Armenia và Azerbaijan bắt đầu đàm phán cấp cao

Ngày 9/10, ngoại trưởng các nước Armenia và Azerbaijan đã bắt đầu cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên sau gần hai tuần giao tranh tại khu vực Nagorny-Karabakh.

Chú thích ảnh
Lực lượng Azerbaijan phá hủy một trạm kiểm soát của Armenia. Ảnh (trích từ video đăng trên website của Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 2/10/2020): AFP/TTXVN

Trên mạng xã hội Facebook, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: "Đàm phán đã bắt đầu" và đăng kèm ảnh người đứng đầu Bộ Ngoại giao các nước Nga, Armenia và Azerbaijan ngồi vào bàn đàm phán tại thủ đô Moskva của Nga. 

Trong khi đó, trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố sẵn sàng đàm phán về vấn đề Nagorny-Karabakh, nhưng sẽ không nhượng bộ Armenia. Ông lưu ý không có quốc gia nào khác có thể tác động đến ý chí của chính quyền Baku trong cuộc xung đột này. Tổng thống Aliyev cũng cảnh báo Azerbaijan trao cho Armenia "cơ hội cuối cùng" để giải quyết hòa bình tranh chấp giữa hai bên tại Nagorny-Karabakh.

Về phần mình, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố nước này sẵn sàng nối lại cuộc đàm phán do quốc tế làm trung gian với Azerbaijan để giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước tại vùng lãnh thổ nói trên. Theo báo Armenpress, Thủ tướng Pashinyan nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng nối lại tiến trình hòa bình phù hợp với những tuyên bố gần đây của tổng thống và ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm Minsk" của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). 

Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Liên chính phủ Á - Âu tại thủ đô Yerevan của Armenia cùng ngày, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin kêu gọi hai nước ngừng ngay lập tức các hoạt động quân sự tại khu vực Nagorny-Karabakh và thúc đẩy các giải pháp ngoại giao để giải quyết xung đột. Báo trên dẫn lời ông Mishustin nhấn mạnh Chính phủ Nga sẵn sàng đóng góp cho tiến trình hòa bình này cùng với các nước đồng Chủ tịch Nhóm Minsk của OSCE.

Lo ngại về tình trạng gia tăng thương vong trong dân thường sau gần hai tuần giao tranh tại khu vực Nagorny-Karabakh, Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền, bà Michelle Bachelet kêu gọi các bên xung đột "ngừng bắn khẩn cấp".

Trong một tuyên bố, bà Bachelet bày tỏ lo ngại sâu sắc khi nhiều khu dân cư được cho là đã rơi vào tầm bắn của các loại vũ khí hạng nặng trong và xung quanh khu vực xung đột. Cao ủy Nhân quyền LHQ nhấn mạnh cần phải thực thi "lệnh ngừng bắn khẩn cấp" để tránh tổn hại cho dân thường. Bà Bachelet cũng hối thúc tất cả các bên xung đột tuân thủ các nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế để bảo vệ tính mạng và cơ sở hạ tầng của người dân. 

Văn phòng của Cao ủy LHQ về nhân quyền cho biết đã nhận được những báo cáo hiện chưa thể kiểm chứng về thông tin khoảng 53 dân thường, trong đó có trẻ em, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh kể từ ngày 27/9 vừa qua. Đến nay, tổng cộng khoảng 400 người, trong đó có các binh sỹ, đã thiệt mạng trong khi hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Pháp, Mỹ và Nga thảo luận tình hình Nagorny-Karabakh
Pháp, Mỹ và Nga thảo luận tình hình Nagorny-Karabakh

Pháp, Mỹ và Nga tổ chức các cuộc thảo luận tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 8/10 liên quan đến cuộc xung đột trong khu vực Nagorny-Karabakh tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN