WB: Đầu tư vào giáo dục, y tế cho trẻ em để thúc đẩy kinh tế

Theo WB, nguồn vốn con người là động lực chủ chốt của tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, song đầu tư vào giáo dục và y tế chưa thực sự được chú trọng.
WB: Đầu tư vào giáo dục, y tế cho trẻ em để thúc đẩy kinh tế ảnh 1Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, Chủ tịch WB Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo và Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Angel Gurria tại một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thường niên IMF-WB ở Bali, Indonesia ngày 10/10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các chính phủ nên đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho trẻ em để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là lời kêu gọi được Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 11/10, tại hội nghị thường niên bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước thành viên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB diễn ra tại đảo Bali của Indonesia.

Dựa trên các chỉ số liên quan đến y tế và giáo dục, báo cáo của WB đưa ra “Chỉ số Nguồn vốn con người” đánh giá năng suất, tiềm năng thu nhập cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai của 157 nước thành viên của WB.

WB xác định nguồn vốn con người bao gồm sức khỏe, tri thức, kỹ năng của một người tích lũy cả đời. Theo đó, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản xếp vị trí hàng đầu trong danh sách xếp hạng chỉ số trên.

Singapore xếp vị trí thứ nhất với thu nhập đạt 88% tiềm năng trong điều kiện lý tưởng. Cộng hòa Chad, Nam Sudan và Niger ở vị trí cuối danh sách, trong đó, Cộng hòa Chad xếp vị trí cuối cùng với năng suất và thu nhập chỉ đạt 29% tiềm năng.

[Giáo dục nghề nghiệp mở: Đáp ứng sự thay đổi việc làm thời 4.0]

Chỉ số trên cho thấy 56% số trẻ em trên thế giới sinh trong năm nay sẽ mất 50% thu nhập tiềm năng trong đời do nghèo đói, sức khỏe yếu và thiếu cơ hội học hành. Những nước đạt 50% chỉ số trên - nghĩa là sẽ mất 50% tiềm năng kinh tế trong tương lai, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm ước tính sẽ giảm 1,4% trong 50 năm.

Theo WB, nguồn vốn con người là động lực chủ chốt của tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, song đầu tư vào giáo dục và y tế chưa thực sự được chú trọng.

Báo cáo nhấn mạnh đầu tư vào nguồn vốn con người khiến con người làm việc hiệu quả, linh hoạt và sáng tạo hơn - những yếu tố ngày càng trở nên quan trọng trong công việc để bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục