Tin tức

Bạc Liêu dự kiến đào tạo nghề cho 120.000 lao động nông thôn vào năm 2025

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Nhật Bình – TTXVN
Ngày 24/9, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát lại nhu cầu học nghề của người lao động để có kế hoạch đào tạo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý, giáo viên đứng lớp…

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu Trần Hồng Chiến cho biết, trong 10 năm (2010 – 2020), tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo cho gần 52.200 lao động nông thôn, trong đó có 945 lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trên 9.500 lao động thuộc hộ nghèo, gần 4.000 lao động thuộc hộ cận nghèo, 122 người khuyết tật ... với tổng kinh phí hỗ trợ gần 61 tỷ đồng.

Tỉnh đầu tư xây dựng 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho 7 cơ sở công lập. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã cập nhật, sửa chữa hoặc xây dựng mới 131 chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ cho gần 5.100 lượt cán bộ, công chức cấp xã; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ trình độ trung cấp trở lên gần 1.300 người.

Từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Bạc Liêu dự kiến đào tạo nghề cho 120.000 lao động nông thôn. Để đạt được mục tiêu này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu Trần Hồng Chiến cho biết, tỉnh sẽ tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn phù hợp, sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, của thị trường lao động. Trên cơ sở này, tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm và trung hạn về chỉ tiêu đào tạo, nguồn lực thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đồng thời, tỉnh thành lập tổ chức có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, điều phối các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, huyện, xã; chú trọng chất lượng, hiệu quả trong chỉ đạo, điều phối thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn mới đến các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó, tỉnh lồng ghép, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng các mô hình đào tạo có hiệu quả thiết thực và phấn đấu đạt đa mục tiêu như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và tạo sinh kế của người dân, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, phù hợp với cơ cấu kinh tế, với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa và tiếp tục nâng cao năng lực đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, người dạy nghề, trong đó chú trọng nâng tỷ lệ giáo viên cơ hữu; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, xây dựng các chương trình, giáo trình đáp ứng nhu cầu, phù hợp với người học, với thị trường lao động và phát triển kinh tế của địa phương…

Dịp này, 30 tập thể và 47 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh./.

TTXVN/VNP


Top