TP Hồ Chí Minh sẽ thí điểm mô hình đại học chia sẻ

Ngày 16/10, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết, Sở đã tích cực phối hợp với Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học xây dựng Đề án tổng thể “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ” cùng với 9 Đề án thành phần.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, thành phố có 54 trường đại học, học viện, với hơn 200.000 sinh viên đang theo học nhiều ngành nghề khác nhau. Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học đã được thành lập và đi vào hoạt động. Chương trình đào tạo được các trường thường xuyên điều chỉnh, trong đó nhiều chương trình đào tạo tiên tiến được giảng dạy tại các trường, đặc biệt là các thỏa thuận hợp tác quốc tế. Có nhiều trường đại học, cao đẳng triển khai liên kết đào tạo với nước ngoài với hơn 170 chương trình đào tạo liên kết, tạo điều kiện cho người học được tiếp cận các mô hình đào tạo tiên tiến của các nước trên thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh của người học trên thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Chú thích ảnh
 TP Hồ Chí Minh đang hướng đến tập trung đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và sẽ thí điểm mô hình đại học chia sẻ.

Các trường cũng nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập với hơn 4.000 sinh viên các nước trên thế giới đến học tập trong giai đoạn vừa qua. Nhiều sản phẩm từ công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ được đưa vào đời sống xã hội, nhiều ngành đào tạo được kiểm định theo chuẩn quốc tế. Trong 106 ngành đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có 84 ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế và 22 ngành được công nhận theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Toàn thành phố có 38 trường đại học, cao đẳng được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuẩn đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Từ quy mô và thực tế của ngành giáo dục thành phố như trên, thành phố đã đề xuất xây dựng một số nhóm giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế, như tích cực phối hợp với Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học xây dựng Đề án tổng thể “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ” với 9 đề án thành phần, nhằm đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế của 8 ngành trọng điểm: Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - ngân hàng; Y tế; Du lịch. Bên cạnh đó, xây dựng học liệu mở, xây dựng cơ chế, chính sách hình thành mô hình đại học chia sẻ, là những bước đi ban đầu trong quá trình xây dựng Đại học chia sẻ tại thành phố.

 

Đan Phương/Báo Tin tức
Đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ Sân bay Long Thành
Đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ Sân bay Long Thành

Ngày 17/7, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức Hội nghị triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho Dự án Sân bay Long Thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN