Dùng điện thoại trong lớp học: Trao quyền quyết định cho giáo viên

Tiến sỹ Đặng Văn Sơn cho rằng việc cho phép sử dụng điện thoại trong giờ học là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 nhưng những lo lắng về việc khó kiểm soát là có cơ sở.
Dùng điện thoại trong lớp học: Trao quyền quyết định cho giáo viên ảnh 1Không còn là những giờ học chay, học sinh cần nhiều học liệu cho mỗi tiết học. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp học vào mục đích học tập dưới sự cho phép của giáo viên đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Xu thế tất yếu

Cô Nguyễn Thu Điệp, giáo viên Trường Trung học cơ sở Nhật Tân cho rằng việc sử dụng thiết bị công nghệ, trong đó có điện thoại di động, để hỗ trợ việc học tập là một nhu cầu có thực trong hoạt động dạy học, nhất là ở một số môn như Ngoại ngữ, Văn học…

“Ví dụ như trong môn Ngữ văn của tôi, các em sẽ cần dùng điện thoại để tìm hiểu thêm về tác giả, tác phẩm, về những vấn đề xã hội khi cần làm các bài nghị luận,” cô Điệp chia sẻ. Cũng theo cô Điệp, hiện các học sinh vẫn được giáo viên yêu cầu tìm hiểu các tài liệu trên internet phục vụ bài học nhưng là việc chuẩn bị ở nhà, trước khi đến lớp.

Quy định mới cũng nhận được sự đồng thuận của khá nhiều học sinh. Em Nghiêm Trương Ngân Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai cho hay em vẫn thường xuyên sử dụng điện thoại khá nhiều thời gian trong ngày cho mục đích học tập. “Mỗi ngày em sử dụng điện thoại khoảng 4 giờ để phục vụ cho học tập như tra từ điển, học nghe nói ở môn Tiếng Anh, tìm tài liệu cho các môn xã hội như Ngữ văn, Lịch sử… Em thấy việc này khá hiệu quả”, Ngân Anh chia sẻ.

Với cậu học sinh cùng trường Nguyễn Hiểu Minh, thời lượng dùng điện thoại để tra cứu tài liệu, chuẩn bị bài trước khi đến lớp, học các kỹ năng là từ 5 đến 6 tiếng mỗi ngày. “Em nghĩ việc cho phép sử dụng điện thoại trên lớp rất bổ ích cho chúng em để chuẩn bị tốt cho bài học,” Minh chia sẻ.

Nhìn từ góc độ quản lý, cô Nguyễn Phương Liên, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai cũng ủng hộ việc cho phép sử dụng điện thoại di động và thiết bị công nghệ trong giờ học nếu được cho phép của thầy cô. “Chúng tôi cũng từng hướng dẫn học sinh cách lấy tài liệu trên các trang chính thống để chuẩn bị cho bài học ở nhà. Quy định mới này giúp chúng tôi có cơ sở để  học sinh mang điện thoại đến tìm tư liệu cho bài học trên lớp,” cô Liên nói.

Lo khó quản lý

Điện thoại di động kết nối internet sẽ giúp học sinh khai thác được kho học liệu khổng lồ là điều không thể phủ nhận nhưng nhiều giáo viên băn khoăn về việc làm sao để quản lý được học sinh sử dụng đúng mục đích.

Là người có 40 năm kinh nghiệm, thầy Trần Quốc Doanh, giáo viên môn Toán, Trường Trung học phổ thông Trí Đức (Hà Nội) cho rằng khi không có điện thoại, học sinh sẽ tập trung hoàn toàn vào bài học. “Tuy nhiên, khi được sử dụng điện thoại, việc kiểm soát 40 học sinh trong một tiết học rất khó nếu không muốn nói là không kiểm soát được. Tôi không thể biết hết được trong 40 em, em nào đang truy cập môn Toán của tôi, em nào đang vào facebook, zalo, các trang mạng khác,” thầy Doanh chia sẻ.

Dùng điện thoại trong lớp học: Trao quyền quyết định cho giáo viên ảnh 2(Ảnh minh họa: PM/Vietnam+)

Cũng theo thầy Doanh, việc sử dụng internet trong thời đại hiện nay để phục vụ việc học là cần thiết, nhưng nên thực hiện ngoài giờ học chứ không phải trong 45 phút trên lớp.

“Để sử dụng hiệu quả trên lớp cần học sinh có ý thức học tập rất cao, trong khi điều này ở học sinh trung học cơ sở là rất khó vì ở lứa tuổi các em rất dễ sa đà vào những vấn đề khác,” thầy Doanh phân tích.

Cô Nguyễn Phương Liên, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai cho hay đây là một thực tế. “Nếu giáo viên không có đủ kỹ năng trong quản lý học sinh sẽ dẫn đến một số học sinh nhận thức chưa tốt sẽ sử dụng điện thoại vào mục đích riêng của mình. Hơn nữa, để sử dụng điện thoại trong giờ học hiệu quả cũng đòi hỏi giáo viên phải có trình độ công nghệ thông tin nhất định để hướng dẫn học sinh tìm tài liệu,” cô Liên chia sẻ. Theo đó, cô Liên cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có các kho học liệu điện tử để giáo viên, học sinh có thể thuận lợi trong tra cứu.

Cần hỗ trợ kỹ năng cho giáo viên, học sinh

Trước những ý kiến trái chiều, tiến sỹ Đặng Văn Sơn, người sáng lập Học viện Sáng tạo S3 cho rằng việc cho phép sử dụng điện thoại trong giờ học là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 và những lo lắng về việc khó kiểm soát cũng có cơ sở.

“Tuy nhiên, phải hiểu rõ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học dưới sự cho phép của giáo viên. Theo tôi, đây là sự trao quyền chủ động cho giáo viên. Giáo viên thấy cần và đủ điều kiện thì họ cho học sinh sử dụng, nếu không thì không sử dụng. Việc học sinh sử dụng điện thoại vào mục đích khác là có khả năng nhưng tôi cho rằng cách quản lý tốt nhất là giáo dục chứ không phải là ngăn cấm. Nếu vẫn mang tư duy không quản lý được là cấm thì sẽ cản trở sự tiến bộ. Điều chúng ta cần bàn là sử dụng công nghệ thế nào chứ không phải cho hay không cho,” ông Sơn nói.

[Huy chương vàng Olympic Toán quốc tế đặc biệt của cậu học trò lớp 10]

Chỉ ra các nội dung cụ thể hơn, ông Sơn cho rằng trước tiên Bộ nên có hướng dẫn cụ thể cho vấn đề này, như thế nào là sử dụng cho mục đích học tập? Thứ hai là trang bị cho giáo viên, học sinh kỹ năng để khai thác, tiếp cận được nguồn học liệu vô cùng đa dạng trên internet. Thứ ba là Bộ nên tạo dựng các nguồn học liệu an toàn, tin cậy.

“Cái gì cũng cần có quá trình. Để giảm thiểu rủi ro thì phải tập huấn cho giáo viên về an toàn internet, các nguy cơ, cách khai thác và phòng tránh thông tin không chính thống trên itneernt, từ đó giáo viên hỗ trợ học sinh. Cũng không nên kỳ vọng là việc sử dụng điện thoại trong các giờ học sẽ phổ biến ở các nhà trường vì điều này tùy vào từng giáo viên,” ông Sơn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục