Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế - Bài 2: Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội

Hàng năm, hơn 500 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã cung cấp cho thị trường lao động khoảng 500.000 sinh viên, học sinh tốt nghiệp ở các bậc sơ cấp đến cao đẳng.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố đạt 85%, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

Chú thích ảnh
Sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức trong giờ thực hành tại phân xưởng. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Nâng chất và lượng đào tạo nghề

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ Sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành cơ bản những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề năm 2019 đạt 84,79%, ước năm 2020 đạt 85,2% trong tổng số lao động đang làm việc. Tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong ngành công nghệ, dịch vụ trình độ cao và các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm ước đạt 87%. Chương trình, giáo trình giáo dục nghề nghiệp được chuẩn hóa theo hướng hiện đại, từng bước thực hiện thí điểm mô hình đào tạo kép; học viên tốt nghiệp có chất lượng và có việc làm trên 85%.

Cùng với tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng lên, chất lượng các chương trình giáo dục nghề nghiệp từng bước nâng cao hiệu quả với nhiều mô hình được triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Một trong những mô hình đang được nhiều trường áp dụng hiệu quả như mô hình “đào tạo kép” – học tại nhà trường và doanh nghiệp. Trong đó, 30% thời lượng đào tạo được dành để đào tạo về lý thuyết tại trường, 70% đào tạo thực hành, kỹ năng tại các doanh nghiệp. Mô hình này được đánh giá mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Cụ thể, nhà trường thuận lợi hơn trong xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo, sinh viên ra trường có việc làm, còn doanh nghiệp có được đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu.

Ông Lê Hồng Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp quốc tế Sài Gòn cho biết: Việc liên kết nhà trường với doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao trong đào tạo. Hiện tại ở trường, học sinh được thực hành 70% tổng thời gian học, giúp các em thành thạo nghề trước khi ra trường. Nhiều học sinh được nhà tuyển dụng “đặt hàng” ngay khi bước vào năm thứ 2. Đặc biệt, năm 2020 trường bắt đầu tuyển sinh các lớp chất lượng cao, đào tạo theo mô hình đào tạo kép, đào tạo song song giữa lý thuyết tại trường và thực hành tại các cơ sở y tế. Nhà trường cam kết nếu các em tham gia học trên 90% thời lượng học, sau 2 năm nếu chuyên môn chưa vững, không làm được nghề y học cổ truyền thì nhà trường sẽ hoàn trả học phí 100% cho học sinh.

Từ năm 2018, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức bắt đầu triển khai mô hình đào tạo kép ở nhiều ngành đào tạo. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện, trường ký kết với một số doanh nghiệp, đưa 26 sinh viên tham gia đào tạo khóa đầu tiên. Thực hiện theo mô hình này, sinh viên học lý thuyết, kiến thức cơ bản tại trường và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp tại doanh nghiệp. Trong thời gian học tại doanh nghiệp, đội ngũ giảng viên của trường cùng chuyên gia của doanh nghiệp sẽ giám sát, hỗ trợ sinh viên rèn luyện thực hành, kỹ năng mềm, giúp các em tự tin hơn sau khi ra trường. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, sinh viên có thể làm việc chính thức tại doanh nghiệp mà không phải đào tạo.

Cùng với đó, mô hình 9+ cũng đang được nhiều trường triển khai hiệu quả, góp phần thu hút học sinh, sinh viên theo học nghề. Mô hình này được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học nghề tại các trường cao đẳng. Tại trường Cao đẳng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình này đang được thực hiện theo 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1, học sinh học song song văn hóa tới lớp 11 và nghề (học sinh được cấp bằng Trung cấp chính quy); giai đoạn 2 tiếp tục học văn hóa lớp 12 và nghề (học sinh được cấp bằng Cao đẳng chính quy và có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông).

Ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thực hiện mô hình 9+ giúp học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở rút ngắn thời gian học cao đẳng, tiết kiệm chi phí học tập. Cụ thể, học sinh học song song văn hóa rút gọn (7 môn) với chương trình đào tạo cao đẳng. Sau thời gian 3,5 đến 4 năm, các em có thể nhận bằng cao đẳng và đi làm, các em cũng có thể dễ liên thông các bậc học cao hơn.  

Các trường nghề cũng tích cực trong hợp tác quốc tế, nhằm đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế. Từ năm 2017, Trường Cao đẳng Nghề Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện thí điểm chương trình đào tạo nhận chuyển giao từ Học viện Chisholm – Úc ở một số chuyên ngành Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm), Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, Điện tử công nghiệp. Kết thúc khóa học, hơn 50 sinh viên theo học chương trình này được nhận song song 2 bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng của 2 đơn vị đào tạo…

Mặt khác, nhiều chương trình đào tạo trong nước có chất lượng cao đã được các tổ chức quốc tế công nhận. Điển hình như năm 2018, Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng là trường đầu tiên của cả nước được tổ chức ABET (Hoa Kỳ) đánh giá và công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng ABET ở 2 chuyên ngành đào tạo, gồm: Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử và Công nghệ kỹ thuật cơ khí.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, ngành tiếp tục đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc. Trong đó, ngành tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đào tạo nhân lực trình độ cao trong các ngành công nghiệp, dịch vụ chủ yếu, 8 ngành dịch chuyển lao động tự do trong khối ASEAN và các ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường nghiên cứu khoa học giáo dục nghề nghiệp gắn với thực tế sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động xã hội của thành phố.

Tập trung ngành mũi nhọn

Chú thích ảnh
Các học viên thực hành lập trình và vận hành Robot tại Trung tâm Đào tạo khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP-Training). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Lựa chọn ngành nghề thế mạnh, mũi nhọn, không đầu tư dàn trải là hướng đi của nhiều trường nghề hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, giải quyết khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Dù định hướng đào tạo đa ngành từ bậc sơ cấp theo nhu cầu của xã hội đến bậc trung cấp, nhưng Trường trung cấp quốc tế Sài Gòn cũng xác định một số ngành mũi nhọn để tập trung đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ông Lê Hồng Việt, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong 2 năm trở lại đây, trường chủ yếu tập trung cho 2 ngành mũi nhọn là Chăm sóc sắc đẹp và Y sĩ y học cổ truyền. Thực tế, những năm gần đây, nhu cầu về làm đẹp và chăm sóc sức khỏe của người dân ngày cao, do vậy nhà trường rất chú trọng chất lượng đào tạo để cung ứng ra thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao và được thị trường đón nhận, đánh giá cao về chuyên môn.

Tại Trường Trung cấp Việt Giáo, quy mô đào tạo hàng năm của trường là 500 chỉ tiêu trung cấp chính quy và 1.200 chỉ tiêu các khóa sơ cấp nghề (đào tạo ngắn hạn từ 3-6 tháng). Ông Trần Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Căn cứ trên nhu cầu thực tế của thị trường lao động, trong giai đoạn hiện nay, trường tập trung các ngành đào tạo thuộc khối ngành dịch vụ, như: Khách sạn, du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn… Hiện kinh tế du lịch đã và đang chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của quốc gia. Lợi ích ngành kinh tế du lịch mang lại là rất lớn, không chỉ dưới góc độ đóng góp vào GDP, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, mà còn là phương thức quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam... Do đó, ngành này rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong bối cảnh các trường nghề phải chật vật với vấn đề tuyển sinh, những năm gần đây, Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh có kết quả tuyển sinh tăng dần qua từng năm học, đạt trên 85% chỉ tiêu đề ra. Hiện trường đang đào tạo 24 ngành nghề, trong đó ngành Cơ khí chế tạo máy nằm trong danh sách các ngành được đầu tư trọng điểm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Huỳnh Tấn Mẫn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, nhà trường xác định một số ngành cần tiếp tục chú trọng đào tạo như: Ngành Logistic, Cơ khí chế tạo, Bảo trì và sửa chữa thiết bị nhiệt trở thành ngành đào tạo mũi nhọn của trường. Ngành Cơ khí chế tạo đạt 100% các tiêu chí ngành đào tạo trọng điểm cấp quốc gia.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 500 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có hơn 50 trường cao đẳng, hơn 60 trường trung cấp và gần 90 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong những năm qua, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nhà trường, xây dựng các dự án cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Cùng với đó, Sở mở rộng các chương trình hợp tác quốc tế đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý theo định hướng tiên tiến cấp khu vực và thế giới. Đặc biệt, các trường chất lượng cao, các trường có nghề trọng điểm được thành phố ưu tiên đầu tư, tiếp cận với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và thực tế của nhu cầu thị trường.

Bài cuối: Giáo dục đại học nỗ lực hội nhập quốc tế

Thu Hoài (TTXVN)
Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế - Bài cuối: Giáo dục đại học nỗ lực hội nhập quốc tế
Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế - Bài cuối: Giáo dục đại học nỗ lực hội nhập quốc tế

Đáp ứng yêu cầu trong quá trình phát triển và hội nhập, đào tạo nhân lực trình độ quốc tế là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục đại học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN