Ông Phương 'gàn' qua lời kể của họa sỹ, nhà văn Trần Thị Trường

Nhạc sỹ Phó Đức Phương qua lời kể của nhà văn Trần Thị Trường

Trong hơn 9 năm cùng công tác với nhạc sỹ tài hoa Phó Đức Phương, nhà văn, hoạ sỹ Trần Thị Trường nhớ về ông không chỉ qua những tác phẩm để đời, mà còn cả lối sống quyết liệt với công việc của ông...
Nhạc sỹ Phó Đức Phương qua lời kể của nhà văn Trần Thị Trường ảnh 1Từ trái sang: Nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường, cố nhạc sỹ Phó Đức Phương và hai nhạc sỹ Trần Tiến, Nguyễn Cường. (Ảnh: Facebook Tran Thi Truong)

Qua lời kể của nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường, chân dung của cố nhạc sỹ Phó Đức Phương hiện lên theo đúng biệt danh “gàn” mà “Bộ tứ sông Hồng” đã đặt cho ông những năm xưa.

Từ chuyện kiên định yêu cầu các ca sỹ hát nhạc mình cho đúng, chuyện bỏ nghiệp sáng tác để tập trung đấu tranh cho quyền tác giả, quyết “nuôi” bằng được Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC)... cho đến những ngày mệt mỏi, đau yếu trên giường bệnh, ông vẫn chiến đấu, vẫn kiên trung với chính mình, với cuộc đời.

Kiên trung với đời sống, âm nhạc

“Hãy hát đúng nhạc của tôi trước đã, rồi sau muốn phiêu bao nhiêu thì tùy, sở dĩ Phó Đức Phương nói vậy vì ông cho rằng hát đúng nhạc, đúng nốt do ông sáng tác đã là hay rồi,” nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường kể lại với phóng viên VietnamPlus một trong những câu chuyện bà ấn tượng nhất về người sếp đầy cá tính. Bà Trường là cấp dưới trực tiếp của nhạc sỹ Phó Đức Phương trong gần 10 năm tại VCPMC.

[Nhạc sỹ Phó Đức Phương qua đời ở tuổi 76 do mắc ung thư tụy]

Để hiểu thêm về câu nói ấy, bà giải thích: “Một nốt chính của ông có tới 14, 15 nốt phụ nữa. Hát được đủ từng ấy nốt phụ một cách chính xác, mà hay thì có lẽ là những giọng ca của Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương. Ai ấy không biết thì thôi, nhưng ai đã hỏi ý kiến ông ấy thì ông khăng khăng phải hát theo đúng nốt, đúng nhạc của mình.”

Trong cơn đau ốm khiến ông phải nhập viện kể từ đầu năm 2020, nhạc sỹ Phó Đức Phương chỉ coi đây là khoảng thời gian thách thức mà mà cuộc đời muốn ông phải trải qua, không nghĩ sẽ có chuyện gì xấu xảy ra cả, bà Trường kể lại.

Video Mỹ Linh hát "Một thoáng Tây Hồ" (Nguồn: Mỹ Linh Fanclub)

“Ngay cả trong dịp đau ốm này, ông chỉ bảo là: ‘Tôi lại phải vất vả thôi, đời tôi toàn phải vất vả chứ chắc là trời chưa gọi đâu.’ Ở trên giường bệnh còn hát thị phạm cho Mỹ Linh cơ, tôi nhớ không nhầm thì là ‘Một thoáng Tây Hồ’, bởi đó là lần đầu cô ấy hát bài này.”

“Gàn” với sự nghiệp bảo vệ bản quyền âm nhạc

Chỉ đến năm 2004, Việt Nam mới gia nhập, trở thành thành viên của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, trong khi nhạc sỹ Phó Đức Phương đã “lao” vào công cuộc này từ 2002.

“Đối với đồng nghiệp, anh em thì ông là người dễ tính, thậm chí có phần nhút nhát. Một con người gàn như vậy, nói ra là nhút nhát thì chẳng ai tin, nhưng quả thật là vậy,” bà Trường kể, “còn trong công việc thì phải nói, ông là một người cực ghê gớm.”

Trong một lần tự nhận xét về bản thân, tác giả ca khúc “Trên đỉnh Phù Vân” tự nhận rằng mình… quá đáo để trong công cuộc thực hiện quyền tác giả.

Trong hơn 9 năm cùng công tác với người nghệ sỹ tài hoa, bà Trường nhớ về ông không chỉ qua những tác phẩm để đời, mà còn cả lối sống cực đoan của ông. Nhạc sỹ Phó Đức Phương là một người rất kiên trung với lý tưởng, suy nghĩ của mình và quyết làm đến cùng dù khó khăn đến mấy.

"Đôi khi cuộc sống khó, tôi nghĩ rằng nếu cứ cực đoan quá thì sẽ không đem lại hiệu ứng tốt cho bản thân và tập thể, nhưng với Phó Đức Phương: Thà rằng phải đi đường dài, dài mấy cũng đi, chứ không thỏa hiệp với dễ dãi, thiếu nguyên tắc trong giữ bản quyền âm nhạc. Đây là một trong những điều tôi học được rất nhiều ở ông," nữ nhà văn chia sẻ.

Một điều đáng nể nữa ở nhạc sỹ Phó Đức Phương là việc ông quyết học ngoại ngữ bằng được. Ông tự mày mò, nghiên cứu về luật và khăng khăng sẽ tự phát biểu bằng tiếng Anh trước cuộc họp tại CISAC (Liên đoàn quốc tế các hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc).

“Ở một tuổi nào đó, việc tiếp thu ngoại ngữ sẽ trở nên rất khó khăn. Tại cuộc họp với CISAC, cơ quan cử phiên dịch viên đi cùng mà ông ấy tự trọng đến mức không để cô ấy đọc hộ báo cáo. Ông ấy tự soạn, rồi đưa phiên dịch đọc lại xem từ ngữ, cấu trúc câu chuẩn chỉnh chưa. Rồi là ông ấy học thuộc, chứ quyết không cầm giấy đọc,” bà kể về ông Phương “gàn” với một giọng vừa nhẹ nhàng trách móc, vừa kính trọng, nể phục.

Nhạc sỹ Phó Đức Phương qua lời kể của nhà văn Trần Thị Trường ảnh 2Nhạc sỹ Phó Đức Phương cùng nhạc sỹ Giáng Son trong sự kiện Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần 12/2017. (Ảnh: BTC)

Từng có thời gian ông và những người đồng nghiệp phải chịu phản ứng gay gắt, song ông vẫn kiên quyết làm bằng được. Ông chính là người đặt nền móng cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hiện nay.

Thế nhưng, công chúng nhớ đến Phó Đức Phương ở tư cách nhạc sỹ. Ông chính là cha đẻ của những tác phẩm để đời của nền âm nhạc Việt, góp phần tạo nên tên tuổi cho nghệ sỹ như Tùng Dương, Thanh Lam, Mỹ Linh, Phương Anh, Minh Thu... với những "Về quê," “Trên đỉnh Phù Vân,” “Khúc ca phiêu ly,” “Huyền thoại Hồ Núi Cốc,” “Bài ca Thần Chim Lạc,” “Hội thề Mê Linh...”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục