Điều trị bệnh không lây nhiễm trong bối cảnh dịch COVID-19

Bệnh không lây nhiễm đang gia tăng trên toàn cầu, số ca tử vong do nhóm bệnh này chiếm 71%, đặc biệt trên 85% số ca tử vong sớm xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Điều trị bệnh không lây nhiễm trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh 1Quang cảnh diễn đàn tại đầu cầu trụ sở Bộ Y tế. (Nguồn: Bộ Y tế)

Chiều 22/9, Bộ Y tế phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp Vương quốc Anh-ASEAN và Hội đồng tư vấn Doanh nghiệp ASEAN tổ chức Diễn đàn “Giải pháp kỹ thuật số để tăng cường chăm sóc và điều trị các bệnh không lây nhiễm trong bối cảnh bình thường mới."

Tại đầu cầu trụ sở Bộ Y tế và trụ sở Hội đồng Doanh nghiệp Vương quốc Anh-ASEAN và một số đầu cầu khác có sự tham dự của đông đảo các chuyên gia y tế, các nhà hoạch định chính sách từ Việt Nam, các nước ASEAN và Vương quốc Anh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty AstraZeneca Vietnam Nitin Kapoor chủ trì diễn đàn.

Bệnh không lây nhiễm đang gia tăng trên toàn cầu, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 71% số ca tử vong toàn cầu, đặc biệt trên 85% số ca tử vong sớm xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Các hệ thống y tế trên toàn cầu đang phải đưa ra những quyết định khó khăn để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cấp bách do COVID-19, cùng lúc duy trì các dịch vụ y tế cho bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm, vốn đã quá tải.

[90% người mắc bệnh ung thư phổi có thể phòng tránh được]

Gánh nặng về cả sức khỏe và chi phí là rất nặng nề, đặc biệt đối với người dân thuộc nhóm yếu thế trong xã hội giữa đại dịch COVID-19.

Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đến thời điểm này, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19; đã 20 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở lại một số đường bay thương mại quốc tế, tập trung thúc đẩy kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch COVID-19 gia tăng trên toàn cầu, các bằng chứng khoa học và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy người cao tuổi, người mắc bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư, bệnh thận giai đoạn cuối... bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi tác động của dịch bệnh COVID-19. Hệ thống y tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi gánh nặng kép các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm."

Chia sẻ kinh nghiệm của ngành y tế Việt Nam, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Để phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo duy trì cung cấp dịch vụ quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, Việt Nam đã triển khai một số hành động ứng phó như xây dựng kiến nghị cho người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính về phòng, chống COVID-19 và tự quản lý bệnh, triển khai đề án khám, chữa bệnh từ xa, hướng dẫn chi trả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người bệnh mạn tính..."

Điều trị bệnh không lây nhiễm trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh 2Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward phát biểu tại buổi họp. (Nguồn: Bộ Y tế)

Tại Diễn đàn, các chuyên gia y tế bao gồm Phó Giám đốc Ban các bệnh không lây nhiễm, Bộ Y tế Malaysia Feisul Idzwan Mustapha; Giám đốc Chương trình Kiểm soát dịch bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới; Giáo sư Richard Hobbs, Đại học Oxford; Phó Chủ tịch cấp cao khu vực châu Á, AstraZeneca... đã tập trung thảo luận về giải pháp kỹ thuật số trong chăm sóc, điều trị bệnh không lây nhiễm trong trạng thái bình thường mới; ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến việc chăm sóc, điều trị các bệnh không lây nhiễm trong khu vực; các giải pháp để hệ thống y tế đáp ứng tốt với bệnh không lây nhiễm và vai trò của công nghệ số trong chăm sóc sức khỏe...

Các chuyên gia y tế đều cho rằng việc số hóa trong y tế đã giúp nâng cao năng lực ngành y tế một cách hiệu quả, hỗ trợ rõ rệt trong công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Điều này có thể thấy rõ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu như hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục