Luật Bình đẳng giới phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quyền con người

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới về bình đẳng giới do tác động của kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thiên tai, biến đổi khí hậu...
Công tác bình đẳng giới đã bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Công tác bình đẳng giới đã bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Luật Bình đẳng giới được xây dựng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, bao gồm các điều ước quốc tế mang tính chất ràng buộc mà Việt Nam đã tham gia, các thỏa thuận liên Chính phủ...

Đây là thông tin được đưa ra tai hội thảo công bố báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức ngày 24/9 tại Hà Nội.

Phù hợp các chuẩn mực quốc tế

Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia ký kết nhiều văn kiện quốc tế về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Năm 2006, Việt Nam ban hành Luật bình đẳng giới, trong đó yêu cầu các cơ quan Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UNFPA để xây dựng Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới.

Báo cáo này đã được nhóm chuyên gia quốc tế và trong nước triển khai xây dựng. Báo cáo tập trung đánh giá sự thống nhất của Luật bình đẳng giới với những tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và các bộ luật, luật khác của Việt Nam; đánh giá kết quả thực hiện Luật trong giai đoạn 2007-2019, làm rõ những thành tựu và tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho việc sửa đổi Luật và đảm bảo công tác thi hành Luật được tốt hơn.

Việt Nam là một trong số quốc gia có khung pháp luật và chính sách khá toàn diện để thúc đẩy bình đẳng giới. Nguyên tắc phổ quát về bình đẳng nam nữ trong Hiến pháp được cụ thể hoá trong Luật Bình đẳng giới cùng nhiều văn bản luật pháp và chính sách ở mọi lĩnh vực của cuộc sống. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước đồng thời cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc hiện thực hoá cam kết của quốc gia thành viên đối với các công ước và luật pháp quốc tế về bình đẳng giới như Công ước CEDAW, Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

Theo báo cáo của UNFPA, Luật Bình đẳng giới phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, bao gồm các điều ước quốc tế mang tính chất ràng buộc mà Việt Nam đã tham gia, các thỏa thuận liên Chính phủ, các tuyên bố và văn kiện. Đặc biệt, Luật Bình đẳng giới phù hợp với nguyên tắc bình đẳng thực chất nhằm bảo đảm rằng phụ nữ và nam giới cùng được thụ hưởng các thành quả như nhau. Luật có những biện pháp đặc biệt nhằm thúc đẩy bình đẳng của phụ nữ, phù hợp với CEDAW và các chuẩn mực quốc tế khác, trong đó có các điều khoản quy định về sự tham chính của phụ nữ.

[Bình đẳng giới trong chính trị: Chỉ tiêu về lãnh đạo nữ phải toàn diện]

Luật Bình đẳng giới cũng đề cập các hình thức phân biệt đối xử, đan xen và đa lĩnh vực đối với phụ nữ trong các bối cảnh cụ thể, như phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số. Giống như nghĩa vụ được nêu trong CEDAW, Luật Bình đẳng giới quy định việc phải nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết: “Công tác bình đẳng giới đã bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của các cấp lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức và người dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Một số chỉ số phát triển được cải thiện đã đưa Việt Nam lên các bậc xếp hạng cao hơn và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới.”

Xác định rõ hành vi phân biệt đối xử

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới về bình đẳng giới do tác động của kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thiên tai, biến đổi khí hậu và những thay đổi về mặt nhân khẩu học. Những thách thức này đòi hỏi cần phải xây dựng những chính sách và hành động cụ thể để giữ vững những thành tựu đã đạt được đồng thời khắc phục những vấn đề giới còn đang tồn tại cũng như những vấn đề giới nảy sinh trong thời gian tới. Nỗ lực này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Luật Bình đẳng giới phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quyền con người ảnh 1Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chia sẻ: “Trong suốt 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được nhiều tiến bộ. Chúng tôi đã nhìn thấy những thành tựu đáng kể về thúc đẩy quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và thông qua việc đẩy mạnh khung pháp lý và thể chế.”

“Là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là yếu tố không thể thiếu trong tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội của mọi người. Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà còn là nền tảng cần thiết cho một xã hội Việt Nam hòa bình và thịnh vượng. Nếu không giải quyết vấn đề về bình đẳng giới, Việt Nam sẽ không có cách nào đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030,” bà Kitahara cho biết thêm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Thực tế, cả nam giới và phụ nữ đều chịu những tác động từ bất bình đẳng giới, song phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới được hoàn thành với những đánh giá, nhận định khách quan và có nhiều giá trị trong bối cảnh Luật Bình đẳng giới cần được xem xét sửa đổi trong giai đoạn tới đây.”

Báo cáo của UNFPA đề nghị cân nhắc sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đề cập tới mọi mặt của đời sống sao cho các lĩnh vực khác cũng được đưa vào luật. Bên cạnh đó cần định nghĩa các thuật ngữ về bình đẳng giới theo định nghĩa Ủy ban CEDAW, thừa nhận và quy định phân biệt đối xử gián tiếp về giới; xác định các hành vi bị cấm và làm rõ chế tài xử phạt tương ứng; xác định những hành vi có hại dẫn đến bất bình đẳng giới như việc trọng nam hơn nữ, lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh do định kiến giới, quấy rối tình dục, tảo hôn hoặc cưỡng ép kết hôn. Đặc biệt, Luật Bình đẳng giới vần tăng mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến bình đẳng giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục