Dịch bệnh sáng 20/9: Hơn 61.000 người trong tình trạng nguy kịch

Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 với 6.967.403 ca nhiễm và 203.824 ca tử vong, trong khi đó Ấn Độ tiếp tục ghi nhận hơn 90.000 bệnh nhân nhiễm mới trong ngày.
Phun thuốc khử trùn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Athens, Hy Lạp ngày 31/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phun thuốc khử trùn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Athens, Hy Lạp ngày 31/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 20/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 30.982.249 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 961.373 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 22.582.580 người. Hiện vẫn còn khoảng 1% số người mắc bệnh đang trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 với 6.967.403 ca nhiễm và 203.824 ca tử vong. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa công bố dự báo mới, cho rằng đến ngày 10/10 tới, tổng số ca tử vong ở Mỹ có thể lên tới 207.000-218.000 ca.

Cơ quan này cũng dự báo trong tuần kết thúc vào ngày 10/10, số ca mắc tại Mỹ có nguy cơ tăng thêm 3.000-7.100 ca.

[Indonesia, Ba Lan ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục]

Ấn Độ tiếp tục ghi nhận hơn 90.000 bệnh nhân nhiễm mới trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 5.398.230 và 86.774 ca tử vong; Brazil với 4.528.347 ca nhiễm và 136.565 ca tử vong.

Tại châu Âu, Cơ quan Y tế công cộng Pháp thông báo nước này ghi nhận 13.498 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Pháp, theo đó nâng tổng số ca mắc tại đây lên 442.194 ca. Hiện số ca tử vong tại Pháp là 31.274 ca sau khi tăng thêm 26 ca.

Dịch bệnh sáng 20/9: Hơn 61.000 người trong tình trạng nguy kịch ảnh 1Cảnh vắng vẻ trên đường phố London, Anh khi lệnh phong tỏa có hiệu lực nhằm ngăn dịch COVID-19 lan rộng, ngày 2/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số ca nhiễm mới tại Anh tăng thêm 4.422 ca - số ca trong ngày cao nhất kể từ ngày 8/5. Số ca không qua khỏi tăng thêm 27 ca. Như vậy, tổng số ca mắc tại Anh hiện là 390.358 ca và 41.759 ca tử vong.

Hiện nay ở Anh có ít nhất khoảng 13,5 triệu người, tương đương với 20% tổng dân số Anh đang sống trong lệnh phong tỏa.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cân nhắc đưa ra những biện pháp giãn cách xã hội thắt chặt hơn nữa tại vùng England sau khi xác nhận Anh " đang bước vào làn sóng thứ hai" của dịch COVID-19.

Trong những ngày cuối tuần, chính phủ đã họp để chuẩn bị đưa ra những lệnh cấm mới trong tuần tới như các gia đình không được phép gặp gỡ tiếp xúc với nhau và giảm thời gian cho phép các quán rượu mở cửa.

Một số nước Đông Âu ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Slovakia ghi nhận thêm 290 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 6.500 ca. Lítva công bố thêm 99 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại đây lên hơn 3.600 ca.

Tại châu Á, Trung Quốc đại lục sáng 20/9 công bố thêm 10 ca mắc trong ngày 19/9 và tất cả đều là các ca nhập cảnh. Nước này không ghi nhận thêm ca tử vong nào do COVID-19 và thêm 13 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh.

Tính đến hết ngày 19/9, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 85.279 ca mắc, trong đó 4.634 ca tử vong và 80.477 ca khỏi bệnh.

Dịch bệnh sáng 20/9: Hơn 61.000 người trong tình trạng nguy kịch ảnh 2Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại trường học ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 17/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lần đầu tiên trong hơn một tháng qua, số ca mắc mới tại Hàn Quốc trong ngày giảm xuống dưới 100 nhờ việc thực hiện các quy định giãn cách xã hội và phòng dịch, song số ca mắc bệnh không rõ nguồn gốc vẫn là một thách thức lớn đối với Hàn Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19.

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn nguồn Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 82 ca mắc sáng 20/9, trong đó có 72 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 22.975 ca.

Đây là lần đầu tiên số ca ghi nhận trong ngày giảm xuống dưới 100 ca kể từ ngày 14/8. Số ca lây nhiễm mới hằng ngày ở Hàn Quốc đã liên tục ở mức 3 chữ số trong hơn một tháng qua sau khi một số ổ dịch bùng phát liên quan đến một nhà thờ ở phía Bắc thủ đô Seoul và các cuộc biểu tình hồi giữa tháng 8.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Châu Phi) cho biết  tính đến hết ngày 19/9, châu lục này ghi nhận tổng cộng 1.390.560 ca mắc và 33.626 ca tử vong, trong khi 1.140.980 người đã được chữa khỏi bệnh. Những nước châu Phi ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cao nhất gồm Nam Phi, Ai Cập, Maroc, Ethiopia và Nigeria. 

Ngày 19/9, Bộ Y tế Maroc cho biết nước này ghi nhận thêm 2.552 ca mắc COVID-19 mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc bệnh tại Vương quốc Bắc Phi này lên 99.816 ca.

Bộ Y tế cho biết thêm tổng số ca tử vong tại quốc gia này là 1.795 người và số ca được điều trị bình phục tăng lên 79.008 người, trong khi đó 39 người trong tình trạng nguy kịch.

Trước tình  trạng số ca nhiễm bệnh mới ngày càng gia tăng, Bộ Y tế Maroc yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang, tôn trọng các quy tắc về vệ sinh và an ninh y tế cũng như các biện pháp phòng ngừa do chính quyền đề ra.

Dịch bệnh sáng 20/9: Hơn 61.000 người trong tình trạng nguy kịch ảnh 3Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Ekurhuleni, Nam Phi, ngày 8/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang khuyến khích châu Phi nghiên cứu các loại thuốc thảo dược để đối phó với dịch bệnh COVID-19 cũng như nhiều dịch bệnh khác.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các chuyên gia của WHO và 2 tổ chức gồm TCDC châu Phi và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Liên minh châu Phi, đã phê duyệt quy trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của loại thuốc thảo dược chống COVID-19.

Trong một tuyên bố tại thành phố Brazzaville, trụ sở khu vực của tổ chức này tại châu Phi, WHO cho biết việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 là rất cần thiết để đánh giá đầy đủ tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm y tế mới này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục