 túi hàng gia đình, 200 hộp bột lọc nước.

Trong sáng 19/10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức lễ quyên góp, ủng hộ đồng bào miền trung bị ảnh hưởng lũ lụt trong cán bộ, người lao động toàn cơ quan. Ngày mai (20/10), Trung ương Hội sẽ cử hai đoàn công tác đi cứu trợ các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

Trước đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế với tổng giá trị tiền và hàng gần 2 tỷ đồng.

Ngày 19/10, thông tin từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA đã hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế 50 máy lọc nước và 250 tấm trải nhựa nhằm giúp người dân trong vùng bị ảnh hưởng của bão lũ nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai, sớm ổn định cuộc sống. Số hàng viện trợ này đã được chuyển từ Nhật Bản và sẽ về tới Sân bay Đà Nẵng theo hai đợt; đợt đầu tiên vào 17h30 ngày 19/10/2020.
Chú thích ảnh
Hàng viện trợ của Chính phủ Nhật Bản cho Việt Nam gồm 50 máy lọc nước và 250 tấm trải nhựa. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Nhóm PV TTXVN - Hà Phương (tổng hợp)
Quảng Trị khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt
Quảng Trị khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tính đến 20 giờ ngày 19/10, mưa lũ đã làm 49 người chết, 8 người mất tích và 25 người bị thương trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN