''Ngấm đòn'' COVID-19: Tiềm ẩn nguy cơ từ ''bóng đen'' nợ xấu

Mặc dù ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp để "cứu" DN như cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, giảm lãi suất…, nhưng dịch bệnh kéo dài đã khiến khả năng trả nợ của nhiều DN gặp khó, làm nợ xấu tăng cao.
''Ngấm đòn'' COVID-19: Tiềm ẩn nguy cơ từ ''bóng đen'' nợ xấu ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Có thể khẳng định rằng kể từ khi đi vào thực thi đến nay, sau 3 năm, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Thực tế chứng minh, trong tổng số hơn 20 ngân hàng từng bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hiện có 17 ngân hàng mua lại toàn bộ nợ xấu trước đây đã bán. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại và tại VAMC đã có những tiến triển rõ rệt.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ đầu năm nay, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, khách hàng… đã gặp không ít khó khăn, dẫn đến mất khả năng trả nợ ngân hàng.

Điều này đã khiến cho "cỗ máy" xử lý nợ xấu, vốn đang trơn tru, bỗng bị khựng lại, tiềm ẩn nhiều bất ổn cho hệ thống ngân hàng cũng như những hệ luỵ có thể gây ra cho nền kinh tế.

Bài 1: Nhà băng ồ ạt rao bán tài sản, nhiều món hàng vẫn “ế trơ”

Từ đầu năm 2020 đến nay, các ngân hàng đồng loạt thanh lý các loại tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Tài sản rao bán khá đa dạng, từ bất động sản, máy móc, thiết bị sản xuất, các loại ôtô từ bình dân đến xe sang… thậm chí cả lò vi sóng!

Tuy nhiên, dù giảm giá mạnh nhưng chỉ rất ít người mua. Thậm chí, nhiều tài sản được ngân hàng đem ra đấu giá tới vài chục lần vẫn không thể bán được.

Giảm giá cả chục tỷ đồng vẫn không "đắt"

Lâu nay, các ngân hàng triển khai bán nợ xấu là các tài sản đảm bảo như bất động sản, máy móc, thiết bị sản xuất… đã rất chật vật, thì nay sau dịch COVID-19, việc “đẩy” nợ xấu lại càng khó khăn gấp bội.

Việc rao bán các tài sản thế chấp có giá trị lớn không dễ dàng. Lướt qua mục rao bán tài sản thế chấp, thanh lý nợ của các ngân hàng có thể thấy hàng loạt tài sản được rao hàng chục lần, thậm chí có món hàng rao bán đến lần thứ 31 mà vẫn chưa thể xử lý.

Đơn cử như Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace ở Phú Mỹ Hưng, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) tiếp tục rao bán 356 tỷ đồng, giảm khá mạnh so với mức 535 tỷ đồng đưa ra cuối năm ngoái.

Trung tâm tiệc cưới này được xây trên khu đất rộng 2.675m2, thời hạn sử dụng đến năm 2058 gồm 2 tầng hầm, 8 tầng nổi và sân thượng.

Tương tự như vậy, sau 31 lần bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Thúy Đạt (Nam Định) gồm nhà xưởng, nhà điều hành, dây chuyền sản xuất, với mức giá giảm hàng chục lần so với mức chào bán lần đầu, nhưng BIDV vẫn không tìm được chủ mới. Mới đây ngân hàng tiếp tục rao bán nợ xấu này với giá trên 84 tỷ đồng, trong khi giá khởi điểm ban đầu là 176 tỷ đồng.

Trong khi đó, loạt căn hộ hạng sang tại chung cư cao cấp Saigon Pearl (Thành phố Hồ  Chí Minh) được Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn rao bán hồi tháng Sáu.

Ngày 4/9, chi nhánh này tiếp tục rao bán một trong số những căn hộ nói trên, căn hộ số 4.1, diện tích 98,5m2 với giá khởi điểm 5,078 tỷ đồng, thấp hơn 2 tỷ đồng so với thời điểm rao bán lần đầu cách đây 3 tháng.

Mới đây, ngày 21/8 Agribank gây chú ý khi thông báo bán tài sản gồm cụm 27 tài sản thế chấp, tổng diện tích 73.377 m2 tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Số bất động sản này là tài sản thế chấp của các khách hàng: Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ sản xuất và Xây dựng Nam Hải, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Hòa Thành, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ Tân Mỹ Hưng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Ung Gia và 2 cá nhân khác.

Trong thông báo mới nhất của Agribank, giá đấu khởi điểm của 27 tài sản đấu giá trên là 355,940 tỷ đồng. Cần biết rằng cách đây đúng 3 tháng, ngày 3/6, Agribank phát giá khởi điểm cho 27 tài sản trên là 374,673 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 3 tháng Agribank đã phải chấp nhận giảm giá gần 20 tỷ đồng cho khối tài sản này.

Tương tự, đầu tháng Chín, Vietcombank chi nhánh Thăng Long lại tiếp tục thông báo phát mại hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị của Nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn ôtô Vinaxuki Thanh Hóa. Đây lần thứ 5 ngân hàng này rao bán các tài sản nói trên để thu hồi nợ.

Hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị này được rao bán đấu giá với giá khởi điểm hơn 33,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 44,2 tỷ đồng được đưa ra hồi tháng 4/2020...

Ở khối các ngân hàng nhỏ hơn, mới đây Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đại Dương (OceanBank) cũng vừa tổ chức bán đấu giá khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty Cổ phần Phát triển giải trí xứ sở Hạnh Phúc lần thứ 4 với giá khởi điểm 311,5 tỷ đồng. Mức giá này giảm hơn 70 tỷ đồng so với lần rao bán vào ngày 9/4/2020.

Ngoài bất động sản, thời gian qua, nhiều ngân hàng cũng rao bán các loại xe ôtô cũ-vốn là tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu. Đơn cử như đầu tháng 8/2020, ngân hàng VPBank đã thông báo bán đấu giá hơn 25 chiếc xe ôtô với nhiều chủng loại. Một ngân hàng khác cũng rất tích cực rao bán thanh lý ôtô trong thời gian vừa qua là VIB và TPBank.

Ngoài ra, còn có hàng loạt tài sản thế chấp khác vẫn được các ngân hàng dồn dập rao bán những ngày gần đây để kéo giảm tỷ lệ nợ xấu. Nhiều chuyên gia dự báo, với tình hình dịch COVID-19 chưa chấm dứt như hiện nay, nợ xấu sẽ còn "dềnh" lên ở những tháng cuối năm.

''Ngấm đòn'' COVID-19: Tiềm ẩn nguy cơ từ ''bóng đen'' nợ xấu ảnh 2Nhiều tài sản rao bán cả chục lần vẫn không có người mua. (Ảnh: Vietnam+)

Tắc do đâu?

Lý giải về tình trạng trên, giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến nợ xấu khó bán là do sau dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa trở lại nhịp độ như trước kia, nên nhu cầu đầu tư, mở rộng không có. Trong khi đó, người dân cũng đang cắt giảm chi tiêu, "thắt lưng buộc bụng" nên cũng không có tiền để "đổ" vào thị trường bất động sản và các lĩnh vực khác.

Đó là chưa kể, dù Nghị quyết 42 đã đi vào cuộc sống và thu được những kết quả nhất định, song vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, đặc biệt là trong thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm, việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp theo Điều 8 Nghị quyết số 42 khiến khách mua nhụt chí.

Mặt khác, thủ tục pháp lý xử lý, chuyển nhượng tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc làm nản lòng người mua. Nên dù ngân hàng nhiều lần hạ giá bán nhưng vẫn không có mấy nhà đầu tư quan tâm.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cũng thừa nhận trong quá trình xử lý nợ xấu, vẫn còn những khó khăn liên quan đến hướng dẫn của các bộ, ngành cũng như các quy định của pháp luật về các hoạt động khác như thu thuế, phí, chế tài với khách hàng vay.

“Chúng tôi cũng gặp một vài trường hợp, sau khi bán đấu giá thành công và chuyển giao thì lại vướng việc sang tên cũng như chuyển tên các tài sản đó, khách hàng không hợp tác nên nhiều khi bị chậm. Trong khi đó, vấn đề này lại chưa có hướng dẫn cụ thể,” ông Thắng cho hay.

Một thực tế nữa là nợ thuế, khi bán tài sản bảo đảm nhưng chưa thu được nợ gốc của ngân hàng, trong khi bên thuế yêu cầu  trường hợp không nộp thuế thì không được sang tên. Đây là những vướng mắc mà Vietcombank cũng như các ngân hàng khác đang gặp phải.

Cũng theo ông Thắng, Nghị quyết 42 cho phép các tổ chức tín dụng được bán các khoản nợ theo giá thị trường, tuy nhiên khoản nợ đó được định giá như thế nào và giá trị khoản nợ cũng chưa được hướng dẫn cụ thể trong việc định giá khoản nợ. Thông thường, các ngân hàng khi định giá khoản nợ chủ yếu định giá tài sản bảo đảm, còn lại những khoản nợ như khoản phải thu, tồn kho, những lợi ích sinh ra từ những khoản nợ đó thì lại chưa đánh giá được. Khi đấu giá thì khoản nợ đó lại nằm ở động sản hay bất động sản cũng chưa được quy định rõ dẫn đến quá trình đấu giá khoản nợ cũng gặp nhiều khó khăn.

Đồng tình với những ý kiến trên, song ông Nguyễn Thành Long-Phó Tổng giám đốc VPBank cho biết thêm: Trong quá trình thực thi, VPBank cũng gặp vướng mắc ngay cả khi tài sản đã thu giữ và đấu giá xong.

"Khi ngân hàng thực hiện sang tên nhà đất thì cơ quan nhà đất lại yêu cầu phải có biên bản bàn giao. Về nguyên tắc, ngân hàng buộc thu giữ thì không thể có sự đồng thuận để có biên bản bàn giao với khách hàng. Có trường hợp ngân hàng không sang tên đổi chủ được buộc phải trả lại tiền, không những thế ngân hàng còn bị người mua kiện ra toà," ông Long chua chát nói.

Thực trạng trên cho thấy quá trình trả nợ và thu hồi nợ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng nợ xấu, mà nếu không có giải pháp xử lý triệt để, những "điểm nghẽn" này sẽ gây tổn hại đến hoạt động của hệ thống ngân hàng-huyết mạch của cả nền kinh tế./.

Bài 2: “Cục máu đông” của nền kinh tế đang có nguy cơ quay trở lại

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục